Rồng là con vật chỉ có trong trí tưởng tượng của con người, đứng đầu trong bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Trong 12 con giáp, Rồng đứng thứ năm và là con vật cao quý nhất, vì lúc nào cũng ngự… trên mây. Chẳng thế mà ông bà ta có câu: “Thế gian được vợ hỏng chồng. Có đâu như rồng được hết cả đôi”, ý đã là rồng thì hẳn là phải hoàn hảo, đẹp đẽ, mẫu mực, tinh tuyền.
Hình ảnh con rồng đã được đưa ra ví von, so sánh ngay từ lúc người ta có cảm tình với nhau, người nữ cảm thấy người nam có gì đó thân thuộc, gắn bó, hòa hợp: “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây”; người nam cũng cảm thấy mình may mắn, mừng rỡ trước dấu hiệu cho thấy một duyên lành: “Tình cờ anh gặp mình đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”. Không một từ nào nói về yêu đương nhưng ai cũng ngầm hiểu tình ý của hai người dành cho nhau - thứ tình cảm cao vời, ẩn hiện, bay bổng, nâng đỡ tô điểm cho nhau, không vương chút bụi trần - như rồng với mây. Đến độ “tình trong như đã, mặt ngoài con e”, họ mới mạnh dạn tỏ tình: “Đầu rồng mà gối tay tiên/ Ước gì đầu ấy gối lên tay này”, “Phải chi mình vợ, tui chồng/ Biểu tui đi lấy gan rồng cũng đi!”.
Khi đã nhận lời cam kết, họ lại thề thốt: “Trăm năm ghi tạc chữ đồng/ Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai”. Đã yêu là giữ lòng chung thủy, không xao lòng trước những lời hoa mỹ, hứa hẹn, tán tỉnh; không ham vinh hoa phú quý; không tham vàng bỏ ngãi. Đến lúc được về chung một nhà, người nữ cảm nhận sự may mắn của mình, đồng thời kín đáo ca tụng, khen khéo người bạn đời: “Phận gái lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”.
Trong đời sống hôn nhân, không thiếu những lúc vợ chồng không được ở kề cận bên nhau, người vợ nhắn nhủ: “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây/ Như con chèo bẻo xa cây măng vòi”, tình phu thê vừa thanh cao tận chín tầng mây vừa đơn sơ dân dã. Họ nhắn nhủ nhau mà cũng tự răn mình: “Con công ăn lẫn với gà/ Rồng kia, rắn nọ, coi đà sao nên” để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng cao quý, son sắt; không có chuyện chung chạ, lăng loàn. Nếu vì chồng, vì gia đình mà phải rời xa nơi yên ấm quen thuộc, dấn thân vào chỗ xa lạ, thì cũng một lòng một dạ: “Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”. Những lúc nghi ngờ nửa kia không thành thật, vợ “chiếu tướng” khiến người kia hết đường vùng vẫy, múa may: “Rồng nằm bể cạn phơi râu/ Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi”, để rồi được tướng công tế nhị nhắc nhở những riêng tư ôm ấp, qua đó hỏi một câu phụ nữ rất thích nghe: “Rồng giao đầu, phụng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?”. Những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, người này bất xứng với người kia, họ không còn bóng gió xa xôi mà “mắng” không chút ngại ngùng: “Thuyền rồng chở ván mù u/ Người khôn ở với người ngu bực mình”, nhưng vẫn tuyệt không có một tiếng chửi. Cũng có người bày tỏ ước ao sang cả, muốn hưởng thụ: “Một đêm tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín kiếp ở trong thuyền chài”; sau đó chín chắn nghĩ lại: “Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng/ Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta”. Nếu chẳng may sẩy chân lỡ bước, trót lạc lòng mà vẫn ra vẻ cao sang, đức hạnh, ắt bị thiên hạ chê cười: “Khen ai khéo dựng bình phong/ Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!”
Ngay cả gặp lại người xưa, hai bên cũng chỉ bâng khuâng chút tự tình: “Mấy khi rồng gặp mây đây/ Để rồng than thở với mây vài lời/ Nữa mai rồng ngược mây xuôi/ Biết bao giờ lại nối lời rồng mây”; cùng lắm là lời trách cứ của người nữ khi bị chia uyên, rẽ thúy: “Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc/ Trách ai làm phụng Bắc, rồng Nam”.
Trên hết tất cả, khi Tết đến Xuân về, người ta nhìn lại hạnh phúc riêng chung để cùng xây đắp hôn nhân, vun bồi tình thân: “Vợ nên rồng, chồng nên tiên/ Quý lại gặp quý, bạn hiền gặp nhau”.
Ths BS LAN HẢI
Bình luận