Quanh chuyện lì xì ngày Tết

Nói đến ngày Tết, người ta nghĩ ngay đến phong tục lì xì. Lì xì còn gọi là tiền “mừng tuổi” người lớn tặng trẻ con trong những ngày đầu năm mới. Có lẽ vì vậy mà lúc còn nhỏ, ai cũng rất vui, ngoài niềm vui được mặc quần áo mới, còn có niềm vui là những phong bao nho nhỏ, trong đó những tờ tiền mới tinh còn thơm mùi giấy. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều chuyên gia xã hội lên tiếng nên bỏ tục lì xì bởi theo họ, chuyện này đã trở nên gánh nặng cho người lớn trong dịp Xuân về…


Buồn vì tục lì xì

Trong cái nhìn của chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, 30 tuổi (trọ ở quận 3, TPHCM), công nhân một xưởng giày, thì lì xì không còn mang ý nghĩa đẹp của ngày Tết nữa. Tết, chị chỉ được thưởng nửa tháng lương, tức 3 triệu rưỡi đồng, cộng với 7 triệu tiền lương tháng Tết. Thế nhưng, sau khi đóng tiền nhà trọ, tiền ăn uống mỗi ngày, tiền điện nước…, số tiền ngỡ to tát ấy không còn bao nhiêu. Chị lại còn mua quà về quê, rồi về nhà lại phải một phen chóng mặt với cái gọi là lì xì cho các cháu, mà mang tiếng làm việc ở Sài Gòn, lì xì sao cho “coi được” chứ. Chị kể, nhiều năm trước, đến nhà đồng nghiệp, bé trai con người đồng nghiệp đó sau khi mở bao lì xì đã trề môi xí một tiếng: “Trời, có hai ngàn đồng!”. Cả chị Hằng và cô bạn đều ngượng tê người. Hoặc một bạn đưa con trai vào cơ quan nhằm lúc chị Hằng trực Tết, thằng bé nhất định không mừng tuổi cô Hằng chỉ với lý do: “Cô ấy lì xì ít xịt”. Vì vậy, chị Hằng đang lưỡng lự về quê vì thấy tốn rất nhiều tiền, ở lại thành phố chắc cũng đóng cửa phòng trọ rồi ngủ 3 ngày tết để “trốn lì xì”!

Không chỉ lì xì cho trẻ con, những thập niên sau này người trẻ có việc làm còn “lì xì” cho ba mẹ, cô dì, thậm chí cô hàng xóm già về hưu không làm ra tiền, như trường hợp chị Minh Tâm, 35 tuổi (Q.Bình Thạnh, TPHCM). “Trong nhà lì xì con cháu đã tốn lắm rồi, còn phải lì xì mấy người cô, dì… về hưu và cả mấy ông bà già trong xóm, một lúc chi nhiều cũng mệt thiệt ấy chứ!”, chị Tâm cảm thán.

Trong nỗi niềm chẳng hứng thú với lì xì ngày Tết, cô Nguyễn Thị Tuyết Ngân, giáo viên ngụ tại quận 8 (TPHCM) có tâm sự khác. Ba của cô là hiệu trưởng một trường THPT nhỏ ở ngoại thành, giáo viên của ông đến chúc Tết, ngoài quà cáp trước đó, họ còn gởi cho cô những phong bao lì xì với những tờ giấy bạc mới tinh tươm mệnh giá rất lớn. Có lúc cô không có ở nhà, họ cũng gởi ba cô tiền mừng tuổi để chuyển dùm. Có người gởi cả 2 phong bao. Ba của cô lập gia đình trễ, ông về hưu lúc cô chỉ học lớp 8. Và Tết năm đó, chẳng ai đến chúc Tết ba cô, dĩ nhiên cô chẳng có đồng lì xì nào. Hàng xóm sang chào hỏi cũng chỉ vài câu xã giao rồi về. Cô thật thất vọng… Năm sau nữa, cô đã quen với ngày Tết buồn tẻ không tiền mừng tuổi. Đến tận hôm nay, mỗi lần nhớ đến ngày trước cô lại buồn. Không phải vì mất tiền lì xì mà hụt hẫng cho cái gọi là “trò chơi cuộc đời” đó.

Cùng tâm trạng như cô Tuyết Ngân, bà Quách Ngọc Bích, 67 tuổi (Q.5, TPHCM) cũng có người cha là giám đốc. Ngày Tết, bà nhận rất nhiều tiền lì xì. Ngay cả khi không theo ba chúc tết dàn giám đốc đối tác của ba, bà Ngân cũng nhận từng cọc phong bao lì xì từ bạn bè và đối tác của ba gởi về cho bà. Bà luôn nhớ lúc ba về nhà, đã móc ra những phong bao màu đỏ đưa cho bà. Năm bà học lớp 6, người cha giám đốc của bà qua đời trong 1 lần bệnh nặng. Năm đó, từ hàng xóm đến bạn bè đối tác của ba chẳng ai buồn đến thăm gia đình bà, nói chi đến lì xì cho bà. Và bà cũng ngộ ra một điều để có những phong bao lì xì bà nhận được từ mọi người, ba của bà đã chi không ít tiền như một sự trao đổi với con cái đồng nghiệp và đối tác của ông. Từ đó, mỗi lần tết, nhớ về người cha ra đi rất sớm, bà cũng buồn cho cái gọi là “tình đời” đó.


Xem lì xì là một niềm vui

Dẫu vậy, có những người xem lì xì là một niềm vui. Ông Nguyễn Phúc Quang, 67 tuổi (Q.Gò Vấp, TPHCM) đã có một tuổi thơ khá buồn. Ông là con giữa của một gia đình có 14 người con. Ngày Tết, anh chị em của ông chỉ mặc những bộ đồ được tặng từ quà từ thiện. Ba mẹ ông cũng có nồi thịt kho, nhưng mỗi đứa chỉ được ăn một miếng thịt nhỏ và nửa trứng hột vịt kho, còn bánh mứt thì chỉ là những mẩu mứt dừa vụn được mẹ ông mua theo ký lô ở chợ. Ông tự hỏi sao mọi người không ghé nhà mình, sau này mới hiểu do người ta ngại đám nhóc - anh chị em của ông. Lớn lên, đi làm có tiền, ông tự cho mình niềm vui là đến thăm những gia đình nghèo trong xóm. Thời nay ít gia đình đông con, nhưng vẫn còn những nhà nghèo không ai nhìn đến. Ông thăm, lì xì cho các con họ những đồng tiền mới, mệnh giá không tệ lắm, để chúng có niềm vui ngày Tết.

Cùng suy nghĩ như ông Phúc Quang, ông Vũ Tuấn, 67 tuổi (Q.1, TPHCM) có thói quen ba ngày Tết đi đến những gia đình vô gia cư dưới các gầm cầu, hoặc trong những phòng trọ dân cư nghèo chỉ để lì xì cho đám nhóc mà đầu năm mới chẳng có ai lì xì. Sau trải nghiệm này, ông Tuấn cảm nhận: “Lì xì cho con cái của đồng nghiệp, bạn bè, dường như thấy đám trẻ vui ít vì có vẻ chúng cho đó là chuyện đương nhiên. Nhưng đến với các bé nghèo trên đường hoặc khu nhà trọ, đôi mắt chúng ánh lên một niềm vui, phản chiếu vào tim mình khiến lòng mình rộn ràng. Tết nào mình có việc ra nước ngoài, mình đều nhờ nhân viên của mình làm dùm mình công việc này ngày đầu năm mới”.

Còn bà Thérèse Nguyen, 69 tuổi sang Pháp cùng gia đình từ năm 9 tuổi. Bà có cơ ngơi vững vàng tại Pháp. Tết, về Việt Nam, bà xem như là cơ hội đền ơn đáp nghĩa dòng họ mình. Những phong bao đỏ được tặng cho chị em họ, các dì, cô… tuổi đã ngoài 80 cùng các con cháu… Tất cả đều mang lại cho bà hạnh phúc thật lớn mỗi khi “về nhà”.

*

Hiện nay, nhiều người đề nghị bỏ tục lì xì. Theo họ, đây như là một “hủ tục” gây áp lực cho người thu nhập thấp. Với hầu bao eo hẹp, họ đã gần như là “trốn” lì xì ngày Tết bằng những chuyến du lịch Xuân, nghe vừa sang, vừa khỏi phải lì xì con cháu và cả ông bà, cha mẹ… Thế nhưng với nhiều người, lì xì như một niềm vui khi họ có chút đỉnh tiền. Họ muốn chia sẻ niềm vui đó cho người kém may mắn hơn, như bà Thérèse Nguyen nói: “Danh ngôn có câu: ‘khi bạn cầm hoa hồng tặng ai, trên tay bạn đã có hương hoa’. Ngày Tết, tôi lì xì cho mọi người trong họ hàng, xóm giềng… Mọi người vui cười hạnh phúc, nhất là các bà nội trợ, con cháu… Nụ cười lan tỏa vào tim tôi, ánh mắt họ chạm vào mắt tôi… Tất cả như một năng lượng tích cực khiến tôi hạnh phúc… Nỗi vui này tôi mang theo về Pháp để năm tới, nếu còn sức khỏe tôi lại quay về…”.

Lì xì là gánh nặng hay sự hân hoan tùy vào suy nghĩ và hành xử của chủ nhân các phong bao lì xì. Nếu một ngày bỏ tục lì xì, không hẳn tất cả người Việt Nam đều vui đâu.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Thay đổi thói quen để giữ gìn sức khỏe
Thay đổi thói quen để giữ gìn sức khỏe
Sống an lành, khỏe khắn luôn là ước mong của người đời. Xung quanh chúng ta, thi thoảng vẫn nghe được những tin tức không mấy vui vẻ về người quen, rằng mới phát hiện ra bệnh này bệnh nọ, khiến cho mình lo lắng.
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Chúng tôi trao đổi danh thiếp. Nhìn dòng địa chỉ, tôi buột miệng: “Chị ở khu Tên Lửa à? Ba em nghỉ ngơi ở nhà thờ Thánh Phaolô, nên em cũng thường ngang hướng đó”.
Bóng lưng của những anh hùng
Bóng lưng của những anh hùng
Vào tháng 5 năm 2024, một otaku (tiếng Nhật, chỉ những người có sở thích đặc biệt đối với anime và manga trong truyện tranh và phim hoạt hình), tên Ruixian Xu, đang ngồi tàu điện về nhà sau giờ làm việc, bỗng thấy có gã cầm dao đe dọa...
Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.