Thứ Năm, 19 Tháng Năm, 2016 14:57

Để bài giảng thêm thu hút

Bài giảng là một cách thức truyền thông của mục tử với dân Chúa, truyền đạt Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về đức tin… Do vậy, bài giảng luôn được các tín hữu coi trọng và mong đợi. 

BÀI GIẢNG HÀM SÚC

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (Gx Fatima Bình Triệu, TGP.TPHCM): Bài giảng lý tưởng khi các cha bám sát theo đề cương đã được soạn kỹ càng trước đó. Như vậy sẽ tạo nên một bài liền mạch, đi vào trọng tâm và có bố cục chặt chẽ. Bài giảng nên cập nhật thông tin theo sát với tình hình thực tế, ngoài trích dẫn Kinh Thánh, cũng nên dùng thêm bài viết hoặc tin tức của một vài tờ báo uy tín để minh họa cho các sứ điệp được Giáo hội công bố. Tôi cũng mong các cha đầu tư nhiều cho việc chọn câu chuyện để kể. Bài giảng dài hay ngắn không quan trọng bằng bài giảng có hàm súc hay không để giúp người dự lễ thấm nhuần và thực hành trong cuộc sống.

CHẠM ĐẾN THỰC TẾ CUỘC SỐNG

Anh Trần Mạnh Nhựt Thanh (Gx Bình Đông, TGP.TPHCM): ĐTC Phanxicô khuyến khích các linh mục hãy dùng những lời lẽ đơn giản khi giảng dạy và làm bài giảng ngắn gọn, có thời gian cân đối với toàn bộ buổi lễ. Riêng tôi rất muốn nghe những bài giảng có nội dung được trình bày rõ ràng, có lập luận và ví dụ cụ thể liên quan đến đời sống thực tế, hơn là suy tư Thần học cao siêu. Điều đó sẽ giúp các tín hữu ứng dụng Lời Chúa cách hữu hiệu hơn trong việc sống đạo. Bài giảng cũng cần xuất phát từ chính tâm tình và trăn trở của các cha. Những bài giảng như thế sẽ tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn với giáo dân. Tùy mỗi lễ có những đối tượng khác nhau tham dự, cần có những bài giảng phù hợp. Khi bài giảng quá dài dễ làm mất tập trung, giáo dân tham dự thánh lễ khó sốt sắng được.

ĐỂ LỜI CHÚA DỄ THẤM NHUẦN

Chị Nguyễn Thị Huyền Trân (Gx Bảo Lộc, GP Đà Lạt): Giảng lễ là một nội dung quan trọng trong phần phụng vụ Lời Chúa, nhưng không phải bài chia sẻ nào cũng lôi cuốn, để lại nhiều ấn tượng. Để mọi đối tượng giáo dân đều có thể hiểu và ghi nhớ, nên sử dụng ngôn ngữ bình dân thay vì những từ ngữ chuyên môn, đậm tính Thần học. Mặt khác, yếu tố hỗ trợ từ máy chiếu với những đoạn phim, clip minh họa cũng sẽ làm bài chia sẻ sinh động, thu hút hơn. Tuy nhiên, giảng hay thôi chưa đủ, cần phải lưu ý nói đúng, không sai lệch với nội dung giáo lý, Thánh Kinh và đường hướng của Giáo hội.

GẦN GŨI ĐỂ CÓ SỨC ĐÁNH ĐỘNG

Chị Nguyễn Thị Mai (Gx Tân Phú, TGP.TPHCM): Tôi thích được nghe những bài giảng tầm khoảng 10 - 12 phút, như vậy vị mục tử mới đủ thời gian để gợi lên được nhiều suy nghĩ. Tuy nhiên, bài giảng của các cha phải “chất lượng” mới đánh động được tâm hồn người nghe, nếu không sẽ làm cho nhiều người có cảm giác “chán”. Bản thân tôi thích được nghe những bài giảng liên quan đến các cảm nghiệm mục vụ của các cha hay chuyện của các thánh kết hợp với việc diễn giải Tin Mừng. Những câu chuyện như vậy thường có sức đánh động vì nó thể hiện sự gần gũi, thực tế và dễ hiểu với mọi người.

GIÚP GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH

Chị Nguyễn Nhã Trúc (Gx Đồng Tiến, TGP.TPHCM): Nhiều thánh lễ tôi tham dự, các cha giảng qua loa hoặc cứ giải nghĩa đoạn Tin Mừng như một khám phá mới, trong khi việc cắt nghĩa này không còn mới đối với phần đông giáo dân vì các bài Tin Mừng đều được lặp lại theo các năm A,B,C. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thánh lễ mà sau khi tham dự tôi vẫn nhớ mãi khi các cha đưa những liên hệ đời thường và cảm nghiệm của bản thân vào bài chia sẻ. Do đó, tôi nghĩ, muốn giáo dân trưởng thành, linh mục giảng lễ cần giúp giáo dân cảm nghiệm được Tin Mừng để ứng dụng vào thực tế và có những đóng góp tích cực cho xã hội và Giáo hội. Đồng thời, bài giảng cũng đừng chứa đựng nhiều ý tiêu cực, sẽ gây cảm giác nặng nề cho giáo dân tham dự thánh lễ. Một bài giảng tích cực sẽ khơi lên niềm hy vọng, hướng đến tương lai tốt đẹp.

“Bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể. Vì thế, do thừa tác vụ chuyên biệt, những ai được đề cử lo việc giảng dạy, phải rất quan tâm đến bổn phận này. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng. Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh; họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê”

(Tông huấn Verbum Domini của ĐTC Bênêđictô XVI, số 59).

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm