Mãi cho đến bây giờ, khi đã ra trường nhiều năm, suốt quãng thời gian cắp sách đi học, có những người thầy, người cô tôi không bao giờ quên được. Càng gắn bó lâu thì dấu ấn càng sâu…
Lật tấm lịch trên bàn làm việc sang tháng 11, nhìn tới hàng chữ: “Ngày nhà giáo” trong ô số 20, tôi giật mình. Nhanh thật. Chợt nghĩ thầm hình như đã lâu rồi tôi không gặp các thầy cô thân thương thuở nào…
Thiệt ra, hằng ngày tôi vẫn thấy thầy cô đấy chứ, mà là trên mạng xã hội. Giáo viên bây giờ hiện đại lắm, hầu như ai cũng có tài khoản facebook, zalo… kết nối với đồng nghiệp và học trò. Còn nhớ cái thời mà internet mới len lỏi về nông thôn, học trò nào lân la ngoài quán net là bị nêu tên trong giờ sinh hoạt lớp, nặng hơn là đứng cột cờ. Bởi lẽ thầy cô luôn nghĩ học sinh đi tiệm net chỉ để chơi game hay lên mạng “chat chit” bậy bạ, rồi thì cấm đoán. Nhưng tôi nghĩ nỗi lo đó cũng đúng, bởi ngày ấy hiếm có đứa bạn nào trong trường cấp hai của tôi lên mạng để tìm tài liệu học bài. Còn chuyện các bạn cúp tiết, trốn học vì nghiện game thì đầy. Học sinh ngoan chỉ trong thời gian ngắn bỗng thành hư hỏng!...
Thầy cô ngày trước ở quê tôi thật sự cũng chẳng xài internet, giáo án toàn chép tay. Đề thi photo cũng bằng chữ tự viết. Đồ dùng dạy học làm bằng tranh, giấy hay mấy vật dụng sẵn có. Tôi vẫn nhớ có đôi lần, mình còn phụ mấy cô đi cả sân vườn tìm đồ thí nghiệm… Năm lớp 9, tôi được đi thi học sinh giỏi vòng huyện, rồi vòng tỉnh, thầy giáo đưa luôn cái giáo án mực còn lem cho đứa học trò cưng của mình ôn luyện. Mấy tháng ròng, tôi học chính thức buổi sáng, rồi về nhà nghỉ ngơi, sau đó lại lụi cụi ra nhà thầy luyện thi. Dần về sau, chẳng biết từ lúc nào, chiếc xe đạp mà hai vợ chồng thầy thay phiên nhau cọc cạch đi dạy bị tôi “chiếm hữu”, rất tự nhiên vì nhà mình cách trường ba cây số mà tôi lại chẳng có phương tiện nào đi lại. Không phụ công thầy, tôi đã đem vinh quang về cho trường, một đợt giải nhất, một đợt giải nhì. Thầy vui lắm nên năm đó, có dịp công tác xa đến trường này trường kia, còn chở đứa học trò cưng theo tham quan. Mỗi lần gặp mẹ cha tôi, thầy đều kể chuyện học, chuyện chơi của hai thầy trò. Tình cảm giữa phụ huynh và giáo viên khắng khít, cho đến cả những năm tháng sau này…
Cha tôi kể lại, có mấy bận ngồi cà phê cùng, nghe thầy phàn nàn đạo đức học sinh bây giờ. Thầy bảo nghề giáo nghiệt ngã, học sinh ngày nay sống bất cần, chơi nhiều hơn học, rất khó tiếp cận, vừa áp lực công việc vừa áp lực cuộc sống, có lúc thầy cũng muốn chuyển nghề nhưng vì cái máu sư phạm ăn sâu vào người rồi nên không dễ bỏ. Gì chứ cái khoản yêu nghề của thầy thì tôi phần nào hiểu được. Bởi không yêu sao miệt mài suốt mấy mươi năm qua, từ cái thuở hai vợ chồng nhà giáo trẻ chỉ có mỗi chiếc xe đạp, ở trong căn nhà lá mà ngày mưa thường bị dột, hai thầy trò chúng tôi từng phải đổi chỗ này chỗ kia ôn thi. Không yêu nghề sao thầy nhiệt tình với cả những trò ngoan lẫn trò quậy để sửa sai uốn nắn và nếu không có tâm hồn thì làm sao sống nổi với đồng lương khiêm tốn ấy!
Một thời gắn bó vậy mà… chục năm có lẻ… có bao giờ tôi liên lạc lại thầy đâu. Một hai cái tết đầu sau khi chuyển cấp, tôi có đến thăm, biếu quà thầy, rồi bẵng luôn. Vài tháng trước, buổi tối, trong một lần rảnh rỗi lướt facebook, tôi chợt thấy tài khoản có tấm hình thầy hiện lên, lần vào xem thì nhận ra đó chính là thầy Chí của mình. Niềm vui đến nhanh như một tia điện bắn vào người, tôi mừng reo: “A! thì ra thầy biết dùng mạng xã hội!”. Tất nhiên tôi có kết bạn với thầy, định là lúc rỗi sẽ trò chuyện nhưng ngày qua tháng lại mọi thứ vẫn như nhịp bình thường.
Hôm nay, tôi sẽ gọi cho thầy…
ANH NGUYÊN
Bình luận