Với việc phân tích 7 mẫu tóc được cho là của Ludwig van Beethoven, các nhà nghiên cứu đã hóa giải một số bí ẩn về nhà soạn nhạc thiên tài người Ðức, nhưng đồng thời nêu lên những câu hỏi mới về cuộc đời và cái chết của ông.
Đó là một ngày vào tháng 3.1827 và Ludwig van Beethoven đang hấp hối. Trong lúc ông trải qua những giờ phút cuối cùng trên giường bệnh, quằn quại vì cơn đau bụng khủng khiếp và da vàng như sáp nến, bạn bè và người quen lần lượt đến thăm. Một số người nêu lên thỉnh cầu: Liệu họ có thể lấy một sợi tóc của ông để làm kỷ niệm?
Dòng người thương tiếc cứ tiếp nối sau khi Beethoven qua đời ở tuổi 56. Khi ấy, các bác sĩ thực hiện cuộc giải phẫu hộp sọ và nghiên cứu kỹ lưỡng phần não, trong khi lấy ra xương ống tai của người đã khuất nhằm tìm hiểu lý do tại sao nhà soạn nhạc lại mất đi thính giác. Trong vòng 3 ngày kể từ khi nhà soạn nhạc qua đời, tóc của ông bị lấy đi hết.
Kể từ đó, giới khoa học vẫn kiên trì nỗ lực hóa giải bí ẩn về bệnh tình và nguyên nhân tử vong của Beethoven. Mới đây, kết quả phân tích tóc của ông đã đảo ngược những giả thuyết lâu nay về tình trạng sức khỏe của nhà soạn nhạc Đức khi còn sống. Báo cáo đăng trên chuyên san Current Biology mang đến sự giải thích về bệnh tật và thậm chí cả cái chết của thiên tài âm nhạc. Cùng lúc đó, các nhà nghiên cứu cũng nêu lên những câu hỏi mới về nguồn gốc cây phả hệ của gia đình và hé lộ manh mối về một bí mật đen tối của dòng họ.
Nỗ lực tìm kiếm tóc thật
Hành trình tìm kiếm bí mật về bệnh tật của Beethoven bắt đầu ngày 1.12.1994, khi nhà Sotheby’s tổ chức đấu giá một món tóc được cho là của ông. Bốn thành viên của Hiệp hội Beethoven Mỹ, tổ chức tư nhân thu thập và bảo tồn vật phẩm có liên quan nhà soạn nhạc, mua lại món đấu giá với số tiền 7.300 USD. Họ hãnh diện trưng bày món tóc ở Trung tâm Ira F. Brilliant về Nghiên cứu Beethoven thuộc Đại học bang Caliornia ở San Jose.
Thế nhưng, liệu đó có phải là tóc của Beethoven hay không? Tương truyền, một thiếu niên 15 tuổi tên Ferdinand Hiller đã lấy lọn tóc của người quá cố một ngày sau khi ông qua đời. Nhiều thập niên sau, Hiller tặng lại món tóc cho con trai làm quà sinh nhật. Món tóc theo thời gian trở thành chủ đề của quyển sách bán chạy có tựa đề “Tóc của Beethoven”, với tác giả là Russell Martin, lên kệ năm 2000 và chuyển thể thành phim tài liệu năm 2005.
Kết quả phân tích mẫu tóc do Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne tại bang Illinois phát hiện hàm lượng chì bên trong tóc cao gấp 100 lần mức bình thường. Năm 2007, các tác giả của một báo cáo đăng trên chuyên san The Beethoven Journal, tạp chí học thuật của Đại học bang California ở San Jose hoài nghi nhà soạn nhạc quá cố có lẽ vô tình bị nhiễm độc chì từ thuốc men, rượu hoặc đồ ăn uống.
Đó là giả thuyết được lưu truyền đến năm 2014, thời điểm nhà nghiên cứu Tristan Begg của Đại học Tübingen (Đức) sử dụng phương pháp tối tân để chiết xuất và phân tích ADN của tóc. Bên cạnh đó, học giả William Meredith cũng thu thập những món tóc khác của Beethoven và mua lại chúng với sự hỗ trợ của Tổ chức Beethoven Mỹ. Ông cũng mượn thêm 2 mẫu tóc từ một đại học và một viện bảo tàng. Cuối cùng, ông có trong tay 8 món tóc, bao gồm tóc đến từ Ferdinand Hiller.
Đầu tiên, họ thử nghiệm tóc do Hiller thu thập. Kết quả cho thấy đây là tóc của một phụ nữ Do Thái. Tiến sĩ Meredith suy đoán rằng tóc thật của Beethoven đã bị thất lạc và thay thế bằng tóc của Sophie Lion, con dâu của Hiller. Bà này có gốc Do Thái. Về 7 món tóc còn lại, một món tóc không đúng, 5 mẫu có ADN đồng nhất và một mẫu không thể làm xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho rằng 5 mẫu tóc tương đồng thật sự là tóc của Beethoven.
Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm thêm dữ liệu để giải mã những bí mật liên quan đến Beethoven |
Bí mật bị che giấu
Khi các chuyên gia đánh giá là tìm được tóc thật của Beethoven, họ tìm cách giải thích câu hỏi lâu này về cái chết của ông. Chẳng hạn, tại sao ông nhiều khả năng đã tử vong vì bệnh xơ gan?
Giáo sư Theodore Albrecht của Đại học bang Ohio ở Kent cho biết Beethoven có uống rượu, nhưng không sa đà đến mức nghiện ngập. Kết quả phân tích ADN từ tóc cho thấy ông mang theo đột biến di truyền dẫn đến nguy cơ dễ mắc bệnh gan. Bên cạnh đó, tóc của ông chứa mã di truyền của viêm gan siêu vi B, cho thấy ông đã mắc căn bệnh này khi còn sống.
Vậy thì bằng cách nào Beethoven lại mắc chứng viêm gan, vốn thường lây lan qua đường tình dục, dùng kim tiêm chung hoặc từ mẹ sang con. Tiến sĩ Meredith lưu ý ông Beethoven sinh thời không dùng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch. Ông chưa bao giờ kết hôn dù từng trải qua vài mối tình. Nhà di truyền học Arthur Kocher của Viện Max Planck về Tiến hóa Nhân chủng học (Đức) và là một trong tác giả báo cáo đã đưa ra cách giải thích khác về việc ông mắc bệnh viêm gan. Theo đó, có khả năng ông nhiễm siêu vi từ trong bụng mẹ.
Cuộc nghiên cứu mới cũng tiết lộ Beethoven không có mối liên hệ di truyền với những người khác trong gia đình. ADN của nhiễm sắc thể Y ở ông khác với nhóm 5 người có cùng họ van Beethoven và sống ở Bỉ, và có cùng tổ tiên với nhà soạn nhạc vào thế kỷ 16. Điều này cho thấy phải có một vụ ngoại tình trong dòng trực hệ dẫn đến đời Beethoven.
Đồng tác giả Maarten Larmuseau, giáo sư Đại học Leuven (Bỉ) cho rằng cha của Beethoven là kết quả của mối quan hệ ngoài giá thú của bà nội ông. Bà ông cũng là người nghiện rượu. Tiến sĩ Meredith bổ sung khi còn sống, Beethoven chưa bao giờ bác bỏ tin đồn cho rằng ông là con ngoài giá thú của Vua Phổ Friedrich Wilhelm II hoặc Vua Phổ Frederick II.
Tuy nhiên, kết quả phân tích ADN vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây nên chứng đau bụng của Beethoven, cũng như tình trạng tiêu chảy kéo dài và suy giảm thính giác (bắt đầu khi ông khoảng 25 tuổi và sau đó dẫn đến điếc vĩnh viễn). Vẫn còn quá nhiều bí mật về bệnh tật và cuộc đời của Beethoven chưa được giải mã.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận