Tình huynh đệ

Em,

Tôi lên xe, ngồi băng giữa. Băng trên có hai người đàn bà cao niên. Một bà giàu, một bà nghèo, nhưng tâm sự với nhau như hai người bạn tâm phúc.

- Bây giờ chế ở với đứa nào?

- Tôi ở với con Út.

- Nó làm ăn đỡ không?

- Nghèo quá!

- Sao chị không ở với con Hai cho đỡ cực?

- Đứa nào cũng là con, nhưng đứa nào nghèo thì mình phải thương hơn. Con Hai nó cho xe xuống rước, nhưng tôi từ chối. Tôi muốn gởi cho tụi nó một thông điệp về tình huynh đệ…

Cái lối ăn nói ấy, cái cách sử dụng từ ngữ ấy làm tôi giật mình. Tôi đứng lên, nhìn kỹ để xác định. Đúng là mẹ Em, một cô giáo dạy môn Văn của cấp ba từ mấy chục năm về trước. Tôi không lên tiếng, lẳng lặng ngồi xuống để nghe mẹ Em “đọc thông điệp”.

Mẹ Em nhỏ hơn tôi một nửa con giáp. Tôi quen bà vào cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Bà dạy môn Văn, vì thế giọng nói và cách sử dụng từ ngữ của bà lúc nào cũng nghiêm chỉnh, lúc nào cũng chải chuốt. Bà nói chuyện mà tôi cứ tưởng bà đang giảng bài. Tôi không thích cái tính hơi kênh kiệu ấy của mẹ Em. Nhưng tôi rất kính trọng cái tác phong đạo đức phi thường và nghị lực phi thường của bà. Đức Giêsu là thần tượng của bà. Bà muốn con cái của bà phải yêu thương nhau như Đức Giêsu đã dạy. Ước muốn ấy không thành đạt. Bà ray rứt và tự đay nghiến mình. Bà xổ ra hết lòng dạ cho người bạn cố tri giàu có. Bà diễn lại hết cuộc đời Em.

1.

Vừa tốt nghiệp đại học thì Em lên xe hoa về nhà chồng. Chồng Em không giàu, không giỏi, nhưng có địa vị vững chắc. Em không giàu, nhưng rất giỏi và có nhan sắc. Hai đứa hùn hạp làm ăn. Làm kinh tế thì phải nhanh nhạy. Đó là khả năng của Em. Làm kinh tế trong thời chuyển mình, thì địa vị, quyền bính là điều kiện thuận lợi. Đó là khả năng của chồng Em. Thế là vợ chồng Em bốc lên như diều gặp gió. Mẹ Em khoe với bà bạn: "Tụi nó làm giàu mau hơn ăn cướp”. Mừng cho Em.

2.

Em đón mẹ về chơi. Trong phòng khách sang trọng, hai mẹ con thù thì.

- Hai à, bây giờ giàu có quá rồi. Tiền của nhiều quá ngồi chơi không, ăn suốt đời cũng không hết. Em con đứa nào cũng đủ ăn. Chỉ có con Út, sao nó lận đận quá. Con có thể giúp nó được không?

- Theo ý mẹ, thì con phải giúp thế nào?

- Con sắm cho vợ chồng nó một cái xuồng tam bản hơi lớn một chút, có mui đàng hoàng, với một cái máy Honda sáu ngựa rưỡi. Chúng nó có thể đi bán hàng bông dài dài trong xã. Mỗi ngày cũng kiếm được dăm chục, đủ sống qua ngày.

- Làm kinh tế kiểu đó là gà què ăn quẩn cối xay.

- Thế con giúp nó một số vốn lớn hơn, để nó mở một tiệm tạp hoá.

- Tung vốn cho nó làm ăn thì từ chết đến bị thương.

- Vốn nhỏ thì con chê là gà què ăn cối xay. Vốn lớn thì con biểu là từ chết tới bị thương. Vậy con muốn giúp nó cái gì?

- Giúp gì được! Mạnh ai nấy lo. Ai cũng có chân có tay hết.

- Như vậy thì còn là gì chị em?

- Con chỉ lo cho mẹ thôi. Còn chị em thì mạnh ai nấy sống.

3.

Em tha thiết giữ mẹ ở lại. Mẹ Em nhất quyết ôm đồ ra đi. Mẹ Em buồn. Mẹ Em giận. Buồn và giận vì tình chị em lạt như nước ốc. Bà quyết tâm quay gót trở về sống nghèo với con Út nghèo, vì “Con nào chẳng là con, nhưng con nghèo thì phải thương hơn.”

Bà về, nhưng muốn gởi lại cho Em một bài học quan trọng mà bà gọi là thông điệp.

3.1

Ngày xưa gia đình không giàu có, nhưng không đến nỗi thiếu thốn. Chị em yêu thương nhau, đùm bọc nhau, ngủ chung giường, đắp chung chăn. Cái bánh nhỏ xíu cũng bẻ làm đôi. Bây giờ chị giàu sang quá chẳng dám đến thăm chị. Chị thăm em, em ngại ngùng chẳng biết lấy gì mà đãi. Em thăm chị, chị tưởng là nó muốn xin xỏ. Cứ thế, ngày tháng trôi qua, chị em thành người dưng nước lã. Mẹ Em nhắc lại lời của Chúa: “Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó”. Rõ ràng là mẹ Em muốn nói rằng bây giờ Em chỉ biết yêu tiền, quên bẵng tình ruột thịt. Mà tình thì quý hơn tiền.

Em

Em vẫn cứ làm giàu. Nhưng làm giàu để làm giàu, hay là để làm người một cách xứng đáng? Đồng tiền chỉ là phương tiện hữu ích, để gia đình Em có cơm ngon áo đẹp, để con cái Em có điều kiện phát huy mọi khả năng mà Chúa đã ban cho chúng. Cơm của Em đã quá ngon. Áo của Em đã quá đẹp. Con của Em muốn học tới đâu cũng được, muốn đi du lịch trên khắp thế giới, thì tiền vẫn còn dư vô vàn. Bây giờ Em hỗ trợ cho Út dăm cây vàng, thì kho tàng cảu Em vẫn đầy ắp. Dăm cây vàng đối với Em chỉ là tiền lẻ để tiêu vặt, không đáng để mở một quỹ tiết kiệm. Út thì bớt khổ. Mẹ thì sung sướng. Tình chị em thì chan hoà.

Đó là thông điệp một.

3.2

Mẹ Em khẳng định: người giàu có thì khó hạnh phúc.Đó là thông điệp hai. Mẹ Em kể một hơi những câu chuyện người giàu không hạnh phúc.

a) “Hai Sương mới xây một biệt thự sang trọng như dinh Thủ Tướng. Bông kiểng rực rỡ như động thiên thai. Con chó bẹc giê to như ông Hộ Pháp ngồi canh trước cửa, cặp mắt gờm gờm như muốn nuốt sống người ta…Vợ chồng đang sống phây phây, thì đùng một cái, đứa con trai duy nhất đi đua xe, bị xe tải cán nát thây…Cứ nhìn thấy con Sương là tôi muốn rơi nước mắt. Tiều tụy vô cùng”

b) “Vợ chồng thằng Năm Tiếng làm ăn đang bốc lên như diều gặp gió, thì bỗng dưng bỏ bê, không thèm làm ăn nữa. Vợ chồng đầu tắt mặt tối, lội ngược lội xuôi để xây dựng tương lai cho con cái. Đến khi có tương lai là một đống vàng, thì cả hai thằng con trai đều phải chui vào trung tâm cai nghiện. Cụt hứng đến tuyệt vọng”.

c) “Cặp vợ chồng Nguyên - Tuyền hồi còn nghèo thì thương nhau như keo dán gỗ. Đến khi có bạc tỉ, thì ông ăn chả, bà ăn nem. Gia đình nát như tương.”

Em,

Hãy nghiệm lại bấy nhiều lời của mẹ. Tâm huyết đấy. Thông điệp thật ấy.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Tình huynh đệ
Tình huynh đệ
Em vẫn cứ làm giàu. Nhưng làm giàu để làm giàu, hay là để làm người một cách xứng đáng? Đồng tiền chỉ là phương tiện hữu ích, để gia đình Em có cơm ngon áo đẹp, để con cái Em có điều kiện phát huy mọi khả năng mà...
Tình đời
Tình đời
Em từ Trà Vinh xuống. Tứ cố vô thân. Em vô rừng đốn củi mướn cho bà Tư Hón. Củi về rồi thì Em cưa, Em bửa, Em bó, rồi đếm cho nghe. Bà Tư nuôi cơm, cho tiền hút thuốc, lâu lâu lại cho vài chục đồng (một chai...
Cái tôi
Cái tôi
Ôn lại cảnh nghèo khổ ngày xưa, cha mẹ Em tủi hận đến rơi lệ. Cả hai đều thề với lòng mình là sẽ làm cho Em được sung sướng. Con sung sướng để trả thù cái khổ của cha mẹ. Cha mẹ đã khổ chừng nào, thì con cái...
Tình huynh đệ
Tình huynh đệ
Em vẫn cứ làm giàu. Nhưng làm giàu để làm giàu, hay là để làm người một cách xứng đáng? Đồng tiền chỉ là phương tiện hữu ích, để gia đình Em có cơm ngon áo đẹp, để con cái Em có điều kiện phát huy mọi khả năng mà...
Tình đời
Tình đời
Em từ Trà Vinh xuống. Tứ cố vô thân. Em vô rừng đốn củi mướn cho bà Tư Hón. Củi về rồi thì Em cưa, Em bửa, Em bó, rồi đếm cho nghe. Bà Tư nuôi cơm, cho tiền hút thuốc, lâu lâu lại cho vài chục đồng (một chai...
Cái tôi
Cái tôi
Ôn lại cảnh nghèo khổ ngày xưa, cha mẹ Em tủi hận đến rơi lệ. Cả hai đều thề với lòng mình là sẽ làm cho Em được sung sướng. Con sung sướng để trả thù cái khổ của cha mẹ. Cha mẹ đã khổ chừng nào, thì con cái...
Chị hai
Chị hai
Cú điện thoại ấy là một sai lầm lớn. Nó sẽ phá tanh bành cuộc đời của Hùng. Nó sẽ xé nát toàn bộ vinh dự mà Em đã xây dựng được trong suốt hai mươi năm qua.
Cay đắng cuộc đời
Cay đắng cuộc đời
Đẹp người đẹp nết, chưa hết tuổi học trò, đã có người đến nói. Vừa đúng mười tám, Em đã xuống vỏ lãi có dán hai chữ song hỷ, để về nhà chồng. Chồng Em chỉ biết yêu, chứ không biết nuông chiều. Cha mẹ chồng chỉ thích dâu giỏi,...
Hận đời- đời hận
Hận đời- đời hận
Em không muốn lấy chồng vì sợ “gái có chồng như gông đeo cổ”. Nhưng Em lại thèm đàn ông như trẻ thơ cần bú sữa mẹ. Em không ưa con trai cùng trang lứa. Em chê họ là con nít. Em chỉ thích đàn ông cao niên, vì họ...
Yêu đơn phương
Yêu đơn phương
Cứ mỗi lần đi học lại có một chút quà mọn, gọi là của ít lòng nhiều. Món quà nào cũng gợi ý, cũng gợi tình. Hôm nay quà là hai trái mận. Ngày mai quà là hai trái bưởi. Trái mận hay trái bưởi đều có cái núm nhọn...
Dĩ vãng
Dĩ vãng
Người lớn tuổi trong họ đạo không quên nguồn gốc của Em, nên chỉ nhìn Em bằng một nửa con mắt. Giới trẻ thì mê Em như điếu, vì họ chẳng thèm biết quá khứ. Quá khứ chỉ là lạc hậu, chỉ là lỗi thời. Họ đua nhau tán tỉnh...
Trò tàn nhẫn
Trò tàn nhẫn
Quân rất thông minh vì có vầng trán rộng. Nhưng khuôn mặt của nó không vuông vức như những người trầm tĩnh và giàu óc tổ chức. Khuôn mặt của nó mài mại giống lưỡi cày. Đó là mẫu người quậy phá.