Tuần Thánh là những ngày trọng đại nhất trong Năm phụng vụ với các nghi thức ý nghĩa và gây nhiều xúc cảm trong tâm hồn tín hữu.
ĐÊM PHỤC SINH LÂNG LÂNG CẢM XÚC
![]() |
Bà Nguyễn Thị Giám (Giáo xứ Tân Mỹ - TGP.TPHCM): Trong đêm canh thức, với nghi thức lặp lại lời hứa tuyên xưng đức tin, việc cầm trên tay ngọn nến Phục Sinh, thưa đáp các câu hỏi của cha chủ tế về nội dung trung thành bước theo ánh sáng Chúa Kitô và từ bỏ những thói hư tật xấu khiến tôi xúc động khó tả. Sau đó, nghi thức rảy nước thánh với những ca từ quen thuộc “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, alleluia...” cũng làm tôi thấy tâm hồn mình bị đánh động vì như được thanh tẩy, đổi mới. Trước ngày Tam nhật Vượt qua, ngắm 15 sự thương khó giúp tôi suy nghĩ nhiều về cuộc khổ nạn và tình thương vô bờ của Chúa khi mặc lấy thân phận con người để cứu độ nhân loại.
SUY NGHĨ VỀ TOÀN BỘ CUỘC KHỔ NẠN
![]() |
Ông Lê Tấn Phúc (Giáo xứ Tam Hải - TGP.TPHCM): Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có nghi thức hôn chân Chúa và trước đó là kiệu táng xác Chúa, là thời khắc để mỗi người có thể lắng lòng, suy nghĩ về toàn bộ cuộc khổ nạn của Đức Kitô để trở về và sống tốt hơn. Giáo xứ có trải bỏng ở dưới chân Chúa nên thường sau khi hôn chân, tôi bốc một nắm nhỏ, trân trọng đem về nhà.
LẮNG NGHE TRỌN VẸN LỜI CHÚA
![]() |
Ông Nguyễn Văn Hóa (Giáo xứ Chợ Cầu - TGP.TPHCM): Bài Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thường rất dài, nhưng với tôi, nó có một sức đánh động mãnh liệt, vì lúc nghe, tôi thường liên tưởng lại các sự việc đã xảy ra, những nơi mà Chúa phải đi qua, để thấm thía hơn những đau khổ mà Chúa phải chịu. Hơn nữa, bài Tin Mừng thường được trình bày bởi ba người đọc, tất cả đều đã tập dượt, chuẩn bị kỹ từ trước nên thường rất trôi chảy giúp cộng đoàn lắng nghe trọn vẹn Lời Chúa.
NÉT HỘI NHẬP VĂN HÓA
![]() |
Chị Trần Thụy Hạ Uyên (Giáo xứ Long Hương - GP. Bà Rịa): Trong Tuần Thánh, giáo xứ tôi có nhiều hoạt động sống đạo còn lưu giữ từ xa xưa. Ngắm 15 sự thương khó thì do giáo xứ gốc miền Bắc nên các người ngắm đều theo cung giọng miền Bắc; làn điệu ngắm thể hiện sự vận dụng sáng tạo của các bậc tiền nhân trong tiến trình hội nhập văn hóa. Còn khi dâng hạt, có cả các em thiếu nhi, điều đó thể hiện rằng không chỉ có những người lớn tuổi mới quan tâm đến nghi thức này.
CẦN PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU
![]() |
Ông Nguyễn Văn Kiệt (Giáo xứ Sao Mai - TGP.TPHCM): Nhờ tham dự phụng vụ trong Tuần Thánh, người tín hữu có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của tinh thần Kitô giáo. Tôi từng được chọn làm một trong 12 vị tông đồ để linh mục rửa chân. Với tôi, hình ảnh Chúa Giêsu cúi mình xuống trên chân các môn đệ trước khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể đã để lại bài học lớn về sự yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ. Qua đó tôi dành thời gian suy niệm thêm những điều Chúa Giêsu đã làm và luôn tự nhắc nhở mình là một Kitô hữu cần phải “rửa chân cho nhau”, cần phục vụ anh em mình hơn là được phục vụ.
Vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành một sắc lệnh, theo đó, có thể chọn phụ nữ vào số những người được rửa chân. Tôi nghĩ sự thay đổi về hình thức của nghi thức này không hề làm mất đi sự diễn tả đầy đủ ý nghĩa về cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly mà còn là để Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện một cách vô hạn trên mọi thân phận con người.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.