Trước đêm Giáng Sinh năm 1943, phi công Charles Brown điều khiển oanh tạc cơ Mỹ B-17 trong thế chiến thứ hai chưa bao giờ cảm thấy mình cận kề với cái chết đến thế.
Hay nói đúng hơn, người lính Mỹ thật sự cho rằng mình không còn đường sống. Lúc đó, Brown chỉ là một chàng trai 21 tuổi đến từ miền nông thôn, tiểu bang Tây Virginia, tham gia trận chiến đầu tiên kể từ khi nhập ngũ. Chiếc máy bay ném bom của người lính trẻ thủng lỗ chỗ dưới làn đạn cực rát của phe địch, khiến máy bay gần như bị phá hủy. Thậm chí tình trạng của những người trên máy bay còn thê thảm hơn thế: Phân nửa tổ bay bị thương nghiêm trọng, tay súng ở phần đuôi đã chết và máu của người này đông thành đá bao quanh khẩu súng máy.
Hai cựu phi công Brown và Stigler |
Trong tình trạng tả tơi như thế, chiếc oanh tạc cơ không thể bám theo đội hình và nhanh chóng bị bỏ lại đằng sau. Ở một nơi nào đó trên bầu trời nước Ðức và tìm mọi cách quay về doanh trại, phi công Brown trở nên tuyệt vọng khi phát hiện một chiếc tiêm kích Messerschmitt của Ðức Quốc xã xuất hiện từ đằng xa. “Lạy Chúa, quả thật là cơn ác mộng”, phi công phụ Spencer “Pinky” Luke thở gấp. “Chiếc tiêm kích đó sẽ hủy diệt chúng ta”, Brown cay đắng thừa nhận, và tình hình dường như hoàn toàn vô vọng.
Tuy nhiên, các phi công Mỹ không hề biết rằng người đang lái chiếc máy bay địch, phi công Franz Stigler, lại xuất thân từ một gia đình công khai chống Ðức Quốc xã. Trên hết, ông Stigler là người Công giáo và đã có thời gian học tại chủng viển trước khi cuộc chiến nổ ra. Bản thân ông không hề muốn gia nhập không quân của Ðức quốc xã và ban đầu chỉ muốn tham gia huấn luyện cho các phi công mới nhập ngũ. Tuy nhiên, sau khi người em August, cũng là phi công, chết trận, trong cơn tức giận và phẫn uất, Stigler cuối cùng đồng ý ra tiền tuyến.
Thế nhưng, vào ngày ông lái máy bay bám theo chiếc B-17 của Mỹ, một điều gì đó từ sâu thẳm một lần nữa trỗi dậy sau thời gian bị chôn vùi trong sự thống hận và thù ghét. Ông biết rằng mình không thể xuống tay bắn hạ chiếc máy bay đối diện. Dù đứng trong hàng ngũ Ðức Quốc xã, Stigler vẫn tin vào nguyên lý cơ bản của đạo đức thời chiến, mà một số người gọi là “bộ luật chiến binh”: “Có thứ gì đó còn tệ hơn cả cái chết, và một trong số này là đánh mất hoàn toàn lòng nhân đạo của con người”. Với tinh thần yêu thương của người Công giáo, điều này lại càng quan trọng.
Phi công Stigler nhận ra những người trên máy bay ném bom của Mỹ đã bị trọng thương và không thể tự vệ. Nã súng vào những con người như thế không khác gì phạm tội sát nhân. Sau này, ông nhớ lại: “Ðối với tôi, chiếc máy bay lúc đó chẳng khác nào dù cứu hộ. Và tôi không cách nào làm cho mình phải nổ súng”. Tay lần tràng chuỗi Mân Côi mà ông luôn đặt nơi ngực áo, Stigler nhanh chóng nghĩ ra phương án mới. Ðài CNN đã phân tích hành động của người lính Ðức để cho thấy ông đã làm điều tốt nhất nhằm giải thoát kẻ thù khỏi chiếc máy bay chuẩn bị rơi:
Bay kè chiếc máy bay rách nát, Stigler quyết định thay đổi sứ mệnh của mình. Ông hướng về phi công Mỹ và gật đầu với đối phương, đồng thời bắt đầu bay theo đội hình để lực lượng phòng không của Ðức Quốc xã sẽ không bắn hạ oanh tạc cơ đang di chuyển chậm chạp. Ông đã đánh lừa các tay súng bên dưới rằng chiếc máy bay đang bị áp tải về căn cứ. Không ít B-17 của Mỹ đã rơi vào tay không quân Ðức Quốc xã và lực lượng này đã tận dụng dòng oanh tạc cơ cho những sứ mệnh bí mật cũng như huấn luyện. Stigler hộ tống máy bay ném bom bên trên bầu trời Biển Bắc và nhìn phi công Mỹ một lần cuối. Kế đến, ông giơ tay chào đối phương, quay đầu máy bay về Ðức. “Chúc may mắn. Các anh đang nằm trong tay Chúa”, ông Stigler tự nhủ với mình như thế.
Hành động đầy nhân đạo trên đã phải đánh đổi bằng sự an toàn của chính ông Stigler lẫn cơ hội thăng tiến của bản thân. Lúc đó, ông chỉ cần bắn hạ một chiếc máy bay là có thể được trao huân chương Hiệp sĩ, huy chương danh giá nhất của Ðức thời bất giờ. Còn tệ hơn thế, ông đã đẩy bản thân vào tình thế nguy hiểm: Nếu bất kỳ ai phát hiện chuyện này, Stigler sẽ ra thẳng tòa án binh, và ông giữ bí mật đó cho riêng mình suốt nhiều năm sau.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, cả hai phi công đều lập gia đình, có con cái. Thế nhưng, họ luôn nhớ kỹ thời khắc định mệnh đó. Nhiều thập niên sau, Brown bắt đầu mất ngủ vì những cơn ác mộng, đến nỗi cuối cùng ông không thể chịu đựng thêm nữa. Ông quyết định phải tìm cho ra người phi công Ðức và hỏi tại sao ông ấy lại quyết định cứu mình.
Nỗ lực tìm kiếm các hồ sơ quân sự và chia sẻ câu chuyện trên đều chấm dứt trong vô vọng. Thế nhưng ông Brown không bỏ cuộc. Ông thử một biện pháp khác: đăng quảng cáo trên một bản tin Ðức dành cho các cựu phi công Không quân Ðức Quốc xã và đề nghị được cung cấp thông tin về người lính bí ẩn.
Vào ngày 18.1.1990, cựu binh Mỹ cuối cùng nhận được một lá thư, mở đầu bằng dòng chữ: “Ông Charles Brown quý mến, sau ngần ấy năm, tôi luôn tự hỏi điều gì đã xảy ra cho chiếc B-17 đó, liệu nó có thoát nạn hay không?”. Ông Stigler đã di dân đến Canada sau chiến tranh và muốn gặp lại ông Brown. Họ hẹn gặp tại sảnh của một khách sạn ở bang Florida, gần 50 năm kể từ cuộc chạm trán đã thay đổi cuộc đời họ. Kể từ đó, họ trở thành đôi bạn thân và đến cuối đời đã gọi nhau là “huynh đệ”.
Hai con người từng ở hai bên chiến tuyến đã cùng đi câu cá, đến thăm nhà nhau, cùng đi đến các trường học, những cuộc hội ngộ của cựu chiến binh để chia sẻ về sự tích thần kỳ của họ. Và những cơn ác mộng đã buông tha ông Brown. Tình bạn sâu sắc giữa hai người kéo dài suốt 18 năm cho đến khi cả hai đều qua đời vào năm 2008. Câu chuyện của họ đã được chuyển thể thành phim với tựa đề “A Higher Call” (Tiếng gọi trên cao) và trở thành minh chứng về lòng thương xót của người Công giáo. Khoảnh khắc trước đêm Giáng Sinh năm ấy thật sự là một phép lạ diệu kỳ giữa bầu trời.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận