LO LẮNG CHUYỆN ĐI LẠI
Nguyễn Thị Liên (Bán hàng rong): Ngày Tết đến ai cũng muốn về quê sớm để sửa soạn nhà cửa, sum họp người thân. Nhưng với những người buôn gánh bán bưng như tôi, ngày cận Tết lại là dịp bán chạy hàng nên năm nào cũng cố nán lại thành phố để kiếm thêm chút ít. Cuối cùng cũng chẳng dư giả được bao nhiêu vì tiền tàu xe về quê ngày Tết rất đắt, lại phải chờ chực xếp hàng vô cùng mệt mỏi. Năm nào tôi cũng nghe ngóng vé xe, vé tàu từ trước Tết cả mấy tháng, hy vọng câu chuyện sẽ dễ thở hơn, nhưng mọi chuyện vẫn nguyên như cũ. Có năm tôi đành phải về quê những ngày sau Tết để con cái có thêm chút tiền mua sách vở.
![]() |
VỪA MONG VỪA SỢ
Trần Thị Mỹ Hoa (Công nhân): Mặc dù mỗi năm tôi đều có tiền thưởng Tết nhưng chỉ cần đi chợ, siêu thị sắm sửa, loáng cái chẳng còn dư. Tết nhất lại không thể thiếu bánh mứt, hoa quả, cá thịt... Ngay cả những món vốn ngày thường ít mua vì tiết kiệm, dịp này cũng buộc phải mua, thậm chí phải mua nhiều. Ngoài ra, nhà tôi và nhà chồng đều đông anh chị em, họ hàng nên khoản tiền chi ra để biếu quà không phải nhỏ. Chưa kể đến việc lì xì cho con cháu. Nhiều người mang tâm trạng như tôi vừa mong vừa sợ Tết!
![]() |
CHUYỆN PHONG BAO LÌ XÌ
Lê Thị Mai (Đồng Nai): Phú quý sinh lễ nghĩa, chuyện lì xì Tết bây giờ cũng là một áp lực lớn. Tôi thấy ngày trước, chỉ cần vài ba nghìn đồng tiền mừng tuổi, trẻ con đã sướng rơn. Còn bây giờ, dưới 10.000 đồng là quá ít. Nhà tôi có rất nhiều cháu nhỏ nên năm nào tôi cũng phải lo thêm một khoản kha khá theo “giá thị trường”. Đấy là chưa kể khoản tiền mừng tuổi con sếp, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm… Chuyện lì xì cho “sắp nhỏ” có lẽ không chỉ làm khó mình tôi. Cũng tội cho trẻ con nếu bỏ đi tục lệ này. Nhưng cũng thật ngao ngán nếu mỗi phong bao phải ít nhất vài chục ngàn!
![]() |
NIỀM VUI ĐÁNH ĐỔI
Đào Thị Luận (quê Quảng Ngãi) : Cả một năm làm gì, dù cực đến đâu, tôi cũng gắng tiết kiệm tiền cho gia đình mỗi dịp cuối năm. Ngoài ra là vé tàu về quê, sắm sửa Tết cho ba mẹ, con cái trong thời buổi vật giá leo thang… Cả một gánh nặng trên vai với trăm thứ lo. Thôi thì ba ngày Tết được sum vầy bên chồng con là niềm vui đánh đổi!
ÁP LỰC VỀ QUÊ
Nguyễn Văn Nhờ (quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang): Hiện nay, tôi đang phụ việc cho một quán cơm. Tiền lương hằng tháng không nhiều. Tôi lại là một trong những lao động chính nên Tết đến phải thu xếp một số tiền và quà cáp để gửi về quê trước cho gia đình chuẩn bị Tết. Lên thành phố kiếm sống được vài năm nhưng mãi đến năm nay tôi mới dám mạnh dạn về quê. Không phải năm nào gia đình tôi cũng họp mặt đông đủ. Ai chả muốn về quê ăn Tết nhưng đâu phải dễ dàng!?
![]() |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.