Từ vai trò “đối nội” trong gia đình, phụ nữ ngày nay còn dấn thân hơn với các hoạt động “đối ngoại” như tham gia vào những hoạt động công tác xã hội. Nhân ngày 8.3, cùng lắng nghe những suy nghĩ của chị em trong việc phát triển vai trò, khả năng của nữ giới thông qua các hoạt động và công tác xã hội vì cộng đồng:
CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN
Hoàng Thị Yêu (Giáo viên hưu): Là nam hay nữ, mọi người đều có nhu cầu tham gia vào các hoạt động xã hội. Vì thông qua đó con người sẽ cảm thấy vui vẻ, năng động và sống có ý nghĩa hơn. Tôi tham gia hội Legio Mariae, hội Bác ái Têrêsa Calcutta ở giáo xứ từ lâu. Tôi quan niệm đây cũng là một hoạt động ý nghĩa vì tính tương tác, gắn kết với cộng đồng. Qua những chuyến thăm viếng, trợ giúp người neo đơn, khó khăn, tôi luôn cảm nhận được tình người ấm áp. Dù đã ngoài 60 nhưng tôi tâm niệm còn sống ngày nào là còn phục vụ ngày đó và cho thì có phúc hơn nhận.
|
Chị Hoàng Thị Yêu |
TÂM HỒN NHẠY CẢM
Phạm Thị Ánh Tuyết (Q. Gò Vấp - TP.HCM): Ban đầu, tôi gặp nhiều trở ngại khi tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội ở khu phố, ở giáo xứ. Khó khăn nhất chính là tìm sự ủng hộ từ phía gia đình. Nhưng về sau mọi người trong gia đình tôi đã hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và thậm chí các con tôi cũng tham gia khi chúng có điều kiện. Tính ra đã 20 năm nay, tôi cùng những chị em khác thường xuyên đến với những bệnh nhân phong hay những người có hoàn cảnh bất hạnh, tàn tật và đặc biệt là các em cô nhi hay viện dưỡng lão. Tôi nhận ra rằng dù tham gia các cộng đoàn hay hội đoàn nhỏ bé nhưng đó là cách để bản thân mình trau dồi tinh thần bác ái quảng đại và góp phần để xã hội tốt đẹp thêm. Tôi nghĩ đây cũng là thế mạnh và là thuận lợi của phụ nữ vì họ có tâm hồn nhạy cảm và luôn chú ý đến những điều nhỏ nhặt hơn mà nam giới khó có thể quán xuyến hết được.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết |
KHÔNG CÓ SỰ PHÂN BIỆT
Đinh Nguyễn Ngọc Thúy Vy (Q.Thủ Đức - TPHCM):Tôi tham gia công tác xã hội lúc còn là sinh viên. Khi đó, chỉ vì thích và muốn thay đổi bản tính rụt rè, nhút nhát của mình. Sau khi ra trường, những điều mình đã trải nghiệm thời sinh viên thôi thúc tôi tiếp tục dấn thân vào các chuyến công tác xã hội. Hiện tại, tôi đang tham gia trong nhóm Phượt từ thiện Sài Gòn, chọn nâng đỡ cho các em thiếu nhi ở những vùng khó khăn. Là phái nữ, khách quan mà nói, có nhiều vấn đề hạn chế nên không thể xông pha như nam giới. Nhưng riêng bản thân tôi cảm thấy không có sự phân biệt nào giữa hai giới trong tinh thần cống hiến, hy sinh. Mong sao các chị, các bạn gái đừng ngần ngại tham gia vào các hoạt động xã hội và đó là cũng là cách nâng cao giá trị bản thân cũng như vị thế của nữ giới trong xã hội.
![]() |
Chị Đinh Nguyễn Ngọc Thúy Vy |
CẦN CÓ THÊM SỰ ỦNG HỘ
Đặng Thị Mỹ Phương (Nhân viên văn phòng):Người phụ nữ phải cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc, cũng như các hoạt động khác. Theo tôi, muốn các chị em có thời gian tham gia các hoạt động hay công tác xã hội cần có sự hỗ trợ tích cực từ người chồng cũng như không còn gặp những rào cản không cần thiết từ cách nhìn của xã hội.
|
Chị Đặng Thị Mỹ Phương |
NAY ĐÃ KHÁC XƯA
Trần Thị Nhung (Q.Thủ Đức -TP.HCM): Làm công tác xã hội hay tham gia các hoạt động vì cộng đồng chắc chắn không phải là việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mà đó là lòng nhiệt tình sống muốn đóng góp cho xã hội và thu về những giá trị tinh thần lớn lao cho chính bản thân. Tuy vậy, không phải chị em nào cũng hiểu được điều này. Trước đây, phụ nữ vốn gặp nhiều trở ngại khách quan khi ra ngoài xã hội dẫn đến những tình trạng bất bình đẳng giới nhưng nay đã khác trước. Rõ ràng khi ra ngoài tiếp xúc nhiều với mọi người, được đứng ra tổ chức hay hoạt động với nhiều công tác xã hội khác nhau sẽ giúp phụ nữ tự tin và hiểu biết hơn. Và điều này là vô cùng quan trọng trong việc tạo nên tinh thần độc lập, tự chủ cho phái nữ.
|
Chị Trần Thị Nhung |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.