Nhiều giáo xứ phân chia chỗ ngồi trong nhà thờ cho mỗi giới hoặc nam nữ rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi hoàn toàn để người giáo dân tự chọn chỗ cho mình.
THỂ HIỆN SỰ HÒA HỢP
![]() |
Anh Nguyễn Văn Hùng (Giáo xứ Khiết Tâm - TGP.TPHCM): Người trẻ thường có lối suy nghĩ “thoáng” nên tôi thấy việc mọi người ngồi chung với nhau là chuyện bình thường. Tại những giáo xứ ở quê, mọi người vẫn ngồi theo từng giới, lứa tuổi khác nhau. Đó có thể xem là một cách làm truyền thống, nhưng thiết nghĩ ở một xã hội ngày càng hiện đại và cởi mở thì thích nghi với những cách làm mới cũng là điều tự nhiên. Hơn nữa, thông thường nếu ngồi theo chỗ cố định, những hàng ghế trên cùng dành cho thiếu nhi và giới trẻ nên người lớn hay ngồi ra phía sau. Nếu ngồi chung sẽ thể hiện được sự hòa hợp và mọi người có cơ hội được lên gần bàn thánh để tham dự thánh lễ sốt sắng hơn.
Ý THỨC Ở MỖI CÁ NHÂN
![]() |
Chị Lương Thanh Vân (Gx Thánh Giuse - GP Xuân Lộc): Ở vùng tôi ở hầu như việc phân chia chỗ ngồi theo giới tính, độ tuổi đã được quy định từ lâu nên hiếm khi trong nhà thờ hai giới ngồi chung với nhau. Khi dự lễ ở các xứ đạo Sài Gòn, tôi lại thấy nhiều giáo xứ cho phép việc này. Thoạt tiên, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên nhưng cũng biết việc phân chia chỗ ngồi theo giới thật ra cũng không phải là quy định bắt buộc mà tùy theo thói quen ở từng địa phương. Riêng tôi thấy đối với thiếu nhi, nên có sự phân chia theo giới thì tốt hơn cả. Bởi khi ngồi riêng sẽ tạo tâm lý thoải mái, ít bị chi phối hơn cho các em. Tôi cũng từng thấy thực tế nhiều cặp đôi khi cùng dự lễ hay thì thầm chuyện riêng, cười nói. Cho nên với những cặp đôi, vợ chồng, bạn bè mà tự thấy mình dễ bị chia trí, nói chuyện trong giờ lễ thì nên tự ngồi riêng ra là hay nhất.
ĐẦM ẤM HƠN KHI CÙNG DỰ LỄ
![]() |
Bà Trần Thị Bích Liên (Gx Bình Chiểu - TGP.TPHCM): Mỗi lần bước vào nhà thờ thấy chỗ nào trống và thuận lợi thì tôi ngồi chứ cũng không bận tâm lắm đến chuyện ngồi theo bên nam hay bên nữ. Nhưng có lẽ như một thói quen từ trước đến nay tôi hay ngồi bên trái dành cho nữ nếu đi một mình. Còn khi đi cùng người thân thì sẽ ngồi cạnh nhau, cũng tạo một không khí gia đình đầm ấm cùng nhau tham dự thánh lễ. Thiết nghĩ ngồi chung hay ngồi riêng cũng đều được vì chúng ta vào nhà thờ để tham dự thánh lễ thì chuyện quan trọng chính là ý thức tập trung dâng tâm hồn lên với Chúa sao cho sốt sắng. Còn việc ngồi với ai chỉ là những yếu tố bên ngoài, có ảnh hưởng hay không là do chính bản thân mỗi người. Riêng đối với trẻ nhỏ, cần cho các em ngồi riêng, phù hợp với lứa tuổi và giới tính vì các em còn nhỏ không có được những ý thức như người lớn nên dễ có nhiều rắc rối, cũng như hay mất tập trung.
CHIA THÀNH NHIỀU KHU VỰC
![]() |
Anh Nguyễn Tiến Đạt (Giáo xứ Xóm Thuốc - TGP.TPHCM): Những người trong gia đình, bạn bè hay các cặp đôi nếu có thể ngồi chung để cùng tham dự lễ thì quá tốt. Giờ phút hiệp dâng thánh lễ ấy, họ cùng đọc, hát kinh chung với nhau, hay bắt tay chúc bình an cho nhau làm nên mối dây gắn kết sâu sắc. Tuy nhiên, việc ngồi chung như vậy, nhất là đối với người nam và người nữ nhiều khi cũng dễ gây chia trí. Giáo xứ tôi chia chỗ ngồi ra ba khu, một dành cho người quen biết nhau, một dành cho nam, còn lại cho nữ. Tôi thấy cách ngồi này cũng khá hay, giáo dân sẽ có được chọn lựa chỗ ngồi phù hợp để việc dự thánh lễ được sốt sắng và ý nghĩa hơn.
CẦN GIỮ SỰ TRANG NGHIÊM
![]() |
Ông Lê Thái Bửu (Gx Khánh Hội - TGP.TPHCM): Tôi không thích nam nữ ngồi chung khi tham dự thánh lễ vì trong nhà Chúa cần có sự tôn trọng, trang nghiêm nhất định. Có những người đi lễ một mình hay từ nơi khác tới dự lễ sẽ không biết ngồi bên nào, chỗ nào khi thấy giáo dân ngồi lộn xộn, phân tán khắp nhà thờ. Do điều này mà có giáo dân ra ngoài ngồi hẳn, chịu cảnh dự lễ “vọng”. Ngoài ra, một số đôi ngồi cạnh nhau không giữ được sự đứng đắn, lịch sự trong nhà thờ làm cho người xung quanh khó chịu. Những người dự tòng, tân tòng có thể cho ngồi cạnh do họ còn bỡ ngỡ nhưng về sau cũng nên ngồi tách ra khi đã quen với các nghi thức.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.