Trong nếp nghĩ của nhiều người, các vị trùm chánh, trùm phó nơi giáo xứ là người đầy quyền uy, có thể “hét ra lửa”. Nghe tới “trùm”, thường ai cũng dè dặt, lo ngại, nhưng có cơ hội tiếp xúc với vài trùm tại giáo phận TP.HCM, chúng tôi nghiệm ra sự gần gũi, hòa đồng nơi các vị, nhất là thêm phần đồng cảm với những hy sinh, ưu tư trăm bề khi ngồi trên ghế “nóng”.
1. Ông Nguyễn Phú Nhuận (61 tuổi), Chủ tịch HĐMV giáo xứ Tân Đông (huyện Hóc Môn) vốn là dân di cư từ tỉnh Kiên Giang. Năm 1998, ông đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Sáu năm sau, khi cuộc sống tạm ổn, ông được bầu làm trùm giáo xứ cho tới hiện nay. Thời gian đầu, ông rất lo lắng, e ngại dù trước đây từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch HĐMV ở quê. Là dân mới đến, giáo xứ lại chẳng nhỏ với khoảng 10.000 giáo dân, nên khi nhận lãnh trọng trách ông lập tức đi học khóa nghiệp vụ về HĐGX ở Trung tâm Mục vụ TP.HCM với nội dung về cách làm việc với cha sở, đoàn thể, giáo dân, nghi thức cử hành các phụng vụ có thể... Với ông, việc học luôn được ưu tiên trên hết. Cứ sáng Chúa nhật, lại cưỡi xe gần 20 cây số để đi học, mà con đường gần nhà bấy giờ toàn đất đỏ, mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, vất vả đó ông coi như chút hy sinh. Không chỉ vậy, do công việc phải hay viết thư ngỏ, thư cảm ơn, ông trùm phải mua máy tính, tập tành học đánh văn bản để in ra cho đẹp. Cũng đã có tuổi nên tốc độ tiếp thu không thể bì với người trẻ nhưng ông vẫn kiên trì “cày” bàn phím. Dịp Tết, ông chịu khó lên mạng tìm những bài chúc Xuân hay hay rồi học thuộc để mừng cha và giáo dân. Rảnh rỗi, ông còn vào các trang web Công giáo để đọc, học hỏi thêm kiến thức và thường nói vui: “Nhờ làm trùm mà mình có dịp trau dồi không ngừng, đúng y như câu “Học, học nữa, học mãi”.
Ông Nhuận trong bài phát biểu cảm ơn nhân dịp kỷ niệm 150 thành lập họ đạo |
2. Ngoài việc phải học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ như ông Nhuận, ông Nguyễn Đình Chiến (62 tuổi), trùm chánh giáo xứ Phú Lộc (quận Phú Nhuận) và ông Trần Ngọc Đậu (64 tuổi), Phó Ngoại vụ nhà thờ Xóm Chiếu (quận 4) còn học thêm Kinh Thánh, giáo lý, nghi thức khi làm Thừa tác viên Thánh Thể. Bởi đâu phải dễ dàng mà các cộng sự ấy có thể mặc áo chùng trắng và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Riêng ông Chiến, với 14 năm làm việc cùng nhiều giáo khu, hội đoàn, đã không ít lần phải giải tỏa những bất đồng ý kiến giữa người này kia. Ông chia sẻ: “Những lúc anh em đang căng thẳng thì mình tạm im lặng để tránh bênh vực một ai. Đợi bầu khí lắng dịu lại mới cùng phân tích, chỉ ra đúng sai từng bên, kinh nghiệm cho thấy là phải lắng nghe và công bằng, có vậy mới êm đẹp”. Đối với ông Đậu, làm đối ngoại đồng nghĩa với việc thường xuyên thăm viếng các giáo khu, đoàn thể, nhất là các dịp lễ lớn. Với giáo dân, những lần đến trao Thánh Thể cho người già yếu, thăm nom là cơ hội tạo sự gần gũi, thân tình. Có thế mới không còn tồn tại khoảng cách trên dưới, mối quan hệ khắng khít, cởi mở hơn.
Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Hương nhận nhiệm kỳ 2014 - 2018 |
3. So với bề dày làm trùm của ba vị trên thì ông Đỗ Minh Liễn, Chủ tịch HĐMV giáo xứ Tân Hương (quận Tân Phú) đã 68 tuổi nhưng lại có “thâm niên” “mỏng” nhất, chỉ mới độ hơn tám tháng. Chính vì vậy, thời điểm này ông vẫn đang chèo chống với những khó khăn. Trước đây làm trùm phó giáo họ và trưởng ban khánh tiết, giờ lên cương vị chánh trương, ông thấy trách nhiệm càng cao và nặng. Dù lớn tuổi nhưng không làm thì thôi, đã làm thì phải cho trót, nghĩ vậy ông đề xuất một số nét mới cho nhà thờ nhân năm Phúc âm hóa giáo xứ như cách xướng kinh, đoàn rước, quy định chỗ ngồi... Nhưng trăm người trăm tính, có người ủng hộ hiển nhiên, có người không bằng lòng: “Xưa nay vẫn vậy, sao giờ đổi mới chi vậy?”, “Làm vậy phức tạp lắm”... Là người mới, tuổi lại cao, trước áp lực dư luận vẫn âm ỉ, ông tự nhủ: “Đã phục vụ nhà Chúa thôi thì hãy cố gắng hy sinh và nhẫn nhịn. Bỏ cuộc thì phụ lòng người tín nhiệm, lương tâm mình cũng không yên khi nhớ tới lời đã hứa”. Nói như ông Nguyễn Thành Thông - thư ký giáo xứ, rằng làm trùm là phải dứt khoát “uống thuốc gồng” mới có thể chịu đựng và vượt qua nổi thử thách, nhất lại là người mới. Với một Tân Chủ tịch, nếu “cương” quá sẽ bị phản đối, còn “nhu” quá sẽ có người không phục. Khó tròn như ý nên đòi hỏi người đứng đầu phải có tầm nhìn, bản lĩnh vững vàng. Hiện tại, ông Liễn chỉ mong mọi người hiểu cho cái khó của ông và luôn chung tay, sát cánh với nhau trong mọi việc lớn bé.
Bà Miên trong ngày tuyên hứa nhiệm kỳ mới |
4. Nếu “trùm ông” có cái khó, vất vả riêng thì “trùm bà” cũng vậy. Hơn thế, trùm là nữ vô cùng “khan hiếm” nên càng trân quý những chị em đầy bản lĩnh này. Là nữ Chủ tịch HĐMV đầu tiên của giáo phận, lại thuộc giáo xứ lớn (Tân Định, quận 1), những ngày đầu tiên, bà Đinh Thụy Miên (62 tuổi) không khỏi run tay khi đảm nhận trọng trách này. Nhất là phải làm việc sao cho khéo, khôn ngoan để giới nam thừa nhận năng lực mà ủng hộ, cảm phục. Biết điều đó, phương châm làm việc của bà luôn là hết trách nhiệm, khiêm tốn và hòa đồng với tất cả. Vì vậy, giáo dân Tân Định quá quen với hình ảnh bà quét sân, chà nhà vệ sinh hay phụ sắp ghế khi lễ đông. Cuốn sổ tay của bà luôn dày đặc công việc, hầu như ngày nào cũng có chú thích phải làm cái này cái kia. Hỏi cả tuần toàn ở nhà thờ như thế thì lo cho gia đình thế nào, bà nhẹ nhàng nói: “Con cái tôi giờ ra riêng hết rồi, ông nhà cũng đã mất nên việc nhà đâu còn gì nhiều, về nhà có một mình cũng dễ buồn, chi bằng ở đây thường xuyên”. Nói tới đây, bà thoáng nghẹn ngào rồi tiếp lời: “Năm 2008, khi tôi làm chủ tịch được vài tháng thì Chúa cất ông đi. Lúc ấy, bản thân gần như suy sụp, chới với vì ông là điểm tựa lớn nhất cho mình khi đang chập chững làm việc giáo xứ. Nhưng bao công việc ở nhà thờ không thể trì trệ lâu, đành phải gượng dậy tiếp tục bước đi”. Cũng vì thế, con cái lại trách vì không hiểu: “Mẹ bỏ bớt vài hội đi để đi chơi cùng con cháu, hồi ba còn sống, nhà mình đi đây đó mà mấy khi có mẹ đi cùng, mẹ toàn để ba một mình”.
Giáng Hương
Bình luận