Chưa xa lắm, trong lịch sử gần, ở Việt Nam, số trung tâm đô thị ít ỏi - nơi tập trung dân cư, hành chính, thương mại… Nói đến thành phố, thường người ta chỉ nghĩ đến Hà Nội, Sài Gòn, Huế…
Thành phố - đô thị trung tâm, mật độ dân cư cao, dân số lớn, nhiều cơ sở công nghiệp, hạ tầng giao thông tốt, có nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở công, ngay cho đến thời bao cấp trước 1986, ở miền Tây, bà con dùng chữ “thành phố” chỉ và chỉ để nói đến TPHCM - Sài Gòn. “Trên ấy” như trong vở “Lan và Điệp”: chốn đô thành phù hoa đèn xanh đèn đỏ… Đi “thành phố” (tức là ngầm hiểu TPHCM) về, có bánh mì ổ lớn bột mềm, ruột trắng; mua được nhiều hàng dưới tỉnh không có hay hiếm, đắt. Muốn học cao, bậc đại học, phải lên thành phố mới có trường, bệnh nặng cũng phải chuyển lên trên ấy. Thành phố cao vợi, xa xôi…
Dân số tăng nhanh, thị trường mở, đất nước đang ở thời kỳ hình thành các đô thị mới, nâng cấp đô thị sẵn có, đô thị hóa bùng nổ, thành phố có ở mọi nơi. Nhìn lại, thảng thốt khi nhận ra hầu như tỉnh nào cũng có thành phố (thành phố thuộc tỉnh), nhiều nơi huyện mới nâng cấp lên thị xã chưa lâu, đã trình đề án “nâng” tiếp lên thành phố, tỉnh có hơn một thành phố không hiếm. Bây giờ, chữ “thành phố” bão hòa, không còn mặc định chỉ TPHCM - Sài Gòn, thành phố có ở mọi nơi. Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh… là thành phố, tỉnh lỵ cứ như đương nhiên phải là thành phố.
Thành phố Sài Gòn “ngọn xanh ngọn đỏ” đã có thêm thành phố vệ tinh Thủ Đức, tổng dân cư hơn tám triệu người, vẫn có địa vị thành phố trung tâm, thành phố của các thành phố.
Và dù các thành phố có xuất hiện ngày càng nhiều thế nào, dường như tôi vẫn khư khư giữ trong lòng “thành phố” như những ngày cũ, chốn đô thị mênh mông, đi về có ổ bánh mì lớn bột mềm, ruột trắng…
HẰNG SINH
Bình luận