Ðức Giáo Hoàng Phanxicô luôn mong mỏi những miền đất thịnh vượng mở rộng vòng tay đón nhận di dân, những người vốn đã phải trải qua nhiều sóng gió và bị đẩy vào cảnh sống ly hương.
Đức Thánh Cha nhắc lại một đoạn trong Kinh Thánh: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (…) Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Ðức Chúa” (Amốt 8:4,11). Với những lời này, ngài đã mở đầu bài giảng tại quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm chuyến tông du đầu tiên trong triều đại của mình đến hòn đảo nhỏ Lampedusa ngày 8.7.2013. Đảo Lampedusa thuộc miền nam Ý, là cửa ngõ để vào châu Âu của những người nhập cư nghèo, đầy tuyệt vọng đến từ Bắc Phi. Họ chấp nhận đặt cược tính mạng của mình để vượt qua Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền nhỏ, quá tải và không an toàn với hy vọng được đổi đời.
![]() |
ĐTC Phanxicô gặp người tị nạn ở đảo Lesbos, Hy Lạp năm 2016 - ảnh CNS |
Thánh lễ có khoảng 200 người tham dự, trong đó có nhiều di dân và người tị nạn. Đức Thánh Cha hỏi thăm những người được cứu thoát sau chuyến vượt biển đầy hiểm nguy. Ngài ân cần nói: “Cha hiểu rất rõ những bi kịch mà các con đang cố gắng trốn chạy. Cha mời gọi các con tiếp tục là nhân chứng của niềm hy vọng trong một thế giới ngày càng có nhiều sự lo lắng. Với sự tôn trọng dành cho nền văn hóa và luật pháp của quốc gia chào đón mình, các con hãy xây dựng một con đường hội nhập vững bền”.
Đức Phanxicô chia sẻ về những cảnh báo của nhà tiên tri Amốt: “Có bao nhiêu con người nhỏ bé phải sống trong cảnh cùng cực. Tất cả họ là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ. Cha không thể không nói về di dân, những người phải gõ cửa những quốc gia giàu có hơn để hy vọng một cuộc sống không còn cảnh loạn lạc, đói khát. Tin Mừng vẫn nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa: Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ngài cần đôi mắt của chúng ta để nhìn thấy nhu cầu của anh chị em. Ngài cần bàn tay của chúng ta để giúp họ. Ngài cần chúng ta nói lên tiếng nói chống lại những bất công giữa sự im lặng của nhiều người. Thiên Chúa cần, trên hết, là trái tim của chúng ta, để biểu lộ lòng thương xót của Ngài đối với những người cùng cực, bị chối bỏ, bỏ rơi và thiệt thòi”.
Đức Phanxicô phê phán những kẻ “giả nhân nghĩa” không muốn làm bẩn tay họ. Những người thích xây tường ngăn cách hơn xây cầu sẽ đóng sập cửa với những anh chị em đúng ra phải có quyền - như chúng ta - được an toàn và các điều kiện của một cuộc sống tốt đẹp. Ngài nhận định, “phản ứng hợp lý” duy nhất cho cuộc khủng hoảng về di cư nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới là “tình đoàn kết và lòng bác ái”, một phản ứng không tạo ra sự toan tính, mà đòi hỏi phân chia trách nhiệm công bằng, chân tình cùng với những phân tích trung thực và cách thực hiện hợp lý. Chỉ cần các chính sách đều lấy nhân bản làm trọng tâm, thì chính phủ sẽ biết cách tìm ra điều tốt nhất không chỉ dành cho quốc gia mình, mà còn cho các nước khác.
Canh thức “Chết vì hy vọng” Chiều 18.7.2018, Ðức cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám mục Torino (Ý), đã chủ sự buổi canh thức “Chết vì hy vọng”, cầu nguyện cho người di cư đã thiệt mạng trên đường tiến về châu Âu để kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chương trình do cộng đồng Thánh Egidio tổ chức cùng với ngân quỹ Di cư và Liên hiệp các Giáo hội Tin Lành Ý. Từ năm 1990 tới nay, đã có ít nhất 36.000 người nhập cư lậu thiệt mạng khi vượt biển Ðịa Trung Hải. Trong năm 2017, số người nhập cư chết ở vùng biển này là 3.139 người, tức hầu như mỗi ngày có 10 người thiệt mạng. |
Minh Hùng (theo Aleteia)
Bình luận