Giữa Sài thành xa hoa, náo nhiệt, chúng tôi vẫn gặp đây đó những phận người lầm lũi mưu sinh với nghề bán hàng dạo đầy vất vả, phần lớn là những người lao động nhập cư.
1. Trên chiếc xe máy xập xệ, anh Nguyễn Văn Thoại (quê Bình Định) vẫn ngày ngày đi khắp phố phường Sài Gòn bán bưởi dạo. Hằng tháng, anh phải chắt chiu gởi tiền về quê nuôi hai con nhỏ và ba mẹ già. Vợ anh vẫn bám trụ ở quê với vài công đất trồng trọt kiếm cơm qua ngày. Theo anh, Sài Gòn tuy nhiều người bán nhưng vẫn còn “có chỗ” cho mình, còn ở quê buôn bán ế ẩm, khó tìm việc nên anh phải lên phố tìm kế mưu sinh. Anh cười khi nghe chúng tôi hỏi tại sao không mang vợ con vào luôn: “Ở ngoài kia tuy chúng tôi nghèo nhưng tôi còn có nhà cửa, các con học trường công lập... Ngày nào thiếu thức ăn ra vườn hái vài nắm rau là có bữa cơm đạm bạc. Còn ở Sài Gòn sống nhà thuê, cái gì cũng mua và các con tôi chỉ có thể học lớp học tình thương ở phường. Rồi đến một ngày chúng cũng gia nhập đội quân bán vé số, làm sao có tương lai?”. Anh cho biết, buổi sáng buôn bán, tối về ngủ phòng trọ cùng với các đồng hương chỉ tốn 10 ngàn đồng/chỗ (300.000/tháng) tại quận 4. Còn kéo vợ con và ba mẹ vào phải thuê nhà ít nhất 3 triệu/tháng. Số tiền đó gởi ra ngoài quê đủ để vợ con, ba mẹ chi tiêu nửa tháng.
"Gian hàng nhỏ của người phụ nữ bán Tò he trên phố Sài Gòn |
2. Từ Tuy An (Phú Yên) vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vé số đã hơn 10 năm nay, Trần Văn Dương, 19 tuổi, bị teo cơ chân nên việc đi lại rất khó khăn. Ban đầu, Dương ở trọ tại phường 14, quận 8. Anh đã nhờ người làm một chiếc bàn ngang 30 cm, dài 50 cm, phía dưới gắn những bánh xe nhỏ để di chuyển trong phạm vi hẹp chừng 10 mét. Mỗi sáng, Dương ra góc ngã ba Hậu Giang – Nguyễn Văn Luông ngồi bán. Còn khi đi xa, anh dùng chiếc xe lăn dành cho người tàn tật. Để việc bán được khá hơn, sau này anh đã chuyển đến quận Tân Bình. Dương tâm sự: “Từ hồi chuyển địa điểm, tôi bán được nhiều hơn trước, trung bình mỗi ngày khoảng 300 tờ”. Với anh, số tiền lời từ công việc này cũng đủ chi tiêu trong chừng mực nào đó. Nếu có dôi ra một chút, anh lại ky cóp gởi về quê đỡ đần gia đình... Còn với ông Nguyễn Văn Thiệu (ngụ phường 11, quận Tân Bình), dù đã ở tuổi ngoài bát tuần song vẫn chưa được nghỉ ngơi. Hằng ngày, từ trước 6 giờ sáng, ông đều đi bộ hoặc bắt xe ôm đến một sạp báo trên đường Lê Văn Sĩ (Phú Nhuận) lấy các loại báo và vé số từ đại lý rồi đi dọc các con đường để bán. Hỏi sao lớn tuổi thế không ở nhà để các con cháu lo cho, ông nói, các con mình đều nghèo cả, vợ thì lâu nay bị liệt nằm một chỗ nên ông phải vào cuộc mưu sinh. Một số người sống dọc trên những con đường ông bán báo đã mua giúp và đôi khi còn hỗ trợ phần cơm. Vẻ bề ngoài ông trông khá chỉnh tề với áo dài tay bỏ trong quần, chân đi giày, song nhìn dáng ông chậm chạp xách cái túi đựng báo bước đi, chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng nghĩ, ở độ tuổi này, lẽ ra được vui vầy bên con cháu thì hằng ngày ông vẫn phải bươn chải trên những nẻo đường.
Ông Nguyễn Văn Thiệu với chồng báo và xấp vé số đi bán dạo |
Chị Phan Thị Diễm (quê Quảng Ngãi) có 8 năm sống đời nhập cư. Hồi ấy, do công việc làm nông ở quê khó khăn, chị theo một nhóm phụ nữ vào Sài Gòn kiếm một chỗ trọ ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Lúc đầu, chị bán vé số quanh khu vực nhà trọ nhưng nhận thấy số người mưu sinh bằng công việc này khá đông nên chị nhờ đóng một chiếc xe ba gác để bán các đĩa CD, VCD ca nhạc, tấu hài... Để nuôi các con ở quê ăn học, người phụ nữ này phải tằn tiện chi tiêu. Còn chồng chị, ngoài việc đồng áng, ngơi tay là theo các nhóm thợ khi phụ hồ, khi chở thuê... Gặp chị đang bán dạo gần nhà thờ Tân Phú, tiếng loa phát ra một bản thánh ca gây chú ý cho các giáo dân khi vừa tan lễ, họ dừng lại chọn lựa, hỏi mua khiến chị cũng tíu tít chào mời. “Tuy là người không có đạo nhưng có những lúc rong xe ra khỏi xóm trọ, tôi lại mở những đĩa CD thánh ca mong sự bình tâm, an lành và cả may mắn trong cuộc lăn lộn mưu sinh trên đất Sài Gòn này”, chị Diễm tâm sự.
3. Trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), một người đàn ông đang vui vẻ thử những con rắn giấy cho khách hàng trẻ con. Đó là ông Phạm Văn Lộc, 50 tuổi (quê Quảng Nam), sống bằng nghề làm rắn giấy đã nhiều năm nay. Mỗi ngày bán được vài chục con, kiếm được trên trăm ngàn đồng, nuôi con trai đang học đại học tại Sài Gòn và gởi ra quê để vợ lo cho con gái đang học cấp ba cùng người mẹ già. Ông Lộc bộc bạch: “Tui bán dạo, hôm nay bán đường này, ngày mai ở đường khác. Đi nhiều cũng khá vất vả nhưng ở một chỗ hoài rất khó bán”. Cũng gần như ông Lộc, chị Minh Phát (quê Hà Tây) vào Sài Gòn làm và bán tò he, một loại đồ chơi của xứ Bắc. “Gian hàng” của chị rất nhỏ, ngồi nép mình trong góc lề đường Lê Lợi (quận 1), chị thật thà: “Tôi bán chủ yếu cho trẻ đi chơi cùng ba mẹ. Tò he ở xứ tôi rất phổ biến nhưng khá lạ trong Sài Gòn. Mỗi ngày bán được gần trăm con, ngoài tiền ăn và chỗ ngủ ở phòng trọ tập thể, hằng tháng cũng đủ gởi về quê phụ chồng phụng dưỡng cha mẹ và nuôi hai con nhỏ ăn học”. Chỉ trên 30 tuổi nhưng nhìn gương mặt chị đầy vẻ khắc khổ. Được biết, chồng chị ở quê làm thuê, kiếm cái ăn hằng ngày cho gia đình. Còn chị vào Nam để lo việc học hành cho các con và thuốc thang cho ba mẹ hai bên. Anh Ngọc Tâm, 24 tuổi (quê Bắc Ninh) vào Sài Gòn định học nghề sửa xe nhưng trước mắt, để có tiền, anh cũng bán tò he và kiêm luôn làm các móc khóa, khắc chữ trên viết. “Ngoài tiền thuê chỗ ngủ và ăn uống, tôi cũng dư chút ít gửi về phụ giúp ba mẹ. Nói là phụ giúp chứ thực ra là để ba mẹ giữ giùm, chờ có tí vốn kha khá, tôi học nghề sửa xe rồi về quê mở một điểm sửa xe gắn máy kiếm sống”, anh thổ lộ.
Giữa phố thị bộn bề, vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, những con người ấy vẫn cố gắng bươn bả mỗi ngày, không chỉ để sống cho bản thân mà còn vì trách nhiệm với gia đình.
Sơn Hạ - Đoan Trang
Bình luận