Năm nào gần Tết, các thông tin được không ít người để ý là tỉnh này có mức thưởng cao nhất, công ty nọ có người được thưởng tới vài tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là sự cá biệt ở vài đơn vị có doanh thu cao. Số người được thưởng Tết “đột biến” cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mặt bằng chung về mức thưởng năm nay dao động từ khoảng 500.000 đồng đến 7 triệu đồng cho một người, tùy theo tình hình kinh doanh sản xuất của từng đơn vị, và theo lĩnh vực làm việc công lập hay tư nhân. Có thể nói mức thưởng Tết trung bình cho người lao đông không có gì nhảy vọt vì sức khỏe của nền kinh tế phục hồi còn chậm sau đại dịch từ 2 năm trước. Như vậy, với mức thưởng Tết khiêm tốn, người lao động hưởng lương tháng sẽ hiểu rõ giá trị của từng đồng tiền thưởng để có kế hoạch hợp lý và chắt bóp chi tiêu, mua sắm, ăn Tết. Mặt khác, nó cũng nhắc nhở các ngành chức năng như công đoàn, lao động xã hội cần quan tâm hơn đến những hoàn cảnh khó khăn để họ có một cái Tết vui vẻ.
Việc thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp. Có đơn vị công lập biết chắt chiu, tiết kiệm từ ngân sách hoặc nguồn thu, thì người lao động có một cái Tết đủ đầy. Nhưng ngược lại, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thưởng Tết lại là vấn đề đau đầu với giới chủ. Họ không thể khước từ chuyện này vì nó là văn hóa lâu đời, hơn nữa còn là phương cách đặt việc giữ chân người lao động sau Tết. Nhiều đơn vị nợ thưởng Tết, bị người lao động tẩy chay và không muốn ở lại làm việc.
Trong bối cảnh này, thưởng Tết còn đồng nghĩa với sự chăm sóc an sinh xã hội cho những người lao động, đặc biệt là những người lao động phổ thông. Đối với nhiều công nhân, việc không có khả năng về quê trong dịp Tết sẽ rất vui khi nhận được thưởng.
Với truyền thống Việt Nam, việc thưởng Tết không chỉ là một hành động động viên và phần thưởng giữa chủ và thợ, mà còn là một biểu tượng của văn hóa và sự kết nối giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, giữa lãnh đạo với nhân viên.
Ngô Quốc Đông
Bình luận