Gửi trao nhau lời chúc đầu năm mới là một phong tục quen thuộc trong văn hóa Việt. Thế nhưng cảm xúc, suy nghĩ của mỗi người trong việc trao - nhận lời chúc Tết không phải với ai cũng giống nhau. Và với ai đó lời chúc ngày xuân có khi còn là những kỷ niệm khó quên. Ngày xuân mới cùng lắng nghe những câu chuyện, những tâm tư của bạn đọc quanh câu chuyện chúc Tết:
CHÚC NHAU PHẦN THIÊNG LIÊNG
LM. Giuse Đỗ Mạnh Cường (Giáo xứ Thái Bình, hạt Xóm Mới - TPHCM): Đầu năm gặp mặt nhau thường đi cùng với những lời chào, những câu hỏi thăm và những lời chúc tốt đẹp. Mọi người đều chúc nhau điều lành đến trong năm mới, gia đình hạnh phúc, con cái khôn lớn, công việc suôn sẻ, tiền bạc thêm nhiều... nhưng tôi thấy rất ít khi chúng ta chúc nhau về phần thiêng liêng, trong khi đó là căn tính của người Kitô hữu. Tôi nghĩ đây là một điều đẹp đẽ mà nhiều gia đình Công giáo chúng ta đã bỏ qua. Chúng ta có thể gửi đến nhau những lời chúc năm mới một cách chung nhưng mà cũng có thể theo một cách riêng. Ví dụ, mỗi năm Giáo hội toàn cầu hay Giáo hội địa phương thường có một chủ đề riêng để người tín hữu soi chiếu. Vậy tại sao chúng ta không dựa theo đường hướng chung của Giáo hội và Hội đồng Giám mục đề ra để chúc nhau những điều tốt đẹp, ý nghĩa nhất. Còn gì quý giá bằng đầu năm mới chúng ta chúc và nhận được những lời chúc tốt lành về phần hồn thiêng liêng... Rồi còn những lời chúc mang mầu sắc con nhà đạo như chúc cho nhau thêm nhiệt thành trong việc cộng tác với nhà Chúa, cho giáo xứ thêm phát triển về mọi mặt để khích lệ nhau, thêm gắn bó với nhau...
|
Lm Giu-se Đỗ Mạnh Cường (Giáo xứ Thái Bình - Hạt Xóm Mơi, TPHCM) |
ĐỂ CÂU CHÚC ĐẸP VÀ HAY
Nguyễn Ngọc Sức (Buôn bán): Tôi cũng đã có tuổi nhưng trong ngày Tết khi nhận được câu chúc kiểu: “Chúc ông/ chúc bác sống lâu trăm tuổi” thì lại cảm thấy không vui vì có cảm giác chỉ là câu cửa miệng, khuôn sáo. Thay vào đó tôi nghĩ nên chúc “sống vui, sống khỏe” hoặc “sống bình an, thanh thản” nghe có ý nghĩa và tâm tình hơn, bởi tuổi già quý trọng điều ấy hơn sống thọ “trăm năm” mà đầy phiền muộn. Một điều nữa là khi chúc ai đó, người trẻ cần lưu ý đến nghề nghiệp, trình độ, địa vị xã hội của họ để lựa chọn lời lẽ, câu cú sao cho xuôi tai, chứ đừng cường điệu, sáo ngữ quá, chẳng hạn gặp ai cũng chúc “làm ăn phát tài phát lộc”, trong khi có người chỉ là công nhân, tạp vụ... Lời chúc hay nhất theo tôi không phải là lời chỉ hoa mỹ nghe vui tai mà nó phải thích hợp. Như tôi đây là trưởng ban Caritas của giáo xứ, dịp Tết phải thường chúc xuân các hội viên trong ban, ngoài những lời cầu chúc chung chung là luôn có tâm hồn quảng đại, sẻ chia, với riêng mỗi người tôi sẽ có câu khác kèm theo. Bởi tôi nghĩ, một lời chúc xuân ý nghĩa là nó phải ngắn gọn, súc tích và thể hiện được sự quan tâm của mình thật sự với người đó.
|
ông Nguyễn Ngọc Sức |
GIỮ GÌN NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG
Phạm Thị Thanh Tuyền (Q.Tân Bình, TP.HCM): Chúc tuổi nhau là một cử chỉ đẹp trong những ngày đầu năm mới. Mọi thành viên trong gia đình cùng quây quần dưới một mái nhà, người nhỏ chúc Tết người lớn và người trên đáp lại lời chúc người dưới. Hình ảnh đó mỗi năm chỉ một lần nhưng với tôi đó cũng là một cách giáo dục đạo nghĩa cũng như thể hiện sự quan tâm, trân trọng dành cho nhau. Tuy nhiên tôi thấy rằng trong chuyện gửi nhau lời chúc Tết ngày nay còn có vài chuyện cần nói tới. Như trong cách dạy trẻ con chúc Tết người lớn phải lưu ý dạy các bé hiểu hơn là thuộc làu làu như cái máy... Hạn chế dùng các tin nhắn kiểu công thức và gửi đi hàng loạt... Ngoài ra, đặc biệt đối với người Công giáo chúng ta có thể chúc nhau những lời chúc mang nét con nhà đạo hoặc tặng nhau một tờ lộc xuân như một lời nhắn gửi ý nghĩa.
![]() |
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền |
ĐỂ TÂM VÀO LỜI CHÚC
Trịnh Thị Cẩm Tú (Nhân viên văn phòng):Mỗi năm Tết đến, tôi đều nhận được những lời chúc tốt lành. Sớm nhất là những tin nhắn chúc Tết của các bạn từ thời khắc giao thừa đêm 30. Những lời chúc Xuân hầu hết na ná như nhau, bản thân tôi nói thật cũng rất ít để ý, chẳng mấy khi nhớ được ai đã chúc mình điều gì. Nhưng có một năm, tôi nhận được “lộc” từ một người bạn, cái “lộc”này làm tôi nhớ mãi. Năm đó tôi đang học lớp 12, ngày đầu năm bạn nhắn tin chúc đậu đại học kèm theo những lời động viên sẽ cùng nhau cố gắng và những dự định tươi sáng khi cả hai bước vào giảng đường đại học. Cũng nhờ lời chúc đó, ngay trong những giây phút đầu tiên của năm mới tôi đã luôn nhắc nhở bản thân không được quên lời hứa cùng bạn vào đại học. Tôi như có thêm động lực để hoàn thành kỳ thi của mình vì biết luôn có một người bạn cùng đồng hành. Năm đó tôi đậu đại học. Dĩ nhiên kết quả đó là do tôi cố gắng nhiều nhưng tôi nhận ra thông điệp yêu thương còn có thể gửi gắm vào cả lời chúc xuân. Từ đó tôi quan niệm khi trao những lời chúc thực lòng, phù hợp sẽ mang lại niềm vui rất lớn cho người được nhận. Mong sao những lời chúc đầu năm được mọi người “đầu tư”, để tâm vào hơn để ngày Xuân càng thêm ý nghĩa.
|
Chị Trịnh Thị Cẩm Tú |
LỜI CHÚC TÁC ĐỘNG NHẤT ĐỜI TÔI
Phạm Thị Loan (Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Q.3 - TPHCM ): Trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn về kinh tế, dù sau đó cuộc sống có khá hơn nhưng tôi vẫn thói quen tiết kiệm có phần ky bo. Nói chung là luôn ở thế thủ vì sợ lại lâm vào cảnh khổ. Lúc đó tôi đã không hề giúp đỡ hay chia sớt với ai một thứ gì. Giáo xứ quyên góp tiền cho người nghèo nhưng tôi không hề tham gia. Quần áo cũ của các con, tôi mang bán rẻ chứ không làm từ thiện. Chẳng những thế tôi sợ mình thiệt thòi nên lúc nào cũng có thể tranh chấp quyền lợi với mọi thứ và mọi người. Nói chung, tôi luôn muốn mình nhận chứ không muốn cho. Cho đến một ngày, tôi nhớ rất rõ là vào Tết năm 2000, cô em kết nghĩa của tôi đến chúc tết một câu làm tôi giật mình: “Năm mới cũng như thiên niên kỷ mới, em chúc chị biết cho đi. Vì cho đi tức là chị có mới cho. Còn khi chị nhận tức chị không có mới nhận. Cho đi nhiều chị sẽ có nhiều...”. Tôi như sáng ra nhiều điều và chẳng hề giận cô ấy mà trái lại còn rất cám ơn vì lời chúc rất chân thành. Tôi đã tập cho đi nhiều hơn. Trong những lần quyên góp từ thiện của giáo xứ hay địa phương sau này tôi đều tham gia. Tôi sẵn sàng giúp đỡ người lỡ đường, an ủi người đang buồn phiền... Cũng từ đó tôi thấy lòng mình nhẹ đi, cuộc sống thật thanh thản... Có lẽ nhờ vậy mà may mắn luôn đến với tôi. Con cái thành đạt, gia đình hạnh phúc. Rất đúng với câu khi cho sẽ được nhận. Đó có lẽ là lời chúc ấn tượng và tác động nhất đời tôi.
|
Bà Phạm Thị Loan |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.