Theo chân Thánh Élisabeth De La Trinité

Nổi tiếng qua lời kinh “Lạy Chúa Ba Ngôi, con tôn thờ Người”, cô Élisabeth Catez đã trở nên nữ tu Élisabeth de la Trinité vào ngày 8.12.1901, sau lần khấn tạm tại Dòng Kín thành phố Dijon.

Qua bài giảng lễ tuyên chân phước năm 1984, Đức Gioan-Phaolô II nói về nữ thánh như “một chứng nhân rạng ngời niềm vui, bám chặt và đặt nền tảng trong lòng mến”. Là người luôn ca ngợi lòng thương xót Chúa, nữ tu Élisabeth không ngừng nói và viết rằng chúng ta được Thiên Chúa gần gũi yêu mến bằng tất cả lòng âu yếm của một người mẹ. Thánh nữ cũng khai triển toàn bộ nền linh đạo của mình trên điều mà Giáo hội gọi là “việc Chúa Ba Ngôi cư ngụ” trong tâm hồn.

Sinh năm 1880, Élisabeth lớn lên tại Dijon cùng với chị là Marguerite. Người cha của Élizabeth qua đời đột ngột trong đôi tay non nớt của cô bé, khi ấy mới 7 tuổi. Từ thuở ấu thơ, Élisabeth đã đầy nhiệt huyết và thực tâm cầu nguyện. Với cá tính dứt khoát, mạnh mẽ, cô cũng tỏ ra dễ nóng nảy. Cô quyết tâm bỏ hẳn thói quen dễ nóng giận kề từ ngày rước lễ lần đầu. Sau đó, ước mong làm tu sĩ không ngừng trở nên mãnh liệt. Sự kiện rước lễ lần đầu đã đánh dấu một khúc ngoặt trong cuộc đời cô bé. Bởi lẽ ngày hôm ấy, Mẹ Marie de Jésus, bề trên Dòng Kín, đã tặng một bức ảnh giải bày ý nghĩa tên thánh rửa tội Élisabeth.

Theo tiếng Do Thái cổ, “Élisabeth” có nghĩa là “Nhà Chúa”. Đây cũng là nền tảng toàn bộ nền linh đạo của người nữ tu tương lai. Dần dà, cô thiếu nữ này ý thức Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong lòng mình và trong mỗi người. Cũng trong thời gian này, như mọi thiếu nữ cùng trang lứa, cô thật xinh xắn cùng có năng khiếu biểu diễn dương cầm, và đoạt giải nhất nhạc viện năm 13 tuổi. Mặc dù có một cuộc sống ngoài đời thật thoải mái, Élisabeth vẫn cảm thấy Dòng Kín cuốn hút mình và dấn thân sống kết hợp với Chúa Kitô luôn mãi. Élisabeth lúc ấy là một thiếu nữ cởi mở và tràn trề sức sống, tham gia ca đoàn giáo xứ và dạy giáo lý cho các bạn trẻ hơn. Đối với nhóm này, cô chứng minh tính sáng tạo và nhiệt hứng để thu hút cử tọa.

ƠN GỌI

Vào Dòng Carmel là một niềm mong ước đích thực trong thâm tâm Élisabeth. Mong ước này đã đủ thời gian chín muồi và được củng cố hơn dù mẹ cô chống đối, muốn con gái lập gia đình. Lên 19 tuổi, Élisabeth được mẹ hứa cho vào Dòng khi nào cô đủ tuổi 21, tuổi trưởng thành theo luật định. Trong khi chờ đợi, cô học các môn giáo lý, tu đức, đọc tác phẩm “Những con Đường hoàn thiện” của Thánh Têrêsa Avila, và Mẹ Marie de Jésus phụ trách linh hướng. Élisabeth đặt trọn ý chí và quyết tâm vào việc cầu nguyện và khổ chế. Trong thời gian chuẩn bị vào Dòng, cô thường có “những giây phút xuất thần đặc biệt, lúc ấy vị Tôn Sư cao cả thường chiếu cố nâng cô lên cao”.

Sau đó, đức tin của Élisabeth bị thử thách. Bởi lẽ, theo lời cô nói, sau những cảm nghiệm huyền bí lớn lao ấy, cô không còn cảm nghiệm được gì nữa. Các dấu chỉ hữu hình cũng giảm, Élisabeth phải thể hiện những hành vi đức tin thuần túy. Trong cuộc chiến tâm linh, cô nhận được sự nâng đỡ và các tư vấn của cha Vallée.

Vào Tập viện ngày 2.8.1901, nữ tu Élisabeth nhận nhiều ơn ích thiêng liêng trong bốn tháng. Tuy nhiên, sau khi mặc áo Dòng vào tháng mười hai, bị các mối hoài nghi về đức tin quấy nhiễu, nữ tu hầu như cảm thấy nguy khốn. Các trang sách của Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Catarina Sienna và Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu lúc ấy đã đồng hành với người tập sinh và dần dần hun đúc nên nền linh đạo của nữ tu ấy. Đêm tối đức tin đó và các mối hoài nghi mãnh liệt từng đè nặng lên tâm hồn chị, đã bị xua tan qua việc cầu nguyện, hôm trước ngày vĩnh khấn. Nữ tu viết: “Vào đêm trước ngày trọng đại, trong khi đang ở cung thánh, chờ đón Đức Lang Quân Giêsu, tôi hiểu thiên đàng của tôi đã bắt đầu tại thế, thiên đàng trong đức tin, cùng với sự đau khổ và hiến tế dâng lên Đấng tôi yêu mến”.

CHÚA BA NGÔI CƯ NGỤ TRONG LÒNG

Ngay cả giữa trần thế, chúng ta cũng có thể lắng nghe Người trong sự tĩnh lặng của một tâm hồn chỉ muốn thuộc về Người. Chính tại nơi ấy, tận nơi sâu thẳm trong thiên đàng của lòng tôi, tôi ưa thích tìm thấy Người, vì Người không bao giờ lìa xa tôi”. Hơn nữa, trong đời sống xã hội của thời thiếu nữ - chứ không phải sự tĩnh mịch của đan viện - thánh nữ Élisabeth đã khám phá Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng mình: “Chúng ta khởi đầu cõi Vĩnh hằng của mình ngay khi sống trong xã hội này, cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Các thư từ và những bản viết tay của thánh Élisabeth giúp ta vừa giải thích được ơn gọi lẫn hiểu biết linh đạo của thánh nữ. Thánh nhân viết thư cho mẹ: “Mẹ hãy nghĩ tâm hồn mình là đền thờ Thiên Chúa, mọi lúc, cả ngày lẫn đêm. Ba Đấng đang ngự trong lòng mẹ”. Đối với nữ tu Élisabeth, “đó là nhà cha, chúng ta không bao giờ được ra khỏi”. Nữ tu mô tả đời sống tu sĩ cho các bạn mình: “Đời sống người nữ tu Dòng Kín là sự kết hợp với Chúa từ sáng đến tối và từ tối đến sáng. Nếu Người không lấp đầy các căn phòng và các khu nội cấm của chúng ta, mọi sự thật trống vắng làm sao! Tuy vậy, chúng ta thấy Người qua mọi sự, vì mang Người trong mình và đời sống chúng ta là thiên đàng được hưởng trước”. Hoặc một trích đoạn thư khác: “Tôi tin nữ tu Dòng Carmel hưởng trọn vẹn hạnh phúc của mình nơi nguồn mạch của Chúa: đó là đức tin. Nữ tu ấy tin tưởng vào tình yêu Chúa đã dành cho mình”. (Thư 236)

Đối với thánh Élisabeth, sự thinh lặng là chiều kích cơ bản, vì đó là điều kiện để lắng nghe: “Đây không phải là sự phân cách các sự vật bên ngoài về mặt thể chất; nhưng là sự đơn độc về mặt tinh thần, và tách lìa ra tất cả những gì không phải là Chúa. Là ngưng đi mọi tiếng động và ở một mình với Đấng Duy Nhất”.

CHIA SẺ ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Tuy nhiên, sự tĩnh lặng của đan viện không ngăn cản Thánh Élisabeth mong muốn được chia sẻ niềm vui khám phá nội tâm của mình: “Dường như tôi đã tìm thấy thiên đàng của tôi nơi trần thế. Bởi lẽ thiên đàng là Chúa, và Chúa đang ngự trong tâm hồn tôi. Khi tôi thấu triệt điều đó, mọi sự tỏa sáng trong tôi và tôi muốn thì thầm tỏ bí mật này cho những người mình yêu mến”. Ba Ngôi sống trong thánh nữ và thánh nữ sống trong Ba Ngôi. Chính mối liên hệ hỗ tương này khích lệ Thánh Élisabeth và thánh nhân mong chuyển đặc tính ấy đến nhiều tín hữu hơn!

Trong thư 249, thánh nhân khuyến khích những ai cảm thấy mình không xứng đáng lãnh nhận cuộc sống gần gũi trọn vẹn với Chúa Kitô: “Hãy nghĩ đến Chúa đang sống trong bạn, bạn là đền thờ của Người; dần dần tâm hồn quen sống trong sự đồng hành dịu êm với Người... Đừng nói rằng điều ấy không dành cho bạn, rằng bạn quá khốn khổ... Không phải nhờ nhìn vào nỗi khốn khó ấy mà chúng ta được thanh luyện, nhưng nhờ nhìn vào Đấng là sự tinh toàn và thánh thiện tròn đầy”.

Nữ tu Élisabeth cũng cho ta nhiều lời khuyên thực tiễn và khả thi, chứng minh lòng tin tưởng lớn lao của ngài vào lòng thương xót Chúa: “Hãy nhớ rằng vực sâu này mời gọi một vực sâu khác, sự đau khổ thẳm sâu của bạn kéo theo lòng từ nhân sâu thẳm của Chúa” (thư 198). “Nơi nào đầy dẫy tội lỗi, nơi ấy dồi dào ân sủng gấp bội”. Nữ tu Élisabeth thích trích dẫn Thánh Phaolô, và khẳng định qua thư 324: “Bạn càng cảm thấy yếu đuối, lòng tin tưởng của bạn càng phải lớn lên. Bởi lẽ bạn trông cậy chỉ mình Chúa... Hãy tìm kiếm sức mạnh bên Đấng đã chịu khổ nhiều vì quá yêu thương chúng ta”.

Sau cùng, nữ tu Élisabeth luôn quan tâm đồng hành một cách tế nhị với mỗi người. Trong thư 93, ngài nhận định: “Đừng bối rối khi sự sốt sắng của bạn đang suy giảm và không thể thi hành việc đạo đức: ta có thể cầu xin Chúa nhân lành trong khi hành động; chỉ cần nghĩ đến Người. Lúc ấy mọi sự trở nên uyển chuyển và dễ dàng, vì chúng ta không hành động một mình và Chúa Giêsu đang hiện diện ở đó”.

“CA TỤNG VINH QUANG NGƯỜI” (LAUDEM GLORIAE )

Trong Mùa Chay Thánh 1906, nữ tu Élisabeth de la Trinité mắc chứng giảm huyết áp; căn bệnh tiến triển thật nhanh. Bị bất tỉnh ngày Chúa nhật Lễ Lá, nữ tu đã lãnh nhận bí tích hòa giải vào Thứ bảy Tuần thánh: “Mỗi ngày tôi lại yếu đi và cảm thấy vị Tôn Sư tối thượng chẳng bao lâu nữa sẽ đến tìm tôi. Tôi nếm được và cảm nghiệm những niềm vui lạ lùng: niềm vui của sự đau khổ... Trước khi qua đời, tôi mơ được thay hình đổi dạng thành Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Được cảm hứng bởi Thánh Phaolô và Thư gởi giáo đoàn Êphêsô, nữ tu Élisabeth viết: “Mơ ước của tôi là trở nên lời ca tụng vinh quang Người”. “Laudem Gloriae” phải là tên của thánh nữ trên thiên đàng. Từ đó, xác tín điều này, vị nữ tu ký bút hiệu ấy trên các thư của mình: “Đây là bí quyết: Không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi... Vậy tôi cần học theo Mẫu gương của Chúa; và tôi có thể không ngừng biểu lộ Người trước mặt Chúa Cha”.

Tháng 8.1906, theo lời yêu cầu của Mẹ bề trên, nữ tu Élisabeth dồn sức viết một bản suy tư về việc “Ca tụng vinh quang Chúa”. Sau chín ngày hấp hối, vị nữ tu qua đời ngày 9.11.1906, tại Dòng Kín Dijon, vào tuổi 26.

HẠNH PHÚC SỐNG TRONG CHÚA

Nữ tu Élisabeth de la Trinité chỉ sống năm năm tại Dòng Carmel Dijon. Tuy thế, sơ đã để lại một di sản tinh thần quan trọng cho Giáo hội và cho thời đại chúng ta. Sơ cũng dạy chúng ta rằng Chúa gần gũi với con người và sống trong mỗi cá nhân. Đây là một đời sống thân mật với Đấng Tạo hóa mà chị vun trồng và làm nảy nở qua kinh nguyện. Chúng ta là những cung thánh sống động. Và theo nữ tu, “mỗi giây phút được ban cho để chúng ta gắn bó với Chúa hơn”.

Do ở trong nội cấm, nữ tu Élisabeth đã sống xa trần thế. Dầu vậy, không có trường hợp nào, nữ tu tách biệt khỏi đời trần. Thông hiệp trọn vẹn với đời thường, nữ tu đã rèn luyện linh đạo của mình: “Hãy luôn tin vào Tình Yêu và hằng hát lời tạ ơn”. Chính vì thế hôm nay, nữ tu “Laudem Gloriae” vẫn còn mời gọi chúng ta, từ trái tim đến trái tim, cùng kết hợp với Chúa.

VIẾT HIỆP (theo Radio Vatican)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 26.8 đã trình bày quan điểm của Vatican đối với nhu cầu cần bám sát việc phát triển các hệ thống...
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Trong thư ngày 22.8 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố “nihil obstat” (không gì ngăn trở) về đề xuất của Đức cha Jérôme Daniel Beau, Tổng Giám mục Bourges, liên quan đến việc sùng kính Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở...
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 26.8 đã trình bày quan điểm của Vatican đối với nhu cầu cần bám sát việc phát triển các hệ thống...
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Trong thư ngày 22.8 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố “nihil obstat” (không gì ngăn trở) về đề xuất của Đức cha Jérôme Daniel Beau, Tổng Giám mục Bourges, liên quan đến việc sùng kính Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở...
Chuẩn nhận lòng sùng kính Ðức Mẹ Sầu Bi Chandavila
Chuẩn nhận lòng sùng kính Ðức Mẹ Sầu Bi Chandavila
Tòa Thánh vừa chính thức chấp thuận việc sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi tại Đền thánh Chandavila, Tây Ban Nha.
Những nữ tu giúp giới khoa học hiểu hơn về Alzheimer
Những nữ tu giúp giới khoa học hiểu hơn về Alzheimer
Gần 4 thập niên trôi qua, nhân loại tiếp tục thụ hưởng thành quả đến từ tinh thần hết mình vì khoa học của các nữ tu tham gia dự án tiên phong về nghiên cứu lão khoa và chứng Alzheimer.
Chi tiết chuyến tông du hơn 32.000km  của Ðức Giáo Hoàng
Chi tiết chuyến tông du hơn 32.000km của Ðức Giáo Hoàng
Từ ngày 2.9, Ðức Phanxicô đã lên đường cho chuyến tông du kéo dài 11 ngày đến Indonesia, Papua New Guinea, Ðông Timor, và Singapore. 
Dòng Phanxicô làm sạch bãi biển
Dòng Phanxicô làm sạch bãi biển
Các nữ tu, linh mục và tình nguyện viên dòng Phanxicô đã cùng thu gom và xử lý lượng lớn rác thải vứt bừa bãi tại bãi biển Cordova, Philippines
Indonesia phát hành tem in hình Đức Phanxicô
Indonesia phát hành tem in hình Đức Phanxicô
Một ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Jakarta, chính phủ Indonesia đã phát hành một loạt tem đặc biệt để đánh dấu chuyến thăm kéo từ ngày 3 đến 6.9.2024.
Tạm đóng cửa trường học
Tạm đóng cửa trường học
Giáo hội Công giáo tại Bangladesh đã quyết định đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục của mình tại Tổng Giáo phận Dhaka.