Tiên: trước, hướng dẫn; tri: hiểu biết, thông truyền. Tiên tri: Người dùng sự hiểu biết để hướng dẫn và truyền đạt.
Tiên tri có gốc tiếng Hipri là nabi - người được gọi, được dịch sang tiếng Hy Lạp là prophetes - người nói nhân danh ai, sứ giả (ghép bởi pro - thay cho và phemi - nói).
Tiên tri là người được Thiên Chúa gọi (x. Gr 1,5; Is 49,1 Ed 3,14) làm sứ giả, nhân danh Thiên Chúa để nói và chuyển đạt sứ điệp của Ngài (Gr 1,9; Is 6,6; Ed 3,1-11), đôi khi báo trước điều sẽ xảy ra cho dân Ngài.
Bằng lời nói và đôi khi bằng những cử chỉ tượng trưng (Is 8,18; Gr 32; Ed 3,24-27; Hs 1-3), tiên tri kêu gọi dân trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa, vạch trần tội lỗi của họ (Gr 7,8-11), kêu gọi họ hoán cải. Vì nói thẳng nói thật, nên cuộc đời của các ngài thường gặp nhiều bách hại (1V 18,4; Gr 2,30; Nkm 9,26).
Trong Cựu Ước, Moses được coi là tiên tri lớn nhất (x. Đnl 34,10). Ngoài ra còn có bốn vị để lại những tác phẩm dài như Isaia, Êdêkien và Đanien; và 12 vị để lại những tác phẩm ngắn: Hôsê, Giôen, Amốt...
Trong Tân Ước, Gioan Tiền Hô là “tiên tri của Đấng Tối Cao” (Lc 7,26); ông giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân Israel (x. Ga 1,6-7). Nhưng Chúa Giêsu mới là Vị Tiên Tri cao cả nhất, có quyền năng trong lời nói và việc làm (x. Lc 24,19; Mt 16,14; Lc 7,16). Lời của Người là chính Lời Thiên Chúa (x. Ga 8,26; 12,49).
Trong Giáo hội, ơn tiên tri rất phổ biến (x. Cv 11,27-30), những người được ơn này phải tuân giữ luật lệ để xây dựng, khích lệ và an ủi cộng đoàn (x. 1Cr 14,3.29-32). Họ là những người giúp các Tông đồ truyền giảng Phúc Âm, một số người có thể báo trước tương lai (x. Cv 21,9).
Tiểu ban Từ vựng - UBGLĐT/HĐGMVN
Bình luận