Thứ Năm, 03 Tháng Mười Hai, 2015 16:19

Giúp người khuyết tật hội nhập

Người khuyết tật (NKT) đòi hỏi, mong ước hội nhập vào xã hội và tự sống bằng khả năng của mình. Điều này cũng chính là những thao thức của đội ngũ đang chăm sóc, hỗ trợ NKT.

CẦN ĐƯỢC ƯU TIÊN

Nữ tu Anna Lê Thị Vân Nga (Giám đốc Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng – quận Thủ Đức – TPHCM): Để NKT được hòa nhập vào xã hội, họ cần được học văn hóa, học nghề và quan trọng hơn là việc làm để có thể sống hòa nhập bằng chính khả năng của mình. Ngoài ra, những nơi công cộng cần phải được ưu tiên cho NKT như nhà thờ phải có làn đường cho xe lăn, phương tiện giao thông công cộng có chỗ dành riêng, công viên cần bỏ những rào chắn...

HÃY XEM CHÚNG TÔI NHƯ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

Nguyễn Nữ Ngọc Nhi (Phụ trách khuyết tật Caritas GP Phú Cường): Bản thân cũng là một NKT nên tôi có thể hiểu được chúng tôi mong muốn gì. Điều chúng tôi cần không phải là tiền tài hay danh vọng mà là không còn rào cản để được hòa nhập cộng đồng. Rào cản đó đến từ gia đình, bản thân và xã hội. Gia đình quá đùm bọc, sợ con bị tổn thương nên bao bọc không cho ra ngoài. Xã hội thì cho rằng NKT đáng thương, tội nghiệp, không thể làm được gì. Do vậy, NKT sợ tất cả, sợ gặp, sợ nói chuyện, dần tự cô lập vì không còn tin vào bản thân. 

Hãy nâng đỡ chúng tôi, đừng gọi bằng những cụm từ miệt thị như mù, què, câm, điếc; giúp nhiều cơ hội gặp gỡ để có thể trò chuyện, giảm bớt sự cô đơn; giúp môi trường cống hiến để thể hiện khả năng; giúp điều kiện học tập, học kỹ năng sống và hãy để chúng tôi tự quyết định và chịu trách nhiệm trong cuộc sống. NKT rất đa dạng về các tật bệnh nên hãy giúp bằng những công việc, cách thức và phương pháp phù hợp.

CÓ CÁI NHÌN TÍCH CỰC HƠN

Cecilia Võ Thị Khoái (Hiệu trưởng trường Chuyên biệt Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM): Nhiều năm làm công tác quản lý, tổ chức dạy học cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ và mắc bệnh Down, chúng tôi luôn trăn trở về cách định hướng, can thiệp làm sao, như thế nào để giúp học sinh phát triển tốt hơn và được cộng đồng dang tay đón nhận. Hạn chế giao tiếp, tương tác xã hội yếu kém, sợ môi trường mới lạ... là đặc điểm của các em nên ngoài việc phát triển tư duy nhận thức, đọc viết, tính toán cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống tự lập, có hành vi thích hợp nơi công cộng, biết giải quyết vấn đề, đề đạt khi có nhu cầu... Hiện tại, thỉnh thoảng chúng tôi đưa các em đi hồ bơi, công viên, ăn gà rán KFC hay biểu diễn văn nghệ, thăm trung tâm thương mại để dần mở rộng kỹ năng, phạm vi tiếp xúc. Trong một xã hội hiện đại, chúng tôi chỉ mong mọi người có cái nhìn tích cực hơn về những đứa trẻ “đặc biệt” này.

CON ĐƯỜNG HÒA NHẬP

Nữ tu Têrêsa Dương Thị Hiền (PGĐ Trường khuyết tật - Mồ côi Nhân Ái, Cà Mau): Nhiều năm đồng hành cùng các em khuyết tật, tôi nhận thấy trước hết phải giúp các em có thể sinh hoạt bình thường như mọi người. Ngoài ra, đa số đều có những năng khiếu, sự nhạy bén riêng, người đồng hành phải tạo điều kiện để các em có thể bộc lộ được khả năng ấy. Vì vậy, chúng tôi cố gắng giúp các em có thể phục hồi được các chức năng, từng ít, từng ít một và có một nghề như may vá thêu thùa, đàn hát, làm đồ thủ công. Có nghề, các em sau này có thể nuôi sống mình như bao người bình thường, không phải phụ thuộc vào người khác.

THIẾU NHIỀU HỖ TRỢ ĐẶC BIỆT

Vũ Hồng Vi (Đặc trách ban Hỗ trợ người khuyết tật, Caritas TGP. TPHCM): Công việc hiện tại của tôi là chăm lo cho những trẻ em bại não và những người cụt chi đang sinh sống tại cộng đồng, cụ thể là giúp phục hồi chức năng trẻ bại não và ráp chân giả. Gia đình có trẻ khuyết tật thường mang tâm lý buông xuôi, phó mặc mà chưa quan tâm đúng mức về phục hồi chức năng và hòa nhập cho trẻ. Xã hội ngày nay vẫn còn thiếu rất nhiều hỗ trợ đặc biệt cho người khuyết tật. Các nhà thờ, trung tâm, lớp học cần tiếp cận, nghiên cứu giúp người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển và tham gia sinh hoạt. Các cơ sở cơ khí cần có thêm những sáng chế và hoàn thiện những dụng cụ thích nghi cho người khuyết tật.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm