- Ông biện hộ cho những hành động của tôi ư?
- Biện hộ không phải là luyện tập cho quen, chỉ là chấp nhận những hành động đó. Chấp nhận rằng hành động của anh dựa trên những gì anh biết lúc đó, không phải dựa trên hệ quả sẽ xảy ra.
Đây là đoạn đối thoại giữa nhân vật Kratos và Týr trong tựa game “God of War Ragnarok: Valhalla” (2023). Trong cốt truyện, nhân vật chính Kratos từ một chiến binh Thành Sparta trở thành thần chiến tranh. Bị số mệnh và các vị thần hãm hại, anh mất đi gia đình, đồng đội và nhân tính; từng bước trở thành kẻ diệt thần và làm thế gian đảo lộn. Sau khi lưu lạc khỏi vùng đất Hy Lạp, anh vô tình trôi dạt sang tận Bắc Âu và lấy vợ, sinh con ở đó. Sau vài năm yên ổn, vợ anh qua đời, để lại anh và cậu con trai nhỏ. Khi Kratos mất đi bùa phép bảo vệ của người vợ, các vị thần Bắc Âu bắt đầu truy lùng hai cha con. Kratos một lần nữa phải chiến đấu và lật đổ vị thần gian xảo thống trị Bắc Âu, giúp mọi người có hòa bình. Mặc dù được bạn bè coi như người hùng, anh vẫn dằn vặt vì quá khứ tội lỗi, chưa thể tha thứ cho bản thân. Một bằng hữu của Kratos, thần chiến tranh Týr của Bắc Âu, đã giúp anh chấp nhận bản thân, hiểu rằng mình có thể thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Cuối cùng, câu chuyện của Kratos khép lại khi anh bước qua nỗi ám ảnh xưa, trở thành vị thần hy vọng, không còn là chiến thần hung hăng tàn bạo nữa.
*
Vào thời Thế chiến I, ngày 28.9.1918, một binh nhì người Anh tên Henry Tandey, chiến đấu tại một ngôi làng nước Pháp đã tha mạng cho một lính Đức trẻ tuổi, vì lòng trắc ẩn. Lúc đó, quân Anh đã đẩy lui quân Đức, người lính trẻ kia bị thương và lọt vào tầm bắn của ông. Tandey kể lại: “Tôi đã nhắm nhưng lại không thể bắn một người bị thương, thế nên tôi để anh ta đi”. Người lính Đức thấy thế liền gật đầu cảm ơn rồi biến mất. Nào ngờ khoảng 20 năm sau, người lính này trở thành kẻ lãnh đạo phe Đức quốc xã, Adolt Hitler. Sau khi biết danh tính người từng tha cho mình, Hitler đã nhờ thủ tướng Anh thời đó chuyển lời cám ơn Henry Tandey. Tuy nhiên, việc đó chỉ khiến ông Henry Tandey ngày càng hối hận và tự trách. Vào năm 1940, quân Đức ném bom thành phố Coventry ở Anh làm hàng nghìn người tử vong. Tandey chỉ biết đau đớn thốt lên: “Tôi không biết người lính đó sẽ trở thành người như thế nào. Khi tôi chứng kiến đồng bào mình, những phụ nữ và trẻ em vô tội thiệt mạng vì sự tàn bạo của Hitler, tôi đã cầu Chúa tha tội cho tôi vì đã để hắn sống”.
Một số bạn trẻ ngày nay khi lật lại sử sách hoặc đọc các tác phẩm văn học xưa, họ nhiều lần bĩu môi chê bai lựa chọn sai lầm của tiền nhân và nhân vật trong sách. Các bạn ấy nghĩ phải chi làm được thế này, thế kia thì kết quả sẽ tốt hơn bao nhiêu. Tuy nhiên, họ đang đứng ở góc độ người hiện đại để phán xét lịch sử. Người trong cuộc làm sao lường trước lựa chọn của mình sẽ mang đến điều gì. Họ chỉ có thể dùng kinh nghiệm, kiến thức và linh cảm để phán đoán rồi quyết định. Đối với họ, tại thời khắc ấy chính là lựa chọn thích hợp nhất; phần còn lại đành giao cho tương lai định đoạt.
Khi trải nghiệm trò chơi điện tử, ta luôn có thể “cày” lại nội dung đã chơi, từ đó chọn hướng đi hiệu quả hơn, dẫn tới kết thúc có hậu hơn. Trong trò chơi sinh tồn “một mạng” mang tên cuộc đời, ta không có cơ hội hồi sinh nếu lỡ “game over”, bù lại ta không phải gò mình theo bất kỳ kịch bản nào, luôn được lựa chọn giữa vô số con đường phía trước. Cuộc đời là thế, lúc nào cũng bí ẩn, khó đoán và tự do.
Bác sĩ, nhà thơ kiêm học giả người Mỹ Oliver Wendell Holmes từng nói: “Tự do thường là gánh nặng lên vai con người. Nó bao hàm sự không ngừng lựa chọn, một kiểu vất vả mà con người luôn sợ hãi”. Mặc dù nhiều người sợ phải tự mình đưa ra những quyết định khó khăn, nhưng dường như nỗi khó khăn ấy cũng là một phần khiến đời đáng sống.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận