Thứ Sáu, 05 Tháng Hai, 2016 00:52

Hội nhập quốc tế

Đây là một đề tài nóng hổi, gần đây và sau này. Năm nay thay vì nói về tình hình kinh tế năm ngoái - của quá khứ - xin mời độc giả đi vào một đề tài mới -của tương lai - một cách ngắn gọn.

Hội nhập quốc tế (HNQT) là gì ?

Ta nói là HNQT thì thế giới họ bảo là hội nhập kinh tế (economic integration) và toàn cầu hóa (globalization); sở dĩ vậy là vì trước kia ta đứng ngoài mãi đến gần năm 2000 mới bắt đầu tham gia. HNQT là sự trao đổi giữa các nước với nhau về bốn lãnh vực : hàng hóa, dịch vụ (lập các công ty bán hàng nhập, siêu thị), đầu tư (chuyển tiền ra vào để lập công ty) và thu tiền nhờ có nắm quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hóa, tác quyền, phần mềm), ngày càng nhiều hơn và dễ dàng hơn. Người ta gọi đó là tự do hóa thương mại. Bốn lãnh vực này không có ngay một lần mà xuất hiện từ từ theo mức độ phát triển kinh tế trên thế giới.

Quá trình hội nhập trên thế giới được bắt đầu bằng một văn kiện về việc trao đổi hàng hóa và mức thuế quan, gọi là GATT (Thương mại và Thuế quan) giữa 23 nước vào năm 1947. GATT đạt được các bước tiến nhất định về thuế quan, nhưng nó vẫn khuyến khích các nước tự do hóa thương mại nhiều hơn; do đó vào 1995, tổ chức WTO (Thương mại Thế giới) được lập với 123 thành viên. Tuy là thành viên của WTO, nhưng có các nước hay nhóm nước riêng lẻ đồng ý “làm ăn riêng với nhau” trên nền tảng của WTO; do vậy họ ký Thỏa ước FTA (Tự do Thương mại) rồi TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) mà ta đã nghe biết. Khi HNQT, năm 2007, Việt Nam tham gia WTO, sau đó  cho đến nay đã ký 12 FTA, và gần đây đã thỏa thuận xong về TPP. Ký kết các văn kiện này ta phải đáp ứng các yêu cầu về HNQT, được ấn định cho các nước tham gia. 

Các yêu cầu khi HNQT

Ta tham dự WTO, nhưng trong WTO có GATT, nên ta sẽ bắt đầu với GATT, sau đó sang các văn kiện khác. GATT được ký kết để tránh cho chiến tranh không tái diễn nữa. Tuy nhiên Mỹ không ký! Trong GATT các nước thỏa thuận cắt giảm thuế quan cho hàng hóa và bãi bỏ những cản trở khác làm cho hàng hóa không được tự do mua bán qua các nước (như hạn ngạch, giấy phép, phụ thu…); GATT còn chấp nhận hai nguyên tắc khi mua bán hàng hóa là “hàng của anh vào nước tôi sẽ được tôi đối xử như tôi làm với các nước khác” (nguyên tắc tối huệ quốc) và “sau khi hàng của anh đã vào nước tôi rồi thì chúng cũng sẽ được đối xử như hàng của xứ chúng tôi” (nguyên tắc đối xử quốc gia). Để đề phòng sự lợi dụng việc tự do hóa thương mại, GATT ấn định vài biện pháp đề phòng như chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Tác dụng chính của GATT có thể thấy qua thí dụ sau. Nước A bán lúa mì sang nước B. Trước khi có GATT, bột mì của nước A có giá 1000$, khi sang nước B, nó phải chịu mức thuế quan 30%, vậy giá bán ở nước B sẽ là 1300$; nay nhờ cả hai tham gia GATT, thuế quan cho bột mì giảm xuống 10% thì lô hàng kia sẽ có giá bán 1100$. Vậy sau khi có GATT, bột của nước A sẽ dễ bán hơn trong nước B vì rẻ hơn trước. Thế nhưng, GATT chỉ quy định một lãnh vực là hàng hóa.  Sở dĩ vậy là vì khi GATT được ký kết thì nền kinh tế thế giới chưa phát triển lắm. Về sau, thương mại thế giới phát sinh những lãnh vực mới như cung cấp dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Do vậy GATT bị lạc hậu.  Hơn nữa nó chỉ là một thỏa ước, các nước tham gia đồng ý làm, chứ không bắt nhau làm được (không có chế tài). Khi thỏa thuận với nhau về mức thuế quan trong GATT, hai nước có nhiều hàng mua bán với nhau nhất sẽ họp bàn về mức thuế quan áp dụng cho hàng hóa của nhau. Mức thuế của những mặt hàng được hai nước này đồng ý sẽ được áp dụng chung cho tất cả các nước khác nằm trong tổ chức. Ta có nguyên tắc “từ 2 bên ra 100 bên”. Để khắc phục sự lạc hậu của GATT, và do sự phát triển của thương mại, WTO được lập. Nó là một tổ chức, chứ không còn là một văn kiện như GATT nữa và bao trùm thêm ba lãnh vực mà GATT không có. Nó vẫn áp dụng các nguyên tắc và biện pháp của GATT nhưng chính thức hóa các biện pháp về kiểm dịch động thực vật (SBS) và các đặc tính kỹ thuật (TBT). Ngoài ra, nó có một tòa án để các nước hội viên thưa nhau khi có ai vi phạm vào những điều đã cam kết. Việt Nam khi HNQT là tham gia vào WTO.

WTO hiện có hơn 160 nước hội viên. Mức thuế quan mà các nước áp dụng xuất phát từ nguyên tắc “2 bên ra 100 bên”. Vậy trong số 100 nước kia sẽ có những nước muốn cắt giảm thuế quan nhiều hơn, muốn cho các ràng buộc về cung cấp dịch vụ, đầu tư được nới lỏng hơn nữa. Do vậy, có những nước, hay nhóm nước trong WTO xé lẻ để thỏa thuận với nhau nhiều hơn WTO. Từ đó có các FTA được ký kết. Ta cứ tưởng tượng WTO như là một cái nong lớn. Bây giờ trong cái nong kia có hai cái mẹt ký kết với nhau một FTA. Giữa hai bên với nhau, họ áp dụng FTA; với các nước khác họ làm theo quy định của WTO. 

Thường thường trong FTA hai bên cắt bỏ thuế quan nhiều hơn so với WTO cho những loại hàng xuất nhập của họ; họ mở rộng các loại dịch vụ và đầu tư. Về quyền sở hữu trí tuệ họ vẫn giữ như trong WTO. Thí dụ trong FTA với Hàn Quốc, Việt Nam cho phép thêm dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính. Hàn Quốc giảm thuế quan nhiều cho nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, v.v… Việt Nam cắt giảm thuế quan cho các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… Đây là những mặt hàng hai nước mua bán với nhau nhiều nhất. Vì thế có những hàng mà thuế quan là 30% trong WTO thì sang FTA giảm còn 10% hay bỏ luôn.

Tương tự như FTA, trong khu vực Thái Bình Dương, ta cùng 11 nước nữa muốn đi xa hơn và đã thỏa thuận về TPP trong tháng 10/2015. TPP dài hơn FTA nhiều. Ngoài những lãnh vực ở FTA, nó thêm các lãnh vực khác như Internet và nền kinh tế số, sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước vào thương mại và đầu tư quốc tế, khả năng của các doanh nghiệp nhỏ trong việc tận dụng các hiệp định thương mại, lao động, môi trường. Ngoài ra nó còn các chương về “các vấn đề xuyên suốt” nhằm bảo đảm Hiệp định TPP đạt được tiềm năng của mình về phát triển, tính cạnh tranh và giải quyết tranh chấp; và các điều khoản về thể chế. Vì lẽ này TPP được gọi là FTA thế hệ mới.

Tác động của HNQT đối với chúng ta

Đối với chúng ta - người dân trong nước - tác động của HNQT được thấy đầu tiên là qua hàng hóa. Khi thuế quan được hạ thấp thì ta sẽ nghe thấy hàng xuất khẩu của ta gia tăng; đồng thời khi vào siêu thị, cửa hàng, hay vào trang web sẽ thấy hàng ngoại nhập cũng nhiều. Cùng với hàng hóa là sự xuất hiện nhiều văn phòng, cửa hàng cung cấp dịch vụ : siêu thị, công ty nhập quần áo trẻ con… Sở dĩ vậy là vì có thêm những công ty nước ngoài đầu tư vào ta nhờ sự thông thoáng của các quy định về dịch vụ và đầu tư. Đồng thời chúng ta cũng thấy các vụ kiện tụng về bản quyền, hàng giả … gia tăng; vì khi bị buộc phải tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài thì các công ty trong nước cũng biết đòi lẫn nhau! Đó là một mặt của HNQT. Người tiêu dùng được hưởng lợi. Mặt khác, chúng ta cũng sẽ đọc trên báo chí là có doanh nghiệp trong nước của ta làm ăn khó khăn, thua lỗ; thậm chí thấy người bạn của mình bị mất việc vì “công ty nó làm” đóng cửa!  Sở dĩ vậy là vì hàng hóa mà doanh nghiệp sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng từ ngoài nhập vào. Hàng ngoại rẻ và tốt thì người mua bỏ hàng Việt dù có khuyến khích “ta về tắm ao ta”. Khi nói về sản xuất của một doanh nghiệp thì sẽ nói đến nhiều thứ, từ nguyên liệu, chế biến, giá nhân công đến các thủ tục hành chính, giá vận chuyển … Do HNQT, nhiều hàng từ nước ngoài nhập vào thì các vấn đề trên trở nên những thách thức mà các doanh nghiêp của ta phải đương đầu. Có thể họ khắc phục được, có khi đầu hàng! Khả năng khắc phục trông thấy được thì chỉ có ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài; vì trình độ quản trị, vốn liếng họ nhận được từ công ty mẹ ở ngoài và do chân rết của công ty mẹ, họ có thị trường cho hàng hóa của mình. HNQT tạo ra cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức. Mà phải vượt qua thách thức thì HNQT mới có lợi cho ta, người Việt. Nếu không vượt được thì chỉ có các công ty có vốn nước ngoài, tức là người ngoài, hưởng lợi! Có một bằng chứng cho việc này. Ấy là doanh số xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua gia tăng; nhưng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị khó khăn. Nếu trường hợp này xảy ra, hàng nước ngoài nhập vào ta nhiều thì con số người lao động ta ra nước ngoài làm việc sẽ tăng! Thống kê về người lao động của ta ra nước ngoài tăng thì sự bất hạnh của nhiều gia đình ở ta cũng sẽ nhiều lên!

Đi xa hơn nữa, để tiên đoán cơ hội và thách thức của HNQT đối với chúng ta, xin tóm tắt dưới đây nhận định của Bộ Công Thương về TPP. Trong TPP có các điều khoản của các FTA. Do vậy, xem TPP thì có thể biết các thỏa ước khác mà chúng ta đã ký hay sẽ ký, kể cả Công đồng Kinh tế ASEAN.

HNQT nhìn qua TPP

* Cơ hội

Trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canađa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của ta cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canađa…

Với cơ hội mới có được, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành thực sự có lợi thế cạnh tranh.

* Thách thức

Bộ Công Thương đưa ra năm thách thức cơ bản Việt Nam gặp phải khi tham gia vào TPP :

Về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Chi-lê) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt heo, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu nành, bắp và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Việt Nam phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung.

Với các lĩnh vực còn lại, kết quả đàm phán dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn vì đa phần tương đương với độ mở hiện hành.

Về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường …

Thách thức về xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu… rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Đồng thời, với cơ hội mới có được, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành thực sự có lợi thế cạnh tranh.

Thách thức về thu ngân sách, do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. Việc tính toán tác động của Hiệp định TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu, vì vậy, cần được nhìn theo cả hai hướng.

Thực tiễn cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo tám FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách. Tổng thu từ hàng nhập khẩu vẫn tăng đều hàng năm kể từ năm 2006.

Với thuế xuất khẩu, do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng nhất như dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại nên dự kiến tác động đến thu ngân sách sẽ không đáng kể.

Tiên đoán của Bộ Công Thương có phần lạc quan! Nhưng khi một anh gầy guộc cao nhòng khoác vai với một anh to cao cùng leo dốc thì ta có thể thấy anh gầy guộc sẽ gặp khó dễ thế nào?  Chẳng hạn, mới đây, Mỹ bắt hồ nuôi cá tra của ta phải tương đương với hồ nuôi cá ở nước họ! Cạnh tranh để hưởng dụng những cơ hội của HNQT sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp của ta. Điều này sẽ buộc Chính phủ phải nỗ lực nhiều để hỗ trợ các doanh nghiệp. Do sự bó buộc này, Chính phủ sẽ phải có nhiều thay đổi trong đường lối và luật pháp áp dụng cho doanh nghiệp và người tiêu thụ, tức là cho toàn dân.

Thống kê về người lao động ra nước ngoài tăng thì sự bất hạnh của nhiều gia đình ở ta cũng sẽ nhiều lên !

Nguyễn Ngọc Bích

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm