Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 - “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” - đã bế mạc vào ngày 27.10.2024 với thánh lễ do Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại Ðền thờ Thánh Phêrô.
Sau gần một tháng làm việc, Đại hội đồng thứ hai của Thượng Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua văn kiện chung kết vào ngày 26.10. Đáng chú ý là Đức Thánh Cha đã quyết định không viết tông huấn hậu Thượng Hội đồng như thông lệ. Kỳ công nghị đã khép lại, nhưng không kết thúc mà mở ra một giai đoạn tiếp theo, là thực hành những định hướng đã được nêu ra trong văn kiện. Bên cạnh đó, có 10 nhóm đã được thành lập để tiếp tục nghiên cứu về những chủ đề được đánh giá là cần được đào sâu hơn, chẳng hạn như câu hỏi về việc truyền chức phó tế cho phụ nữ.
Linh mục người Canada Gilles Routhier nhận định sau khi tham gia đầy đủ các giai đoạn của Thượng Hội đồng từ năm 2021, gồm cả ba cấp bậc - giáo phận, châu lục và hoàn vũ, cùng với hai Đại hội đồng: “Tông huấn hậu Thượng Hội đồng thường được xem là một cái kết chính thức cho công nghị, trong khi đó, văn kiện chung kết lần này là một cầu nối cho những gì chúng ta đã làm trong ba năm qua, với bước kế tiếp, cũng quan trọng không kém, là thực hành”. Đức Giáo Hoàng mong muốn trao trách nhiệm cho các Giáo hội tại địa phương thực thi văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng. Đây sẽ là “bản đồ” cho hành trình trong tương lai của các hội đồng giám mục, để cộng đoàn Dân Chúa cùng lên đường.
Hai từ khóa quan trọng của văn kiện là “quan hệ” và “kết nối”, trong đó, Giáo hội tại địa phương là trung tâm của sứ vụ, với giáo dân có vai trò ngày càng chính yếu, dựa trên nền tảng là những kinh nghiệm về tính đa dạng của Giáo hội hiệp hành. Chẳng hạn thời gian tới, các bộ của giáo triều sẽ tổ chức tham khảo ý kiến trước khi công bố một văn bản quan trọng.
Hiệp nhất nhưng không đơn điệu
Hiệp hành là con đường canh tân và cải cách để làm cho Giáo hội ngày càng “tham gia và truyền giáo”, có thể đồng hành với mỗi người, dù là nam hay nữ, trong ánh sáng của Chúa Kitô. Văn kiện chung kết nhấn mạnh, cộng đoàn Dân Chúa hiệp nhất nhưng không rập khuôn, không đơn điệu, “thể hiện qua sự đề cao những bối cảnh, những nền văn hóa khác nhau và đa dạng”. Giáo hội được mời gọi thăng tiến các mối tương quan: với Thiên Chúa, với mọi người - cả nam và nữ, trong gia đình, trong cộng đồng, giữa các Kitô hữu, giữa các hội nhóm trong xã hội, giữa các tôn giáo…, và đặc biệt, đừng lãng quên những ai đang đau khổ vì bị loại trừ hay bị xét đoán. Như vậy, để là một Giáo hội hiệp hành, “cần có một sự hoán cải đích thực về các mối tương quan”. Lời mời gọi canh tân tương quan trong Chúa Giêsu “ngân vang trong nhiều bối cảnh, và liên kết với sự đa dạng về văn hóa”.
Văn kiện chung kết đã phân tích về “đặc sủng, ơn gọi và các thừa tác vụ cho truyền giáo”. Thừa tác vụ có chức thánh nhằm “phục vụ cho sự hòa hợp”, đặc biệt, thừa tác vụ giám mục nhằm “quy tụ các ân sủng của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp nhất”. Với giám mục, có các linh mục và phó tế để cộng tác giữa các thừa tác vụ thánh chức trong lòng Giáo hội hiệp hành. Kinh nghiệm về “linh đạo hiệp hành” chỉ ra rằng nếu bỏ qua chiều sâu thiêng liêng của cá nhân và cộng đồng thì tính hiệp hành bị bó hẹp thành những phương thức để thích nghi về mặt tổ chức. Nếu được thực hành với sự khiêm hạ, thì phong cách hiệp hành có thể làm cho Giáo hội trở nên “tiếng nói tiên tri trong thế giới đương đại”.
Bám rễ và hành hương
Sự phân định của Giáo hội, sự quan tâm đến tiến trình ra quyết định và việc tham gia vào ghi nhận, đánh giá kết quả của quyết định; tất cả có liên hệ chặt chẽ với nhau: “Tiến trình ra quyết định cần đến sự phân định của Giáo hội. Sự phân định này là kết quả của quá trình lắng nghe trong tin tưởng, mà nền tảng là tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm. Và đây phải là lòng tin cậy lẫn nhau: những ai ra quyết định phải tin và lắng nghe Dân Chúa, và Dân Chúa cũng phải tin những vị được trao quyền”.
“Sự phân định của Giáo hội cho truyền giáo”, trên thực tế, không phải là “kỹ thuật về tổ chức”, mà là một thực hành thiêng liêng để sống trong đức tin, và không bao giờ áp đặt nhãn quan của một cá nhân hay một nhóm, cũng không phải tìm ra giải pháp chỉ qua ý kiến của vài người. Đây cũng chính là kinh nghiệm của kỳ Thượng Hội đồng Giám mục vừa bế mạc, trải qua 3 năm, với nhiều cấp độ, và hai Đại hội đồng với sự tham dự của nhiều thành phần đến từ khắp thế giới: hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân…
“Bám rễ và hành hương”, Giáo hội không thể được thấu hiểu nếu không bám rễ vào một vùng đất cụ thể, trong không gian và thời gian hình thành nên những trải nghiệm chung về cuộc gặp gỡ với Chúa Cứu Độ. Tuy nhấn mạnh vào cội nguồn, nhưng mọi người vẫn cùng nhau bước đi ở những nơi chốn khác nhau, như các môn đệ của Chúa Giêsu, trong những thừa tác vụ khác nhau, cũng như trong những trao đổi về ân sủng giữa các Giáo hội, là “dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa trong Đức Kitô”.
Văn kiện chung kết đã cho thấy Giáo hội không phải là một công ty hay một đảng phái chính trị, các vị giám mục không phải là các thái thú thời La Mã, giáo dân cũng không phải là những người chỉ biết thi hành những quyết định một cách máy móc. Giáo hội là dân, Dân của Chúa, đồng hành với nhau và mục đích không phải là quản lý hay quyền lực, cũng không phải là bảo vệ hay chinh phục một “lãnh thổ” theo suy nghĩ thế tục. Mục đích của Dân Chúa là làm sao có thể gặp gỡ Đức Kitô ở mọi nơi, mà mọi người trong thời đại của chúng ta đang sống, làm việc, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn. Như vậy, cách để sống những mối quan hệ và xây dựng các mối liên hệ một cách trọn vẹn theo Tin Mừng là đặt trọng tâm vào phục vụ, như Chúa Giêsu đã dạy.
Giáo hội ngày nay, từng thành viên vừa bám rễ vào một nơi chốn, lịch sử, cộng đồng, bối cảnh riêng, vừa hành hương, nghĩa là không ngừng hành động, tìm kiếm và truyền giáo.
Lan Chi
Bình luận