Dù cuộc đời có ngổn ngang, bon chen, tranh đoạt đến đâu, dâu bể thế nào thì vẫn lấp lánh tình nghĩa tốt đẹp giữa người với người, đời sống càng vàng thau phức tạp, tình nghĩa ấy càng tương phản lấp lánh hơn… Những câu chuyện nghĩa tình không ở đâu xa.
Anh Văn Trí Dũng ở Biên Hòa - Đồng Nai, tóc đã hoa râm vẫn khôn nguôi nhớ về cô bạn học cùng lớp đã lâu rồi không gặp lại. Trong một chuyến cả lớp đi chơi biển, cô bạn phát hiện ra anh không có tiền và tế nhị nói nhỏ với các bạn để không sa đà hùn hạp lôi kéo vào những quán xá, sẽ gây khó cho anh. Sự tinh tế của cô thủ quỹ lớp khiến anh nhớ hoài một chữ tình nơi bạn học. Hồi đó, cô còn nhận về nhà các trang viết vụng của anh để đánh máy giúp gởi các báo cộng tác mà không kể công hay đòi hỏi gì dù là một chầu kem hay cà phê… Giờ anh đã khấm khá trong cuộc sống, bạn bè mỗi người một nơi, cô bạn quý năm xưa cũng không gặp lại, nhưng tình bạn, sự quan tâm giúp đỡ chân thành còn hoài trong anh.
Ông Minh Khang, 65 tuổi (Q. Phú Nhuận - TPHCM), lại nhớ sâu sắc tình cảm của thầy giáo môn Toán từ rất lâu, thời gia đình anh còn sống dưới quê: Ngày ấy, khi biết cậu học trò Khang được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh phải tập trung ôn dài ngày, thầy chờ cậu ra khỏi lớp liền nói nhanh: “Các em, Khang sắp lên tỉnh ôn, hoàn cảnh nhà bạn ấy khó khăn, lớp mình tùy hỉ ít nhiều đóng góp cho bạn chút tiền để có mà mang theo xài…”. Và thầy xuống từng dãy bàn nhận những tờ tiền đầy tình nghĩa của học trò giúp bạn nghèo, riêng phần mình, thầy móc ví có bao nhiêu góp vào hết. Đứng ngoài cửa lớp, Khang không khóc mà nước mắt cứ chảy ra. Hết tiết, thầy nói riêng với cậu trò nhỏ: “Ra về, em ghé nhà thầy nhé!”. Thế là chuyến đi xa nhà đầu tiên, Khang có trong mình chiếc phong bì tiền ăm ắp tình và nghĩa của thầy, cùng chúng bạn.
Cậu sinh viên Lâm Văn Kháng, đang học năm thứ ba tại một trường đại học ở TPHCM, kể câu chuyện mang chất cổ tích, đã nghe một lần khó có thể quên: Từ quê lên thành phố học, mọi thứ lạ nước lạ cái, những tính toán - tưởng đâu chu tất của cậu sinh viên nghèo - đã nhanh chóng cho thấy thiếu thực tế. Chưa hết năm thứ nhất thì tài chính đã cạn kiệt, việc làm thêm thất thường, tâm trí không còn tập trung cho bài vở. Đúng lúc đó, cậu được quen một cụ sống ở Thủ Đức, trong một sự tình cờ biết hoàn cảnh của cậu đang đứng trước nguy cơ bỏ học, cụ đã giúp bằng cả tấm lòng. Vào một ngày nọ trong tháng, cụ già đi xe buýt đến gặp và dúi vào tay cậu sinh viên nghèo một số tiền, đây là món tiền cụ tích cóp được từ việc bán rau trong vườn nhà cùng khoản tiết kiệm được của một người già. Cha mẹ cậu ở quê khó nghèo không thăm nom được, cụ già tốt bụng đã đóng vai người thân cho đến khi cậu tốt nghiệp ra trường. Kháng kể mà rơm rớm nước mắt.
Chị Thu Hà, 43 tuổi, một cư dân Hà Nội thì gặp một tình huống khác: đam mê viết lách ở thời tập vở hiếm hoi. Các bạn thân đã gom những trang vở cũ, góp lại cho chị đóng thành tập để viết. Sau này thành công trong nghề, có trong tay một vài đầu sách, chị vẫn nhớ một thời tập tành viết lách với những trang giấy lẻ năm nào. Cuộc sống trôi qua không vô vị, từng nghĩa cử chân thành cũng như từng trang vở lẻ ngày xưa, đã giúp chị nuôi nấng ước mơ, tình nghĩa thắm đượm đong đầy khiến cuộc sống có ý nghĩa và đẹp hơn.
Hẳn ai cũng có những kỷ niệm như vậy trong đời, sự tử tế hay một nghĩa cử giản dị nào đó thôi cũng đã trở thành động lực mạnh mẽ cho ta vươn lên trong cuộc sống…
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận