VÕ HỒNG TUẤN
Nhiều người thường nghĩ rằng nghề mộc chỉ phù hợp dành cho đàn ông, vì sự vất vả và đòi hỏi nhiều kỹ thuật khéo léo. Thế nhưng tại ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã có hàng chục người phụ nữ theo chồng về xứ mộc, họ không ngần ngại làm công việc tay chân này để cùng chồng chia sẻ gánh nặng mưu sinh.
Ban đầu, làng mộc này chỉ toàn thợ nam, nhưng khi các cơ sở chế biến gỗ hiện đại ra đời, nhiều cơ sở thủ công nhỏ lẻ bị phá sản, các ông thợ đâm ra chán nản, bỏ nghề cũ, tìm nghề mới, mấy bà vợ thấy cảnh nhà khốn khó, chồng lại bất đắc chí nên đã học cách làm mộc, gánh thay công việc của chồng làm thuê cho các cơ sở còn trụ vững.
Các chị ở làng mộc cùng nhau vận chuyển gỗ |
Người trong ấp xưa giờ cũng quen làm mộc, ruộng vườn không có bao nhiêu, họ chỉ biết trông chờ vào nghề này. Ông Nguyễn Văn Phương hiện là tổ trưởng tổ hợp tác thợ mộc của Tiên Tây Vàm, còn vợ ông - bà Tạ Thị Thu Vân là tổ phó tổ hợp tác. Gia đình ông bà có thâm niên 40 năm gắn bó với nghề mộc. Nếu trước đây họ làm theo hình thức nhỏ lẻ thì đến năm 2011, anh chị mới mở rộng quy mô sản xuất, trang bị thêm các loại máy móc như máy xẻ, máy tiện, máy bào... để bảo đảm hoàn thiện sản phẩm. So với các cơ sở khác trong ấp, cơ sở mộc của ông bà Phương - Vân được xem là “sống khỏe” bởi có nhiều đơn hàng từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... Thỉnh thoảng họ cũng nhận được đơn hàng từ Sài Gòn. Khi mới mở, cơ sở chỉ có hai vợ chồng ông bà cùng với người con trai và con dâu, nhưng khi đơn đặt hàng ngày càng nhiều, ông bà Phương thuê thêm thợ cùng làm và ăn theo sản phẩm.
Dẫu biết nghề mộc phù hợp với nam giới và số tiền kiếm được không phải nhiều nhặn gì nhưng để góp phần cùng chồng lo cho gia đình và con cái ăn học, các chị, các mẹ không ngại cực khổ, ngày đêm chăm chỉ bên chiếc máy cưa, máy bào. Chị Đặng Hồng Nga cho biết “So với trước đây thì cách làm có phần nhẹ nhàng hơn, có dụng cụ hiện đại, chỉ cần đưa gỗ lên máy cưa, máy bào khoảng một lát là đã hoàn tất một công đoạn. Nhưng để sử dụng được các loại máy móc này thì phải học hỏi trong suốt 5, 7 tháng mới thuần thục, nếu không rất dễ bị tai nạn”. Thực tế làng mộc tại đây có khoảng 95% là nữ thì cũng gần ấy trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, dù vất vả nhưng họ vẫn hăng say làm việc. Bàn tay các chị, các mẹ thô ráp dần với thời gian để cho ra đời nhiều sản phẩm, phần lớn gắn liền với đời sống bình dân. Tuy không thuộc hàng cao cấp nhưng các sản phẩm này chứa đựng tấm lòng, cái tâm chăm chút của những người thợ tóc dài. Trường hợp điển hình mà bà con ai cũng thương và lấy làm tự hào đó chính là chị Nguyễn Thị Cúc, một mình nuôi con trai ăn học bằng chính cái nghề đặc biệt này, và người con đã đền đáp công ơn đó bằng cách cố gắng học hành, trở thành một bác sĩ. “Nhiều lúc con trai thấy tôi cực khổ, cứ gọi điện về bảo đừng làm nữa, hằng tháng nó sẽ gởi tiền về lo cho tôi. Bây giờ tuy đã có nhà cửa đàng hoàng, đầy đủ nhưng tôi vẫn làm vì ở không chịu không được. Còn khỏe thì cứ làm chứ nhàn hạ buồn lắm”, chị Cúc cười tươi nói.
Bàn tay các nữ thợ mộc thô ráp dần với thời gian để cho ra đời nhiều sản phẩm |
Theo nhiều chị em, cái nghề này không có gì khó khăn, nếu chịu quan sát và học hỏi, thực tập qua thời gian thì sẽ lành nghề. Công việc chính ở làng mộc tại đây là nhận gia công đóng bàn, ghế, tủ, giường cho các hộ dân trong ngoài xã và các cửa hàng trang trí nội thất. Chị em có thể làm được hết công việc như tính toán kích thước từng món sản phẩm, cưa cây, bào, đục, đánh vecni, lắp ghép sản phẩm… Chị Nguyễn Thị Hồng Hiệp trước đây làm thợ may gia công cho xí nghiệp, nhưng khi lập gia đình, về sống bên chồng nên cũng tập tành làm nghề mộc. “Ban đầu làm ra các sản phẩm cũng rất gian nan, tai nạn nghề nghiệp hay xảy ra, còn bị dâm bào đâm vào tay hằng ngày là chuyện thường, chưa kể sản phẩm làm ra không được đẹp, có lúc cũng bị chê nhưng theo thời gian, tay nghề mình mỗi lúc một nâng cao hơn” chị kể. Còn chị Đinh Thị Gấm lại tâm sự, nhà có hoàn cảnh khó khăn, ông xã chị làm nhiều nghề khác nhau mà không đủ ăn. Vì thế, chị đã quyết định tham gia vào hội để cùng chung tay với chồng kiếm thêm thu nhập. Sau hàng tháng trời đổ mồ hôi, tay chai và phải bị búa đập liên tục thì giờ đây chị cũng làm được như ai. Gắn bó với nghề gần chục năm, tuy không giàu có nhưng chị cũng sắm sửa được nhiều thứ cho gia đình. Cũng theo chị, nghề mộc này đã giúp cho một số gia đình trong ấp có cuộc sống ổn định hơn.
Có một điều là khi tham gia “sống chung” với búa, đục thì hầu như tay chân chị em nào cũng chai sần, người thì luôn bám bụi gỗ, mồ hôi. Hỏi có ông chồng nào “chê vợ” vì nhan sắc tàn phai với công việc nặng nhọc này không, một số chị vui vẻ nói: “Chê làm sao được khi chồng mình cũng là đồng nghiệp, hai người cùng mang lại miếng cơm manh áo cho gia đình, lo cho con cái ăn học và cùng tạo dựng nhà cửa”.
Dù đời sống của chị em làm nghề mộc không giàu có nhưng với họ chỉ cần đảm bảo có được công việc lâu dài, sức khỏe tốt để làm là đã vui rồi. Bởi nhờ vậy, họ có thể góp một phần với chồng để cải thiện kinh tế gia đình, ngoài những khoản chi tiêu trong nhà, còn dành dụm phòng khi hữu sự.
VÕ HỒNG TUẤN
Bình luận