1.
Những ngày này, khắp nơi tại Hội Thánh Việt Nam hầu như đều có những lễ phong chức linh mục. Liền sau đó là những lễ tạ ơn. Từ những lễ này, đang bùng lên một bầu khí tưng bừng. Rộn ràng như ăn mừng. Long trọng như tôn vinh.
2.
Đang khi đó, tôi lại thấy tại Hội Thánh Việt Nam đang hiện lên nhiều bước đi âm thầm của những người hèn mọn. Họ gặp gỡ lặng lẽ. Họ trao cho nhau một tác vụ không có gì gọi được là chức cao quyền trọng, nhưng là một tác vụ quan trọng, đó là tác vụ yêu thương. Họ chỉ gởi cho lời Chúa Giêsu: “Thầy trao cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).
3.
Chính tôi cũng đã được Chúa gởi đến nhiều người. Với tế nhị, họ trao cho tôi tác vụ yêu thương của Chúa. Trao tác vụ đó như trao một tâm thư. Không nghi thức như các lễ phong chức, nhưng tôi vui mừng.
4.
Tôi vui mừng, nhất là lúc này, khi nhận tác vụ yêu thương đó lại có nghĩa là đầu tiên hãy biết đón nhận yêu thương. Lúc này tôi đang bệnh tật, nghèo nàn, hết sức yếu đuối như cạn kiệt. Được đón nhận yêu thương là rất quý. Nhất là đón nhận từ Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Tác vụ yêu thương mà Chúa trao ban cho tôi xem ra không khó hiểu lắm. Chính thực tế bản thân tôi là một bài học.
5.
Bản thân tôi đầy những bất toàn, bất xứng, bất an, thế mà lại được Chúa yêu thương. Nhiều lúc, nhìn vào mình, tôi sợ hãi lắm. Nhưng Chúa trấn an tôi: “Cha không kết án con đâu, Cha đến để cứu con, bởi vì Cha thương xót con”.
6.
Tôi đón nhận tình yêu thương xót Chúa và cảm thấy trong tôi có sự hiện diện của một Đấng thiêng liêng. Chính Người là Đấng cứu độ. Chính Người là Đấng sẽ đưa tôi vào cõi phúc đời đời.
Chúa yêu thương tôi là như thế. Tôi cũng hãy yêu thương người khác như vậy.
7.
Mới rồi, đang lúc tôi ngồi ở hàng hiên nhà một mình cầu nguyện, thì thấy một xe hơi từ tỉnh xa mở cổng đi vào. Xuống xe là hai phụ nữ trẻ ăn mặc sang trọng. Họ đi về phía nhà Đức cha chính giáo phận. Nhưng thấy tôi, họ quay lại chào thăm. Tôi ngây thơ nói:Chúng con nhớ nâng đỡ Đức cha chính nhé. Ngài đau bệnh lắm. Cha cũng vậy.Họ trả lời:Các Đức cha đã có Chúa lo. Chúng con bận lắm.Họ nói một cách quyết liệt nhiều lần. Tôi nghe mà ngỡ ngàng đau xót. Tôi coi đây là một biến cố, dạy tôi phải rất tế nhị trong những tương quan. Chuyện này xảy ra lại có sự hiện diện của một nhân vật không phải là Công giáo đang thăm tôi. Họ tỏ vẻ quá bất ngờ, như không thể hiểu được khi thấy các chức sắc đau yếu lại bị con chiên đối xử như vậy.
8.
Tôi nghĩ đây là một cảnh báo cho chúng ta về một khủng hoảng đáng ngại về yêu thương. Khủng hoảng này đang xảy ra ngay trong các gia đình và các cộng đoàn đức tin.
Điều rất đáng ngại là những sự kiện buồn như vậy lại dần dần được coi như bình thường. Đáng ngại hơn nữa là chúng đang phát triển về mức độ. Từ dửng dưng đến gian ác, từ bạo ngôn đến bạo lực, bạo hành. Có nhiều trường hợp quá ác đến nỗi có thể nói là người ta đã mất tính người, là người ta đang bị quỷ hỏa ngục sai khiến.
9.
Tôi nhớ lời Chúa phán: “Lòng có đầy, thì miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình. Kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,34-35).
Kho tàng của mỗi người là cái tâm, là tấm lòng của mình. Hiểu như vậy, tôi thấy xa gần và ngay cạnh tôi đang có những cái tâm tốt, những tấm lòng đầy yêu thương. Nhìn họ, tôi nhớ lại Đức Mẹ Maria và bà thánh Elisabeth.
10.
Trong dịp thăm viếng bà Elisabeth, Đức Mẹ đã trao cho bà tác vụ yêu thương. Đáp lại, bà Elisabeth cũng trao cho Đức Mẹ tác vụ yêu thương. Cả hai cùng được nhận và cùng cho nhau tác vụ yêu thương.
Qua những gì đã xảy ra, chúng ta có thể thấy cả hai người phụ nữ thánh thiện này đều có cái tâm và cái tầm đầy ơn Chúa. Cái tâm chứa yêu thương. Cái tầm là khả năng nhìn xa, nhìn rộng, nhìn tới mọi chi tiết của thực tế, để yêu thương trở thành sức mạnh cứu độ.
Hai người phụ nữ thánh thiện đó đã xác tín về một tình yêu vượt tới cõi đời đời. Xác tín và cũng cảm được từ xác tín đó một nguồn hạnh phúc thiêng liêng khôn tả.
11.
Tới đây, tôi chợt nhìn thấy hình ảnh Đức Mẹ và bà Elisabeth nơi nhiều người tại Hội Thánh Việt Nam. Họ rất âm thầm, nhưng rất mực can đảm. Họ đối phó không phải chỉ với thế gian xấu, mà nhất là với chính quỷ Satan. Họ rất biết lời cảnh báo xưa của thánh Phêrô: “Quỷ dữ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Họ thấy đúng là như vậy. Nên họ ra sức phấn đấu bằng tỉnh thức, cầu nguyện, tiết độ và lòng tin vững vàng bền đỗ. Nhờ vậy, tất cả những gì họ để lại cho Hội Thánh đều mang hình ảnh của thánh Gioan Tiền Hô và của Chúa Giêsu.
12.
Lúc này, tôi đang nhìn thấy một tương lai như thế đang đợi Hội Thánh Việt Nam. Tất cả đều ở phía trước.
Phía trước sẽ có những chuyến tàu lịch sử. Có chuyến khởi hành và đi theo lịch trình của quy chế. Có chuyến khởi hành và đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế sẽ có những bất ngờ. Từ đó, tôi có ý nghĩ này: Yêu thương đòi rất nhiều ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để có thể phục vụ Tin Mừng đúng cách, đúng nơi, đúng lúc, đúng việc, theo thánh ý Chúa.
Ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần sẽ chỉ ban cho những người khiêm nhường, mở rộng lòng mình, chấp nhận từ bỏ cái tôi tự mãn và những hào quang giả tạo. Tác vụ yêu thương vì thế sẽ là một hành trình được đào tạo bởi Chúa Thánh Thần, để yêu thương luôn có sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.
Bình luận