Một giờ sáng, khi thành phố vừa thưa dần tiếng ồn ào, những chiếc xe tải từ miền Tây bắt đầu nối đuôi nhau trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3 để đổ hàng. Khi các bao đầy trên xe được chất gọn xuống vỉa hè, cũng là lúc chợ bắt đầu nhóm họp. Chủ và khách đều là những người quen biết, không tranh giành mua bán, cũng chẳng kỳ kèo ngã giá, họ là mối lái của nhau đã lâu năm. Hàng hóa chỉ độc một loại : cua đồng.
|
Khi thành phố thưa dần tiếng ồn ào là lúc những xe cua từ miền Tây đổ hàng về chợ |
Chợ không nhà lồng
Kéo dài từ ngã sáu Công trường Dân chủ lên đến ngã ba ông Tạ, chừng non hai cây số, có cả thảy mười mấy vựa cua đồng đêm được gầy dựng hai bên vỉa hè. Không một ai ở cái chợ dân dã này giải thích được vì sao nó lại được hình thành ngay giữa lòng phố thị phồn hoa. Người thì nói vì đây là điểm giữa Sài Gòn, thuận tiện việc giao thương; kẻ lại bảo do khu vực này gần với vùng ông Tạ, nơi có nhiều bà con người Bắc di cư – những khách hàng quen của món cua đồng; cũng có người cho rằng đơn giản, chỉ vì đường CMT8 trải dài lên Trường Chinh, Quốc lộ 22, nối vô Củ Chi, Tây Ninh nên họp chợ thì mối lái từ khắp nơi có thể đánh xe về dễ dàng. Cũng chẳng ai nhớ chợ có từ tháng năm nào, anh Hai Tuấn (Lê Thanh Tuấn), một người bán ở đây khẳng định: “Ít nhất đã tồn tại không dưới hai mươi năm”. Rồi anh giải thích: “Tôi là người thứ ba tiếp nhận vựa cua này, hai người trước bán được một thời gian độ hơn chục năm thì họ ra nước ngoài định cư, từ ngày đó tới giờ buôn bán cũng đã được gần mười năm…”. Từ một vài vựa nhỏ, lâu dần hợp lại thành chợ, nhưng vì thời gian buôn bán khá “thiêng” (từ một giờ sang đến tầm bốn giờ là mọi công việc phải được hoàn tất để trả lại lề đường cho thành phố) nên có khá ít người biết về sự hiện diện của chợ cua đồng này, dù như đã nói, chợ nhóm gần ngay giữa trung tâm Sài thành.
|
Tại đây của sẽ được phân loại thành cua sống và chết |
Cua phần lớn được chuyển từ Châu Đốc (An Giang) và Đồng Tháp lên. Ban ngày người ta đi đánh bắt, tới tối đại lý thu gom rồi đưa về thành phố tiêu thụ. Hơn nữa, theo một số chủ vựa, cua là loài khó sống nên đi ban đêm tiết trời mát mẻ để cua đỡ chết hơn. Cua sau khi được mua bán nhanh chóng giữa các nhà buôn từ tỉnh với chủ vựa, sẽ chuyển sang những giao dịch giữa chủ vựa và các mối lái từ khắp nơi đổ về. Cụ thể, cua khi chuyển lên sẽ được các chủ vựa phân phối cho những sạp tại các chợ trong thành phố và những tỉnh phụ cận. Cũng có một số người tới lấy đem về bán lẻ trên những chiếc xe rong trong các con hẻm nhỏ, hoặc một số tiệm bán bún riêu cua lớn ra chợ sỉ này mua cua để vừa có giá rẻ, lại dễ tìm cua ngon.
|
Lựa cua - một công việc giải quyết thu nhập cho không ít lao động tại chợ |
Với mười mấy vựa cua tại chợ cua Cách Mạng Tháng Tám - tạm gọi như vậy, vì không có tên gọi chính thức - mỗi đêm ước tính tiêu thụ phải hơn chục tấn cua đồng. Vựa nhỏ một phiên cũng mua bán trên dưới 50 bao (loại 12kg/bao), trung bình thì 7 – 8 chục bao, cá biệt có vựa mỗi đêm phân phối cả hơn 200 bao. Tuy nhiên, công việc nhìn chung không quá vất vả, họ chỉ việc nhận hàng và giao cho khách là những mối đã quen biết. Chủ vựa đều là người gắn bó với nghề khá lâu, ít cũng năm năm, nhiều thì vài chục năm. Số đông họ là những người ở miền Tây lên thành phố làm ăn, cũng có vài chủ người Bắc nhưng là thiểu số, kể cũng độc đáo vì đây là món ăn trong mâm cơm của những gia đình Bắc bộ. Đường vào nghề mỗi người một khác nhưng ở họ có một điểm chung mà nghe có phần hơi “kỳ quặc”, đó là ngày nghỉ đêm làm. “Dạo trước chưa quen nên lúc nào cũng ngái ngủ, nhất là những khi nhận cua rồi ngồi đợi người tới lấy. Giờ thì đến tối lại tỉnh như sáo, nhưng ngày không ngủ là không chịu được”, chị Bé Sáu, một chủ vựa kể.
Kiếm sống với cua
Cua đồng được đưa lên phố trong những bao xác mướp có trọng lượng 12kg. Trên đường vận chuyển, sẽ có một số chết hoặc dập nát, nên tại vựa cua được chia thành hai loại: cua sống và chết. Cua sống giá chừng 20.000đ/kg trong ngày thuận, những ngày trở trời hay con nước lớn, hoặc dịp lễ Tết, có thể lên đến 35 – 40 ngàn/kg. Cua chết bán giá rẻ hơn, chủ yếu cho những người về chế biến chả cua, thương lái các chợ ít mua vì không thể bày lâu, do cua mau bốc mùi. Cuối buổi chợ, nếu còn cua chết, chủ vựa sẽ cho xay ra, bỏ cho những mối bán bún quen, biết giờ ra lấy. Theo những người bán tại chợ thì hằng đêm, không kể số lượng cua nhiều hay ít, tất cả đều được tiêu thụ sạch.
|
Khi các bao đầy trên xe được chất gọn xuống vỉa hè, cũng là lúc chợ bắt đầu nhóm họp |
Dù ít hay nhiều, các vựa cũng cần có một lượng lao động nhất định. Đó là những người ngồi lựa cua sống và chết ra riêng sau đó vô bao trở lại để bán, người bốc hàng lên xe cho khách, người chạy giao hàng hoặc xay cua cho mối… Vựa nhỏ có đôi ba người phụ, lớn thì hơn một chục. Thời gian làm việc không quá dài, độ 3 – 4 tiếng đồng hồ, nhưng cũng giúp họ có một khoản thu nhập vừa đủ sống cả ngày: 200-250 ngàn/người/đêm. Anh Võ Viết Hùng, một chủ vựa khá lớn tại chợ giải thích: “Từ khi nhận cua từ xe đến khi trời sáng chỉ mấy tiếng, một mình làm không xuể vì mỗi đêm vựa phân phối độ hai đến ba trăm bao. Với lại làm ăn lớn là phải vậy, bây giờ sự tiện lợi là trên hết, nếu mình giao cua đến tận nơi cho người ta thì giữ được lòng tin và không bị mất bạn hàng”.
Chúng tôi ngồi tính nhẩm, chỉ riêng lao động phụ việc tại các vựa ở chợ cua này đã có cả trăm người, chưa kể cánh tài xế và phụ xe từ miền Tây lên. Đây là một con số đáng kể nhưng theo Tám Lẫy, một tài xế chở cua, thì không thấm vào đâu so với lượng lao động đi bắt cua. Anh kể, vì cua đồng hiện nay chưa có nhiều người nuôi nên phần lớn số cua trên thị trường là được bắt ngoài tự nhiên. Chuyện bắt cua vì lẽ đó đã không còn là thu nhập kiếm thêm lúc nông nhàn mà đã trở thành một nghề lớn nhỏ gì cũng có thể tham gia. Một người bắt giỏi một ngày được gần mười ký, nếu đem so với mười mấy tấn cua lưu thông mỗi đêm, chợ cua đồng này đã giải quyết thu nhập được cho hàng ngàn lao động miền Tây sông nước.
|
Một số người tới lấy cua đem về bán lẻ trên những chiếc xe rong trong các con hẻm nhỏ |
Chỉ có một điều còn băn khoăn, dù chỉ cá biệt, đó là do cua nhiều hay ít theo con nước (nhiều nhất là vào độ những tháng cuối năm), nên vài người đã tận dụng triệt để trong cách đánh bắt cua. Họ dùng rớ đặt ở những vùng nước sâu, với mồi khoai mì, bắt tất tần tật từ con cụ đến con nhi đồng, có khi dùng cả thuốc sâu bẫy cua cho nhanh và nhiều, nên tiềm tàng nguy cơ cua ngày càng ít đi. Ngoài ra việc nguồn nước sông đang ngày càng bị ô nhiễm do nước mặn, thuốc bảo vệ thực vật… cũng là nguyên nhân làm cho lượng cua giảm theo năm tháng. Có thể nói, nông dân sống nhờ cua đang cắn dần vào đuôi mình.
Chắc là, để ngôi chợ cua đồng mãi tồn tại như một nét chấm phá đồng quê giữa thành phố sầm uất này, để những người nông dân miền đồng bằng luôn có thêm nghề tay trái phòng khi thóc hiếm gạo lưng, cũng cần có một chút ý thức để giữ nghề từ họ, bằng việc phải bảo vệ đàn cua trời cho, không tận diệt, không ăn quả non.
Võ Quới
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.