Tìm đến những nầm mồ tử đạo lặng lẽ

Từ ngày Tin Mừng hiện diện trên mảnh đất hình chữ S, chúng ta đã có hàng trăm ngàn chứng nhân tử đạo. Ngoài 117 vị được tuyên thánh, 1 vị được tuyên chân phước (Anrê Phú Yên), thì đa số các đấng đều không được lịch sử ghi lại tên tuổi. Họ âm thầm làm chứng đức tin để hạt mầm trên cánh đồng Giáo hội tại Việt Nam được nảy sinh. Điều này giải thích cho câu chuyện tại nhiều nhà thờ vẫn còn những ngôi mộ tập thể, chôn cất những tín hữu chết vì bảo vệ đức tin từ lâu đời, qua bao thế hệ và thời đại. Ở giáo phận Qui Nhơn, dấu ấn mạnh mẽ nhất của những lăng tử đạo này phần lớn có cội rễ gắn với nạn Văn Thân cuối thế kỷ XIX. 

Lăng mộ tại Thác Đá Thượng với phần bia ghi nhớ những chứng nhân đã ngã xuống.jpg (6.54 MB)
Lăng mộ tại Thác Đá Thượng

1.

Lần mở lịch sử, người ta không khỏi tiếc nuối bởi nhiều tên xóm đạo trong bản đồ lịch sử giáo phận Qui Nhơn, nơi đậm dấu những bước chân của các thừa sai đến đặt nền móng, dựng xây cư sở tôn giáo từ rất sớm, do biến động của phong trào Văn Thân với mục tiêu “bình Tây sát Tả” mà trở nên phế tích vắng người, may mắn lắm thì chỉ còn lại một giáo xứ sơ sài, ít dân, và những ngôi mộ rêu phủ cùng thời gian. Cũng có một số nơi, khi lập lại xứ đạo hoặc xây lại thánh đường, các ngôi mộ tử đạo tập thể này được cải táng chôn lại nơi mới hoặc trùng tu, trở thành các lăng tử đạo của xứ và được xem như di tích lịch sử đức tin của địa phận. 
Như một cơ duyên run rủi, trong chuyến hành trình dọc ngang, có khi là len lỏi đến các địa danh, xóm đạo… để tận mục về những cái tên đã in sâu dấu ấn trong các tư liệu về địa phận Qui Nhơn, chúng tôi đã đặt chân đến năm, bảy lăng mộ tử đạo như kể ở trên. Mỗi nơi mỗi khác biệt, mỗi chỗ làm một kiểu, nhưng có điểm chung là đọng lại nhiều xúc cảm. Có những điểm dừng, khi về rồi vẫn cứ bị ám ảnh, ray rứt mãi về sự đổ vỡ, lẻ loi... 
Theo cha Gioan Võ Đình Đệ - Quản lý Tòa Giám mục Qui Nhơn, một người có nhiều năm nghiên cứu sâu rộng về lịch sử giáo phận này - thì những địa danh, giáo xứ được ghi nhận có nhiều tín hữu tử đạo thời Văn Thân là Đồng Quả, Hòa Bình, Thác Đá, Nhà Đá, Cù Lâm, Gia Hựu, Nước Nhỉ... thuộc Bình Định; Suối Ré, Đồng Tre, Cây Da… thuộc Phú Yên; Bàu Gốc, An Hội… thuộc Quảng Ngãi. Chúng tôi đã chọn vài cái tên thuộc tỉnh Bình Định.

2. 

Giữa cái nắng chang chang của dải đất miền Trung dư thừa nắng và gió, di tích lăng tử đạo của địa sở Thác Đá Thượng xưa (nay là giáo họ thuộc giáo xứ Đại Bình) nằm uy nghiêm, như dấu chứng của một thời tiền bối Công giáo trên xẻo đất này kiên vững lòng mến Chúa - mộ đạo. Lăng bây giờ đã được xây dựng chỉn chu với cổng và tường rào bao quanh.

Sách xưa ghi lại năm 1885, địa sở Thác Đá có 400 giáo dân. Cha sở Thác Đá khi đó là linh mục Barrat Chung, ngoài ra còn có cha phụ tá Mão. Trong tháng 7.1885, cha Barrat Chung được lệnh Đức cha Camelbecke Hân truyền đưa giáo dân đi lánh nạn ở Làng Sông và Qui Nhơn, khi thấy có nguy hiểm thật sự, nhưng do giáo dân từ chối vì nhận thấy không thể nào trốn thoát được, nên hai cha quyết định ở lại với đoàn chiên. Họ đạo Thác Đá bị bao vây vào xế chiều ngày 3.8.1885, đến rạng sáng ngày 4, cha Chung, cha Mão, các nữ tu Mến Thánh Giá, các trẻ mồ côi sống trong cô nhi viện và một số ít giáo hữu tập trung trong nhà thờ, đã bị thiêu sống toàn bộ. Đây là những chi tiết được khắc trên tấm bia dưới chân lăng mộ chung này. 

Chúng tôi nêu thắc mắc vì sao ở nhà thờ Thác Đá Hạ gần đó cũng có một lăng tử đạo? Mấy anh em người địa phương đi cùng đã giúp giải tỏa lấn cấn này. Họ cho biết giáo xứ Thác Đá về sau tách ra bớt, thành lập thêm một số giáo xứ. Năm 1941, địa sở Thác Đá còn các họ đạo Thác Đá Thượng, Thác Đá Hạ, Đại Bình, Trung Yên, Trung Lương, Lại Khánh, Lại Đước, Bồng Sơn. Khi biến cố Văn Thân qua đi, cha Geffroy Bửu - cha sở Gia Hựu - phụ trách chung cả vùng Bắc Bình Định, nhưng có các cha phụ tá ở tại Thác Đá, Đồng Quả và Đồng Dài. Với sự cộng tác của cha Durand Lộc, cha Geffroy đã tổ chức quy tập hài cốt các tín hữu vùng Bắc Bình Định bị bách hại, chôn cất tại bốn nhà mồ Gia Hựu, Đồng Quả, Nước Nhỉ  và Thác Đá (là mộ tử đạo thấy ở Thác Đá Thượng hiện tại). Những hài cốt chôn ở Thác Đá Thượng là đưa về từ khu vực Thác Đá Hạ. Cha Đệ cung cấp thêm một chi tiết khá thuyết phục và cụ thể hơn: Năm 1961, cha Giuse Lê Văn Ấn (sau làm giám mục Xuân Lộc), người con của Thác Đá Hạ, lúc đó là cha sở giáo xứ Đà Nẵng (1956-1965), đã xây tại Thác Đá Hạ một đài kỷ niệm các Kitô hữu Thác Đá, bị Văn Thân bách hại năm 1885, ngay tại nền nhà thờ Thác Đá ngày xưa, và một ngôi nhà thờ tại nền nhà thờ Thác Đá Hạ hôm nay. “Như vậy, sở dĩ Thác Đá Thượng và Thác Đá Hạ đều có lăng tử đạo là bởi lẽ này. Lăng ở Thác Đá Thượng là nơi hài cốt được quy tập về trong ngày cũ. Lăng Thác Đá Hạ là chỗ các đấng bị sát hại, được xây dựng năm 1961. Khi cải táng từ vị trí Thác Đá Hạ sang vị trí Thác Đá Thượng như bây giờ mình thấy, làm sao lấy cho hết cốt được. Do đó nên mới có hai lăng, đều có bia, nội dung giống nhau, cái nào cũng đúng”, cha Đệ kết luận.

1.jpg (4.41 MB)
Lăng tử đạo tại địa sở Gia Hựu ngày nay không còn nguyên hình dạng

3.

Từ hai lăng tử đạo thuộc Thác Đá, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm về “miền lặng lẽ” ở các nhà mồ thuộc Gia Hựu, Nước Nhỉ, Nhà Đá… Ở các họ đạo khác, cuộc thảm sát xảy ra chỉ sau Thác Đá một ngày, tức ngày 4 và ngày 5 năm 1885. Giáo phận Qui Nhơn ghi nhận có khoảng 1.800 chứng nhân bị sát hại. Số hài cốt này sau đó đã được chôn cất tại nhiều nhà mồ như đã kể tên.

Lăng mộ ở họ đạo Nước Nhỉ ngày nay đã khác nhiều so với thời gian cũ, khi đã được chỉnh trang lại vài lần. Nơi đây, ở các bài viết về Qui Nhơn trước đây chúng tôi từng đề cập, chốn yên nghỉ của linh mục tài hoa Đặng Đức Tuấn nằm kề cận với mồ các đấng tử đạo. Trong quyển “Đặng Đức Tuấn - Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” của hai tác giả Lam Giang và Võ Ngọc Nhã xuất bản năm 1970, khi nhắc đến nơi an nghỉ cha Tuấn có đoạn viết: “Gần phía nhà thờ tạm, một bên là mồ cha Khâm và bên kia là mồ cha già Thoàn. Chính giữa là mồ các đấng tử đạo, có chừng 100 quách thu góp gần hết thi hài bổn đạo và cố Ái bị đốt trong nhà thờ, ném xác xuống giếng…”. Như vậy, lăng tử đạo ở Nước Nhỉ là nơi hiếm hoi ghi nhận một số liệu cụ thể về các phần hài cốt tử đạo ở đây. Phần mộ này - sau khi xây dựng mới nhà nguyện - nằm ở gian cung thánh. Theo những bậc cao niên trong vùng, nguyên do mộ của những chứng nhân đức tin được giữ gần như nguyên vẹn bởi ngày đó, khi giáo sở hoang tàn, số giáo hữu ít ỏi còn lại đã can đảm tái thiết họ đạo, cất lại nhà thờ, thu góp hài cốt những người đã bị giết vì đạo và đem chôn trong một nhà mồ bên cạnh nhà thờ mới dựng. 

Ở Gia Hựu thì bi thương hơn: Dấu tích lăng tử đạo xưa không còn được như mấy nơi vừa nêu, mà trơ trọi gạch đá cũ, dù ngày trước, khi còn là một trong những giáo xứ lớn của địa phận, lăng được xây uy nghi, trầm mặc, nằm ngay lối đi vào thánh đường. Nay thì điêu tàn, sứt mẻ, rêu phong đến nao lòng, cùng với sự đổ sập không dấu vết của ngôi nhà thờ từng là niềm tự hào của nhiều người dân Gia Hựu. Khách qua đường nếu không được giới thiệu, chắc hẳn chỉ xem đây như một tường đá bỏ hoang lâu ngày.

Chúng tôi từng lý giải lý do trong bài viết về nơi sinh, nơi an nghỉ của linh mục Đặng Đức Tuấn trên báo CGvDT số 2415, ra ngày 20.10.2023, rằng trong chiến tranh, giáo dân Gia Hựu đã di cư khỏi vùng này gần như tất cả… Còn đây là một đoạn ghi chép về Gia Hựu những ngày bi thương vì Văn Thân: “Tại Gia Hựu, hai cha phó của cha Jefferoy - cha Nhứt và cha Dupont Minh - cùng hàng chức việc nhận thấy không thể tự vệ được, lại thiếu nước không thể dập tắt nổi những đám cháy hàng rào do Văn Thân đốt, nên quyết định phải chạy vào Qui Nhơn. Sáng 5.8, sau khi lãnh nhận Bí tích Giải tội tập thể, gần 2.000 người đàn ông, đàn bà, con trẻ kéo nhau đi. Sau khi vất vả qua 15 cây số mới đến chân đồi Hội Đức thì bị những đoàn Văn Thân vũ trang đóng tại đồng Phú Trăng chặn lại. Cha thừa sai Dupont Minh thấy không còn cách nào trốn thoát nữa nên đến quỳ ở gốc cây vệ đường chờ đợi giây phút được phúc tử đạo. Cha bị chặt đầu. Cha Nhứt cũng cùng số phận, và cuộc tàn sát bắt đầu. Rồi tiếp đến cả ngày và đêm hôm đó, những tiếng kêu rên khóc rất thảm thương hòa lẫn tiếng phầm phập của giáo mác, cùng tiếng la hét, chửi bới man rợ. Giáo dân quỳ gối chịu chết không một cử chỉ kháng cự….”. Nếu đọc thêm một số tài liệu của giáo phận Qui Nhơn về hơn hai mươi giáo xứ, cư sở từng bị bách hại bởi phong trào Văn Thân, sẽ thấy có rất nhiều đoạn miêu tả tình hình tương tự. Dường như có một điểm chung là trong các hoàn cảnh của ngày đó, luôn có các linh mục đi cùng đàn chiên của mình đến cùng. 

Đài tử đạo trước sân nhà thờ Thác Đá nhuốm màu thời gian.jpg (5.76 MB)
Đài tử đạo trước sân nhà thờ Thác Đá nhuốm màu thời gian

4.

Lăng tử đạo ở điểm Nhà Đá lại có phần giống một nấm mồ lớn giữa nghĩa trang của giáo xứ, với một trụ tứ giác có thánh giá trên đỉnh. 
Còn tại Xóm Chuối có một ngôi mộ của các tín hữu bị Văn Thân sát hại. Ngoài ra còn một số giáo dân ở Phương Phi chạy ra Vĩnh Hội, thôn liền kề với Phương Phi, để tìm nơi ẩn trú, nhưng cũng bị giết và an táng tại Vĩnh Hội. Hiện còn 2 ngôi mộ tại đây, cư dân gọi là gò mả đạo. 
Các vị tử đạo thuộc xứ Bàu Gốc thì được táng chung ở ngôi mộ trong khuôn viên nhà thờ Bàu Gốc, gọi là lăng tử đạo, trong chiến tranh, lăng bị bình địa và được tái thiết lại năm 1991…

Hiện trạng mỗi nơi là một vẻ khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là những di tích quý giá để minh chứng sức sống đức tin. Giáo hội Công giáo Việt Nam đã diễm phúc có 117 vị tử đạo được phong thánh và một vị được tôn phong chân phước. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên còn rất nhiều chứng nhân đã ngã xuống vì đạo, để có một cộng đoàn Dân Chúa gần 8 triệu người sống đạo tốt lành như ngày nay. 

MINH HẢI

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Hành hương đền thánh Phúc Nhạc
Hành hương đền thánh Phúc Nhạc
Ban Caritas và Ban Loan báo Tin Mừng giáo phận Phát Diệm ngày 15.3.2025 đã tổ chức chương trình hành hương về đền thánh Phúc Nhạc cho các thành viên đến từ nhiều xứ đạo.
Tổng giáo phận Huế mở cuộc thi viết thơ về Đức Mẹ La Vang
Tổng giáo phận Huế mở cuộc thi viết thơ về Đức Mẹ La Vang
Tháng 3.2025, TGP Huế khai mạc cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề: “Dưới bóng đa xưa - Mẹ ngàn hoa”.
Giáo phận Hưng Hóa có tân giám mục phụ tá
Giáo phận Hưng Hóa có tân giám mục phụ tá
Theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, ngày 15.3.2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh, hiện là Tổng Đại diện giáo phận Hưng Hóa làm giám mục phụ tá giáo phận này.
Hành hương đền thánh Phúc Nhạc
Hành hương đền thánh Phúc Nhạc
Ban Caritas và Ban Loan báo Tin Mừng giáo phận Phát Diệm ngày 15.3.2025 đã tổ chức chương trình hành hương về đền thánh Phúc Nhạc cho các thành viên đến từ nhiều xứ đạo.
Tổng giáo phận Huế mở cuộc thi viết thơ về Đức Mẹ La Vang
Tổng giáo phận Huế mở cuộc thi viết thơ về Đức Mẹ La Vang
Tháng 3.2025, TGP Huế khai mạc cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề: “Dưới bóng đa xưa - Mẹ ngàn hoa”.
Giáo phận Hưng Hóa có tân giám mục phụ tá
Giáo phận Hưng Hóa có tân giám mục phụ tá
Theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, ngày 15.3.2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh, hiện là Tổng Đại diện giáo phận Hưng Hóa làm giám mục phụ tá giáo phận này.
Tản mạn trên những con đường cha đã đi qua...
Tản mạn trên những con đường cha đã đi qua...
Giỗ lần thứ 79 của đấng tôi tớ Chúa là cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp vừa diễn ra ngày 12.2.2025. Vẫn như thường lệ, bà con giáo dân quy tụ về đây từ đêm hôm trước, và Trung tâm hành hương Tắc Sậy cũng có những hoạt động và...
Đền thánh giữa lòng phố chợ
Đền thánh giữa lòng phố chợ
Ðền thánh Vincent Ferrio nằm giữa chợ Tân Phú nhộn nhịp, trên đường Ích Thiện, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM đã tồn tại hơn 50 năm và là một điểm cầu nguyện quen thuộc của người Công giáo trong vùng.
Ngập ngừng viết tiếp ước mơ
Ngập ngừng viết tiếp ước mơ
Trường phổ cập tiểu học Don Bosco Ba Thôn nằm lặng lẽ nơi vùng ngoại ô Sài Gòn, nhưng đều đặn hằng năm rộng tay đón trẻ nghèo tứ xứ về ê a đánh vần, làm toán.
Giới tính thai nhi chiếc “túi mù” lớn nhất
Giới tính thai nhi chiếc “túi mù” lớn nhất
Khi quyết định chờ đợi đến ngày sinh rồi biết giới tính của thai nhi, nhiều người ví von đó như cách hồi hộp chờ khui “túi mù” rất lớn - món quà hạnh phúc của cha mẹ. So với “trend” khui túi mù thì chờ đợi đủ tháng đủ...
Ðức Phanxicô vị giáo hoàng thấu hiểu và yêu thương
Ðức Phanxicô vị giáo hoàng thấu hiểu và yêu thương
Chiều ngày 11.3.2025 tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội đã diễn ra thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 12 năm giáo hoàng của ngài (13.3.2013).
Tiếp nối...
Tiếp nối...
Mấy tuần qua, tín hữu trên khắp thế giới nhất loạt hướng về bệnh viện Gemelli (Rome) trong từng tin tức cập nhật tình hình sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô.