Thứ Năm, 25 Tháng Hai, 2016 23:17

Giáo dục...

Mỗi sáng, tại chân cầu Trần Quang Diệu bắc qua kinh Nhiêu Lộc, người Sài Gòn hay bắt gặp hình ảnh một bà cụ tóc trắng như cước, đem theo một túi nhiều loại thức ăn đóng hộp khác nhau, gương mặt toát lên niềm vui viên mãn, cần mẫn, chăm chút vãi từng nắm cám hột công nghiệp xuống dòng nước cho lũ cá quẫy đuôi đón mồi.

Bóng đổ xéo, cụ vẫn nhẹ nhàng tới tới lui lui dọc các lan can : nơi này là thức ăn trong hộp nhỏ, chỗ nọ thì lấy cám trong hộp to...

Quá đẹp trong ánh bình minh !

Lạ một điều, cá lên mặt nước thời điểm ấy rất nhiều, nhưng tuyệt không thấy bóng một tay “câu tặc” nào, dù giới này vốn luôn “mai phục” suốt con kinh đang trở mình uốn lượn trong lòng thành phố.

Hỏi cụ bắt đầu ý tưởng này từ đâu, cụ móm mém nói từ khi vô tình dạo kinh tập thể dục, thấy được những con cá ốm nhom trong giỏ dân câu trộm. Nghĩ phải cho cá ăn, nghĩ dài hơn là phải để dân câu động lòng, xa hơn nữa là để họ mắc cỡ mà dẹp cần... Vậy là làm, mà họ “trốn thiệt”, ít là quanh những điểm cụ rải cám nuôi cá...

Miên man về hình ảnh của bà cụ nhân hậu giữa phố xá phồn hoa, bất chợt liên tưởng tới những cách giáo dục xơ cứng, nặng tính khẩu hiệu, nên ít đi vào tâm thức người lãnh giáo. Các bài học đạo đức cho học sinh ở trường đâu thiếu những nhắc nhở về lòng bao dung, về ý thức công cộng, về việc tiết chế bản thân, sự liên đới..., nhưng vì, đó là những nội dung của môn giáo dục công dân vẫn bị xem là môn học phụ, giáo viên chủ yếu dạy bằng câu chữ khô khan, chưa biến lý thuyết thành các kỹ năng về lối sống, nếp sống, cách ứng xử giữa người với người. Vậy nên, người ta vẫn tranh nhau giật lộc khi viếng cảnh chùa đến cả ngất xỉu, vẫn bình thản quay clip hoặc đứng xem một nạn nhân chấp chới chuẩn bị chìm dưới hồ..., mà báo chí tuần rồi liên tục đưa tin khá đậm.

Giáo dục khi không có những bài học thực tế, dạy dỗ điều to lớn chỉ trong bốn bức tường lớp học hạn chế tầm mắt, nhồi nhét chỉ tiêu, nên việc chứng kiến cái xấu, cái ác mà không có cảm giác bất bình, không căm tức, không phẫn nộ; nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú; thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can; sẵn sàng làm điều trái với lợi ích cộng đồng, hủy hoại môi sinh... là điều có thể lý giải. Xã hội gọi thái độ này bằng một từ đầy tính đánh động : vô cảm. Đức Thánh Cha Phanxicô thì giải thích rõ hơn : “Một người vô cảm thường không tìm tòi, không hỏi han tin tức, và sống sự sung túc cũng như sự tiện nghi của mình trong sự điếc lác đối với tiếng kêu đầy đau khổ của nhân loại khổ đau. Không nhận ra được rằng, bản thân đã trở nên bất khả trong việc cảm thấy mình có sự đồng cảm đối với người khác, đối với sự bất hạnh của tha nhân. Không còn quan tâm tới việc chăm sóc cho họ, đến nỗi không còn muốn biết xem điều gì đang xảy ra với họ, coi việc chăm sóc họ như là một trách nhiệm đang nằm xa và chẳng liên quan gì tới mình...” (trích Sứ điệp Hòa Bình 2016).

Trở lại câu chuyện của bà cụ bên kinh Nhiêu Lộc : bà, chứ không ai hết, là nhà giáo dục tuyệt vời, bằng một cách làm bé tẹo, nhưng không phải ai cũng nghĩ ra...

Công giáo và Dân tộc

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm