Một gương mặt thầm lặng không được vinh danh vì công trình khám phá ADN, nhưng đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực giúp nhân loại hiểu thêm về cấu trúc nền tảng của di truyền.
Công trình khám phá ADN (acide désoxyribonucléique), đại phân tử trong mỗi tế bào, là một bước tiến đột phá trong nỗ lực tìm hiểu thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của tất cả các sinh vật trên Trái đất. Cho đến nay, việc tìm ra chuỗi ADN xoắn kép được xem là công lao của nhà sinh học người Mỹ James Watson, nhà vật lý học người Anh Francis Crick và nhà sinh học người New Zealand Maurice Wilkins. Tuy nhiên, bộ ba này khó có thể được trao giải Nobel Y sinh vào năm 1962 nếu không có những người khác mở đường trước đó, bao gồm đồng nghiệp của nhà khoa học Wilkins là nhà sinh học Rosalind Franklin và nữ tu Miriam Michael Stimson (1913-2002).
Nữ tu Miriam Michael Stimson (tên khai sinh là Marian Emma Stimson) thuộc dòng Ðaminh Adrian (Mỹ) và là một chuyên gia hóa học. Sơ là người phụ nữ thứ hai được đứng trên bục giảng của Ðại học Sorbonne (Pháp), chỉ sau nữ khoa học gia nổi tiếng Marie Curie, và là giáo sư của Ðại học Siena Heights (Mỹ). Sơ nổi tiếng với các nghiên cứu liên quan đến quang phổ, và trên hết là góp công lớn trong nỗ lực khám phá và tăng cường sự hiểu biết của nhân loại về ADN.
Yêu khoa học và gắn bó với Nhà Chúa
Nữ tu Miriam sinh trưởng trong một gia đình Công giáo gốc Anh và Ireland di cư đến Mỹ. Sơ luôn tỏ ra hứng thú về các lĩnh vực liên quan đến y học, một phần do lớn lên trong tình cảnh gia đình bị bao vây bởi bệnh tật. Người anh lớn bị sốt bại liệt, em gái bị nhiễm vi khuẩn gây nên bệnh tình liên quan đến tim mạch. Còn người mẹ bị chứng huyết áp cao và trí nhớ bị tổn hại sau một lần sinh nở. Là chị lớn, cô bé Miriam giúp cha mẹ trông các em nhỏ và dạy chúng biết đọc biết viết. Trải nghiệm này phần nào giúp hình thành các phẩm chất của một nhà giáo dục nơi vị nữ tu uyên bác.
Bất chấp bệnh tật, cha mẹ Miriam luôn khuyến khích các con học giáo lý và đào sâu kiến thức về tôn giáo. Riêng về phần Miriam, cô rất thích ngành khoa học, và được cha mẹ ủng hộ theo đuổi việc học. Ðến năm 14 tuổi, cô được gởi đến Ðại học và Học viện dòng Ðaminh Adrian ở bang Michigan, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, cô sinh viên tiếp tục làm việc tại trường và xin gia nhập dòng Ðaminh Adrian, trong khi tiếp tục nghiên cứu các gốc và cấu trúc của ADN. Chính nhờ công trình nghiên cứu về quang phổ đã giúp sơ nổi tiếng trên thế giới. Ðây là công cụ dùng để phân tích các chất hóa học và vị nữ tu đã viết các chỉ dẫn tường tận để các chuyên gia khác có thể sử dụng phương tiện này.
Không dừng lại ở đó, sơ Miriam còn nghiên cứu các hoóc môn giúp vết thương mau lành và giúp điều chế thành công thuốc mỡ Preparation H. Vị nữ tu dòng Ðaminh thành lập một phòng thí nghiệm ở Ðại học Siena Heights vào năm 1939, nơi sơ nghiên cứu về ung thư suốt hơn 30 năm. Có biệt danh “M2” tại Siena Heights, sơ đưa nghiên cứu vào chương trình giảng dạy bậc đại học và chương trình tư vấn cho các con nghiện.
Góp phần khám phá ADN
Ðóng góp đáng kể nhất của sơ Miriam trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư chính là giải pháp giúp giải mã được hình dạng của các gốc ADN là nucleobase. Trong quyển “Linh hồn của ADN”, tác giả người Nhật Jun Tsuji đã viết:
“Vì không rõ cơ chế xoắn kép của ADN, các nhà khoa học không thể nào hiểu được tận gốc rễ di truyền của ung thư, và hậu quả là họ không thể tìm ra những biện pháp điều trị hữu hiệu. Vào đầu những năm 1950, giới khoa học gia đang đứng trước ngưỡng sắp khám phá chuỗi xoắn kép của ADN và phát hiện ung thư là một căn bệnh di truyền. Do không biết được hình dạng chính xác của các gốc ADN, vốn là “linh hồn” cấu trúc và chức năng của ADN, nhiều nhà khoa học nam giới, từ James Watson và Francis Crick đến Linus Pauling, đều thất bại trong việc đưa ra các đề xuất về mô hình của ADN, vì không phản ánh được bản chất của nó.
Ngược lại, một phụ nữ, sơ Michael Stimson, nữ tu dòng Ðaminh Adrian và đồng thời là nhà hóa học, đã dám đưa ra một giải pháp cho vấn đề về gốc của ADN. Bà dùng potassium bromide (KBr) để chuẩn bị các gốc ADN trước khi phân tích dưới kính quang phổ hồng ngoại, và xác nhận thành công cấu trúc của chúng cũng như hình dạng chuỗi xoắn kép của ADN”.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ tu Miriam xem các công trình nghiên cứu là phương tiện khám phá những sự thật cho phép con người đến gần với Chúa. Bà đã góp phần chứng minh rằng khoa học và tôn giáo không hề trái ngược nhau, mà thay vào đó đều minh chứng cho sự tồn tại của Thiên Chúa.
HỒNG HOANG
Bình luận