Thứ Tư, 22 Tháng Bảy, 2015 10:42

CGvDT là một phần tuổi thơ, phần hiện tại và tương lai tôi!

 

Gần 30 tuổi đời, 15 năm tôi biết đến báo và hơn hai năm nay tên tôi xuất hiện trên mặt báo.

1. Sinh ra và lớn lên nơi một xứ đạo heo hút gió ở miền Trung. Ngày đó, báo chí với tôi là một điều xa lạ! Kênh thông tin duy nhất tôi có được là những bản tin trên sóng Radio. Còn nhớ như in, những đêm tối khi đi ngủ bên cạnh là chiếc cát - sét nhỏ xinh mà tôi và ba có dịp hiếm hoi chia ca nhau: “bọ ngày, đêm con”.

Năm tôi học lớp 7 cũng là ngày giáo xứ đón nhận một sự kiện trọng đại, sau hơn nửa thế kỷ nhà xứ mới lại có bóng dáng của vị cha sở hiện diện. Không cần nói cũng biết, ba mẹ tôi và cả giáo xứ mừng vui cỡ nào! Ngày đó ba là người giữ chìa khóa nhà thờ, tối tối tôi lại phụ ông khóa cửa sau những giờ kinh nguyện. Một hôm đang loay hoay với công việc thường ngày, thấy tôi cha xứ nói: “Con vào giúp lễ, tối xin ba mẹ vào ngủ với cha cho vui, cha sợ ma lắm!”... Không cần cha ngỏ lời, từ lâu con đã muốn như vậy!

 

Công việc của tôi hằng ngày là sáng sớm giật chuông, giúp lễ và lấy báo cho cha mỗi khi bưu điện giao tới. Tôi còn nhớ rõ, hộc báo trong phòng nơi góc tủ để ba loại: Công giáo và Dân tộc, Tuổi trẻ, Thanh niên. Hai loại còn lại tôi từng nghe qua, nhưng thiệt tình, CGvDT mới lần đầu nghe và thấy... Từ lạ lẫm, dần tò mò tôi giở ra xem. Rồi cứ thế tuần nào nhận báo mà không xem là không được. Nhưng thú thật, đọng lại khi đó chỉ là những bài viết ngắn, mục nơi ta đến, bởi có vẻ phù hợp với một người thích khám phá như tôi đây. Còn những bài chữ và chữ thì ít khi đả động.

Năm học lớp 11, tôi xin cha thôi không giúp lễ nữa, phần để dành chỗ cho lũ nhóc sau này, phần muốn đầu tư trọn cho việc học (lúc đó tôi đã đọc CGvDT nhiều hơn, nghiền ngẫm nhiều hơn). Từ đó, càng về sau tôi càng ít khi vào nhà xứ, vài tháng sau thì “đứt bóng” hẳn... Nhưng CGvDT thì vẫn nằm đó, trên kệ sách nơi góc tủ, đều đặn mỗi tuần trôi qua số báo mới lại chồng lên số cũ.

2. Dù từ nhỏ rất thích viết nhưng tôi lại chọn thi vào ngành Cơ khí của một trường Đại học tại Sài Gòn. Qua chưa hết học kỳ thứ nhất, tôi nhận ra: bản thân không phù hợp với nghề. Quyết định bỏ ngang giữa chừng, tôi tập trung ôn để thi vào Khoa báo chí của trường Đại học nọ. Kỳ thi năm đó tôi “không may”. Nhưng rồi vẫn quyết chọn ngành viết lách của một trường Cao đẳng để theo học. Bởi khi đó bản thân đã chín chắn và biết chọn lựa điều mình thích để đeo đuổi.

Trong thời gian học, nhiều lần đi lễ tôi hay bắt gặp ở nhiều giáo xứ có bán báo CGvDT. Khi đó kỷ niệm về ba, về ông cha sở, về những bài viết hay trên báo lại được dịp ùa về. Tôi mua báo, rồi đọc và nghiền ngẫm. 

Ra trường với tấm bằng trên tay, tôi bơ vơ như đang ở giữa đại dương bao la. Cũng đã từng thử sức tại nhiều môi trường khác nhau nhưng có lẽ vì không hợp hay bởi lý do nào đó nên sau một thời gian tôi lại xin thôi. Trong một dịp tình cờ ghé qua chơi nhà người thân, tôi được ông bác gợi ý:

- Biết báo Công giáo và Dân tộc không?

- Dạ biết!

- Sao không thử sức bên đó xem sao.

Câu chuyện tuy gọn lỏn nhưng mở ra trong tôi nhiều suy nghĩ: CGvDT là tờ báo đầu tiên tôi đọc,  có lẽ cũng là tờ báo tôi đọc nhiều nhất. Có phải đó là duyên phận?... Vậy là mấy ngày sau, trong bộ trang phục chỉnh tề cùng tâm trạng hơi lo âu, tôi bước vào nộp đơn xin việc. Quyết tâm thử sức trong một môi trường mới hoàn toàn.

3. Thấm thoắt mới đó đã hơn hai năm trôi qua. Hai năm trong báo đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về Giáo hội, có cái nhìn sâu rộng hơn về xã hội, kỹ năng nghiệp vụ của bản thân được nâng lên thấy rõ. Đó cũng là quãng thời gian quý báu để tôi xác định lại mục tiêu cho đời mình.

Báo gần đây được bạn đọc, cộng tác viên và nhiều người khác đánh giá ngày càng phong phú hơn, hấp dẫn hơn, trình bày đẹp mắt hơn..., khiến những người như tôi đây cảm thấy thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì những lời khen đó có phần dành cho mình! Nhưng khen không phải là nấc thang tới thiên đường mà là sự gởi gắm đòi hỏi đội ngũ nhân viên tòa soạn phải tiến tới, đổi mới, phát triển hơn nữa... Người hưởng lợi trước nhất là bạn đọc nhưng sau cùng chính là chúng tôi – những người hiện diện trên báo.

40 năm nhìn lại để gác lại chuyện cũ và hướng tới 40 - và hơn thế nữa - nhiều năm tiếp theo!.

Pv. Đình Quý

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm