Thứ Năm 18.6.2015, sau khi Tòa Thánh ban hành Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo hoàng Phanxicô về việc chăm sóc thiên nhiên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, đã cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô vì "đã có một lập trường mạnh mẽ như vậy về việc cần thiết phải hành động cấp bách trên quy mô toàn cầu.. Tiếng nói đạo đức của ngài là thành phần của bản hợp xướng ngày càng vang lên mạnh mẽ của mọi người thuộc mọi tôn giáo, mọi thành phần trong xã hội, đang lên tiếng đòi phải có hành động về khí hậu".
Ông Tổng Thư ký ghi nhận Thông điệp phát hiện là có "một sự đồng thuận về mặt khoa học rất vững chắc" cho thấy hiện tượng lồng kính phát triển trong thập kỷ gần đây là "chủ yếu do hoạt động của con người". Vì thế, ông tái khẳng định rằng nhân loại có nghĩa vụ quan trọng phải chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại là hành tinh Trái Đất.
Tổng thư ký LHQ ông Ban Ki-Moon cảm ơn Đức Thánh Cha về thông điệpLaudato Si |
Trong một tuyên bố, ông Ban Ki-moon viết: "Thông điệp đầu tiên của ngài nhấn mạnh rằng thay đổi khí hậu là một trong những thách đố lớn lao nhất đối với nhân loại, và đây là một vấn đề tinh thần đòi ta phải kính cẩn đối thoại với mọi thành phần trong xã hội". Hướng đến COP 21 - Paris (Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, diễn ra tại Paris vào cuối năm nay), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói luận điểm của Đức Giáo hoàng cho thấy rõ các chính phủ phải đặt lợi ích chung của toàn cầu trên lợi ích quốc gia và thông qua một thỏa thuận đầy hoài bão về khí hậu toàn cầu tại Paris trong năm nay.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, người đã đặt vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi nhận trách nhiệm đứng đầu cơ quan quốc tế này cách nay 8 năm, đã hoan nghênh những đóng góp của tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người có uy thế trong việc đáp ứng các thách đố của khí hậu và củng cố sự phát triển bền vững.
Trước đây, trong cuộc gặp Đức Giáo hoàng tại Vatican vào ngày 28.4.2015, nhân cuộc Hội thảo quốc tế về việc Bảo vệ môi sinh, do Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học tổ chức, ông Ban Ki-moon và Đức Phanxicô đã thảo luận về việc mọi người cần phải đến với nhau để trao đổi về vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những thách đố chủ yếu mà cộng đồng nhân loại phải đối mặt. Đức Giáo hoàng Phanxicô và ông Ban Ki-moon đã đồng ý, biến đổi khí hậu là một vấn đề đạo đức đòi hỏi phải có những hành động cấp bách chung. Bởi đây là vấn đề công bằng xã hội, quyền con người và đạo đức cơ bản. Trong tham luận tại cuộc hội thảo, ông Ban Ki-Moon đã đề cao sự đóng góp của các tôn giáo vào vấn đề quan trọng này và nhận định rằng khoa học và tôn giáo không đối nghịch nhau về vấn đề thay đổi khí hậu, trái lại có cùng đường hướng. Đồng thời, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã ghi nhận : "Những người đầu tiên chịu đau khổ nhiều nhất vì sự thay đổi khí hậu chính là những người ít gây ra vấn đề này nhất, đó những người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội". Từ cuộc hội thảo này, ông Ban Ki-Moon đã kêu gọi các tôn giáo đầu tư vào những giải pháp sạch, mưu ích cho người nghèo và thanh tẩy không khí.
(PV)
Bình luận