CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - NĂM B
Bài đọc 1: Gr 31,31-34; Bài đọc 2: Dt 5,7-9; Tin Mừng: Ga 12,20-33
Theo quy luật chung, cuộc sống của chúng ta tồn tại nhờ vào sự hy sinh của những người có liên hệ, cụ thể là cha mẹ và những người thân. Chúng ta sống và tồn tại cũng là nhờ các loài sinh vật cỏ cây mà mình dùng làm lương thực. Các loài động vật hy sinh cho chúng ta có thực phẩm. Các loài thảo mộc hy sinh cho chúng ta có lương thực và rau cỏ trong bữa ăn hằng ngày. Chính nhờ sự hy sinh của cha mẹ, của những người thân, và sự chết của các loài cỏ cây động vật mà chúng ta sống.
Điều khẳng định trên đây liên quan đến đời sống thể xác. Đức tin Kitô giáo dạy, con người được thông ban chính sự sống của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà chúng ta hiện hữu và sống động. Hơn thế nữa, Đức Giêsu đã trao ban chính mạng sống của mình để cho chúng ta được sống. Người đã chết để chúng ta được sống. Người chính là hạt lúa rơi xuống đất, chấp nhận mục nát đi để làm nảy sự sống mới tồn tại muôn đời.
Mùa Chay cũng được gọi là Mùa Thương Khó, vì đây là thời gian giúp mỗi người suy niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu. Chúng ta tôn vinh thập giá là phương thế qua đó Đức Giêsu giới thiệu tình thương yêu vô bờ bến của Chúa Cha. Đức Giêsu đã hiến chính bản thân mình làm của lễ dâng lên Đức Chúa Cha, xin ơn tha tội cho loài người. Sự sống và hạnh phúc của con người được phát sinh và tuôn chảy từ cây thập giá. Ơn cứu độ dồi dào như mạch suối trào tuôn từ chính vết thương ở cạnh sườn của Người. Chính từ vết thương này phát sinh Giáo hội và các Bí tích. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đó là huyền nhiệm của thập giá. Hai ngàn năm nay, Con Người chịu khổ hình trên thập giá đã lôi kéo biết bao người ra khỏi tối tăm để đến với ánh sáng, ra khỏi tội lỗi để đạt tới sự thánh thiện, ra khỏi hận thù để thực thi đức yêu thương. Và như vậy, triết lý “hạt lúa” được đề nghị cho tất cả những ai muốn cất bước theo Đức Giêsu. Sự hy sinh này, đối với một số người, đã trở nên điều nghịch lý: Sẵn sàng hy sinh mạng sống thì sẽ giữ được nó mãi mãi; Khư khư giữ lấy nó, sẽ bị mất muôn đời.
Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta: Người đã cho đi chính sự sống của mình. Người đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Chính nhờ sự chết của Người mà cả trần gian được ơn cứu rỗi. Sự chết của Người đã mở ra một kỷ nguyên mới. Máu của Người đổ ra để ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Những ai sống trong thời giao ước mới này, sẽ được nhận biết Chúa và thực hành những gì đẹp lòng Ngài (Bài Đọc I).
Nếu hạt lúa vẫn nằm yên bất động sau khi được gieo xuống thì công lao và trông đợi của bác nông phu sẽ trở nên vô ích. Nếu thân xác Đức Giêsu vẫn cứ tồn tại trong nấm mồ, thì nhân vật Giêsu sẽ còn gì để nói với chúng ta. Không, Hạt - Lúa - Giêsu đã mục nát để Phục Sinh và đâm bông kết trái. Hạt lúa ấy đã trở nên bánh ăn để nuôi dưỡng chúng ta. Hạt lúa ấy đang là nguồn sống tuôn chảy dồi dào trong Giáo Hội và trong mỗi người tín hữu.
Nếu Mùa Chay chỉ bao gồm những lời hô hào, những khẩu hiệu sám hối, chỉ dừng lại ở một vài nghi lễ bên ngoài mà đời sống nội tâm không được biến đổi, thì chúng ta giống như hạt lúa, vẫn trơ trơ vô cảm khi được gieo vào lòng đời. Có bao giờ bạn nghĩ là chúng ta đang sống nhờ sự chết của Đức Giêsu? Có bao giờ bạn có những hy sinh cố gắng để đem lại niềm vui cho bản thân, trước khi đem lại niềm vui anh chị em mình? Những thực hành Mùa Chay như cầu nguyện, hy sinh, ăn chay, chia sẻ… đang làm cho con người ích kỷ đầy tham vọng của chúng ta chết đi, nhường chỗ cho một con người mới, được sinh ra nhờ liên kết với thập giá của Đức Giêsu.
“Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy!”. Thực hành những điều nói trên đây là đi theo Đức Giêsu để trở thành môn đệ của Người.
Tổng Giám mục Giuse VŨ VĂN THIÊN
Bình luận