Ngô Quốc Đông
Trước đây, khi nền kinh tế ổn định, người ta đổ xô đi vay vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoặc vàng để sinh lời; nhưng khi kinh tế suy thoái, bất động sản, chứng khoán đều nằm chết một chỗ thì tiền đầu tư không thể thu hồi. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cũng phải siết chặt các khoản vay, đảm bảo đồng vốn bỏ ra phải được thu hồi đầy đủ nên các cửa vay vốn đều trở nên hạn hẹp. Hoàn cảnh ấy khiến nhiều người tìm đến với tín dụng “đen”, nôm na là dân tự đứng ra huy động vốn bằng cách vay theo kiểu dây chuyền, người này cho người khác vay trong khi có thể bản thân họ cũng là người đi vay nhưng cho vay lại để hưởng chênh lệch. Vì ham mức lãi suất cao, rất nhiều người còn cầm cố cả tài sản không phải của mình để cho người khác vay. Nhưng chỉ cần một mắt xích trong đường dây tín dụng bị đổ bể, cả hệ thống sẽ sụp theo, và hậu quả tất yếu là muôn vàn những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu khi số tiền họ bỏ ra một đi không trở lại. Bế tắc, người nọ đòi người kia, mâu thuẫn đỉnh điểm có khi còn dẫn đến án mạng, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái phép... Gần đây, các thông tin thời sự trên các phương tiện truyền thông cũng cho thấy, tín dụng “đen” chưa hề lắng xuống mà vẫn âm thầm tồn tại trong dân chúng.
![]() |
Tiền mất, tính mạng bị đe dọa, nhưng rất nhiều người - nạn nhân của tín dụng “đen” - lại không hề dám đi tố giác, ngay cả khi các đối tượng trong đường dây đã bị bắt giữ. Rất đơn giản vì khi họ cho vay với lãi suất cao, chính bản thân họ cũng sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi. Thực tế, rất nhiều vụ, bản thân đối tượng bị bắt khai ra nhiều bị hại, tuy nhiên, khi cơ quan điều tra vận động bị hại ra trình báo thì lại chẳng có mấy người. Do đó, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn, việc thu lại tiền gốc cho dân là rất ít, thậm chí không thể thu hồi.
![]() |
Ngay cả những người đi vay, vì không hiểu biết, lỡ tay ký vào những hợp đồng mà trong bất cứ trường hợp nào họ cũng luôn ở thế yếu. Chẳng hạn, chuyển hóa việc vay nợ bằng phương thức mua bán, thế chấp tài sản có giá trị với giá thấp, hoặc “gán nợ” nếu đến hạn mà không thanh toán. Hợp đồng đã trót ký rồi, không thực hiện không được. Tiếc của, nhiều người khất nợ bị “xã hội đen” khủng bố tinh thần, thậm chí bị đe dọa về tính mạng. Nhưng trong trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc” này, họ cũng không dám trình báo cơ quan chức năng vì sợ đủ đường, sợ liên đới nếu ra pháp luật, lúc ấy có khi mất cả chì lẫn chài.
Khuyến cáo của cơ quan chức năng, cũng như từ những bài học xương máu, là nên cẩn trọng với các hình thức cho vay hết sức tinh vi của tín dụng đen, không nên ham lời, bất chấp mọi rủi ro, hậu quả. Khi vay mượn nên tìm hiểu kỹ về đối tác và việc vay phải lập hợp đồng, có cơ quan nhà nước xác nhận để nếu có xảy ra những việc không may, đây sẽ là những căn cứ để bảo vệ mình.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.