Do đặc thù công việc, không mùa Vọng nào tôi được tham gia tĩnh tâm. Là một nhân viên điều dưỡng khoa Tim mạch ở một bệnh viện lớn trong thành phố, tôi luôn nhắc nhở mình khi không được dự các buổi tĩnh tâm, tôi sẽ “tĩnh tâm” trong công việc hằng ngày của mình.
Buổi sáng, sau lời kinh dâng ngày mới cho Chúa và Mẹ Maria, tôi đến từng giường bệnh đo huyết áp. Tôi luôn nhắc mình không được vùng vằng, mà luôn nhẹ nhàng với bệnh nhân. Có buổi lỡ không kịp ăn sáng, dù hơi mệt, tôi không cho phép mình cáu gắt với bệnh nhân cho dù họ không nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có bệnh nhân huyết áp tăng, bệnh tiểu đường, mà còn lén ăn trái cây nhiều chất béo ngọt như sầu riêng, lượng đường trong máu tăng lên kèm theo huyết áp không ổn định… Những lúc như vậy, thay vì mắng mỏ bệnh nhân, tôi phó thác hết cho Chúa, chỉ nhẹ nhàng khuyên họ cẩn thận trong ăn uống, tiết chế bớt sự thèm khát những món khoái khẩu vì sức khỏe của bản thân. Cũng có không ít lần do bệnh nhân không kiêng ăn uống hoặc ở trong phòng nhiều ngày gây bức bối, họ tự đi xuống sân hoặc ra siêu thị mua thức ăn quá sự chịu đựng của cơ thể. Tôi bị bác sĩ trách sao không theo dõi sát sao bệnh nhân, nhắc nhở họ để không nên gây những sự cố đáng tiếc. Bị trách oan, tôi chỉ biết dâng hết cho Chúa và Mẹ. Tôi cũng chỉ giải thích với bác sĩ một cách lễ độ và yêu cầu bệnh nhân đừng để lần sau xảy ra nữa.
Đo huyết áp, trình lên bác sĩ tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ ra toa, chúng tôi đẩy xe phát thuốc, theo dõi xem bệnh nhân đã uống thuốc chưa, có theo liều lượng bác sĩ chỉ định không. Với những người nuôi bệnh lớn tuổi, hoặc còn nhỏ tính tình ham chơi, mình thường xuyên kiểm tra nhắc nhở họ có cho bệnh nhân uống thuốc men đầy đủ không…
Nhiều bệnh nhân hoặc người thân của họ nghĩ rằng muốn được các bác sĩ, điều dưỡng đối xử tốt thì phải “bỏ phong bì” hoặc nhét túi từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi lần bác sĩ thăm khám hoặc điều dưỡng tiêm chích. Với ai tôi không biết, còn bản thân mình, tôi tuyệt đối gởi trả lại tiền cho họ. Tôi thừa hiểu khi vào bệnh viện, họ đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền, từ chi phí ăn uống đến thuốc men và đi lại. Tôi không thể lấy thêm tiền của họ. Cuộc sống của một điều dưỡng đôi khi thiếu thốn vật chất chút ít, tôi đều dâng cho Thiên Chúa và Mẹ Maria. Tôi tin các Ngài luôn phù trợ và sẽ đưa tôi qua những phút yếu lòng của sự cám dỗ bởi đồng tiền.
Những buổi trực đêm, nhiều lần có những bệnh nhân cấp cứu, tôi phải thức trắng, biết mình mệt mỏi, dễ quạu, tôi đều khẩn cầu Thiên Chúa cho mình đủ sự kiên nhẫn và lòng nhân ái để lắng nghe, cảm thông và chia sẻ cùng họ. Tôi xin Ngài ban cho tôi những lời nói đủ dịu dàng và khôn ngoan để trấn tĩnh và làm nhẹ đi cơn đau cùng sự lo lắng trong họ.
Những đêm ít ca cấp cứu hoặc không có ca cấp cứu từ ngoài hoặc ngay trong khoa, tôi đều lần hạt, xin Chúa ban cho tôi sự tỉnh thức và lòng yêu nghề. Nghề y cũng như những ngành nghề khác, cần có cái tâm mới trụ được với nghề. Bạn bè ngoại giáo biết về những mùa Vọng của Công giáo, họ đều chân thật chia sẻ cùng tôi:“Cuộc sống của một điều dưỡng nhiệt tình như bạn đã suốt năm sống cho tinh thần Vọng rồi, có cần phải đến mùa tĩnh tâm mới đến nhà thờ nghe giảng khi bản thân đã là một chuỗi phụng sự không ngừng nghỉ rồi không?”.
Tôi biết mình chỉ là hạt bụi trong sa mạc, nhưng tôi nhủ thầm mình sẽ sống tốt nhất trong nghề nghiệp để ngày nào cũng là ngày Vọng, chuẩn bị tinh thần đón Chúa đến…
SƠN HẠ
(Viết theo lời tâm sự của một cán sự điều dưỡng bệnh viện)
Bình luận