Thứ Năm, 21 Tháng Giêng, 2016 14:46

Chi tiêu tiền thưởng Tết

Có người phấn khởi nhưng cũng có người ngậm ngùi với tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, dù nhiều hay ít, khoản này được người lao động lên kế hoạch chi tiêu từ rất sớm.

THOẢI MÁI CHO BA NGÀY TẾT

Chị Trần Ngọc Mai (Công nhân - tỉnh Đồng Nai): Tiền thưởng Tết hằng năm của tôi nhiều hay ít, ngoài thâm niên, chức vụ, vị trí, còn tùy thuộc vào việc công ty làm ăn khấm khá hay không. Thông thường với khoản thưởng đó, tôi sẽ gởi cho gia đình một ít để phụ chi trong mấy ngày Xuân như mua rau thịt, bánh mứt, hoa quả... Kế đến, tôi dành lì xì cho hai đứa em và hơn hai mươi đứa cháu trong họ hàng. Do số lượng đông như vậy nên tiền mừng không nhiều, chủ yếu vui là chính. Sau cùng, tôi cũng dành một khoản nhỏ để mua sắm quần áo, giày dép mới cho mình hay thay đổi kiểu tóc. Một năm có một cái Tết nên tôi thường xài thoải mái tiền thưởng của mình, miễn điều đó chính đáng, phù hợp.

ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI

Chị Nguyễn Thị Thanh Lan (Nhân viên văn phòng  - TPHCM) : Tôi chỉ mới đi làm được một năm nên tiền thưởng Tết còn ít. Tôi dự định sẽ chia số tiền thành ba phần, một phần dành cho ba mẹ và các cháu, một phần dùng để sắm sửa cho ngày Tết của gia đình và phần còn lại dành cho khóa học tiếng Anh sau Tết. Vì học phí hơi cao nên có thể, tôi sẽ phải gom góp thêm tiền thì mới đủ. Nhưng học tiếng Anh là một mục tiêu quan trọng mà tôi dự định đã lâu nên thật may mắn khi có khoản tiền thưởng cuối năm này.

EO HẸP KHOẢN CHI CUỐI NĂM

Anh Nguyễn Văn Thảo (Lao động - TPHCM): Với người làm nghề thợ sơn hưởng lương công nhật như chúng tôi, tiền thưởng Tết chỉ là một khoản tượng trưng của chủ thầu, tương đương vài ba ngày làm (khoảng một triệu đồng), nên chi tiêu của tôi dành cho Tết rất eo hẹp. Tính ra, chỉ riêng tiền xe về tới miền Trung quê tôi đôi khi đã gấp đôi số tiền chủ thưởng. Bù lại, cuối năm nhiều người muốn làm mới nhà cửa nên công việc nhiều hơn và được khách trả tiền cao hơn, anh em thợ làm cật lực để tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy mới có thể mua đồ mới cho con, quà cho cha mẹ hai bên, nếu dư ra sẽ có thêm một ít để lì xì cho các cháu và “sống qua” mấy ngày Tết.

ƯU TIÊN SẮM ĐỒ DÙNG THIẾT YẾU

Chị Cao Thị Thùy Trang (Nhân viên văn phòng - TPHCM): Mỗi bận Tết tiền thưởng của tôi cũng kha khá. Nhờ vậy, Tết nhất cũng có khoản chi cho một số việc mà các tháng thường trong năm không thể lo hết, nhất là sắm mới các trang thiết bị máy móc dùng trong gia đình, lo bếp núc, sinh hoạt, hoặc những tiện nghi khác. Năm nay cũng không ngoại lệ. Tôi ở quê vào Sài Gòn làm rồi lập gia đình trong này nên năm nào cũng có kế hoạch về quê ngoại, nếu không về thì tăng thêm tiền quà Tết cho gia đình ngoài quê. Tôi cũng dành một khoản làm đẹp để tiễn đưa năm cũ.

TIỀN THƯỞNG CHƯA RỦNG RỈNH

Ông Nguyễn Văn Đại (Công nhân viên - TPHCM): Tôi làm việc lâu năm nên phần thưởng Tết khác với người mới vào làm vài năm, nhưng cũng không chênh lệch quá lớn. Nghe nói năm nay tiền thưởng Tết sẽ nhỉnh hơn năm trước do cơ quan làm ăn tốt hơn. Dù vậy, khoản tiền thưởng mong đợi suốt năm này chỉ có thể giúp tôi lo Tết một cách sít sao chứ không rủng rỉnh chi tiêu hay để tích lũy cho các kế hoạch riêng của gia đình được. Thế nên ngay trong năm, vợ chồng tôi đã phải cố gắng tiết kiệm dành khi có việc cần hoặc dịp lễ Tết như thế này. Như mọi năm, tôi cũng lên kế hoạch các khoản biếu Tết, mua thực phẩm, lì xì, sắm quần áo mới, trang trí nhà cửa.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm