Theo lời anh, chúng tôi để lại nước cùng thức ăn ngoài xe và cả buổi sáng tham quan ấy, tuy thoát khỏi sự “dòm ngó” của lũ khỉ đảo Cần Giờ nhưng cũng đã có dịp tận mắt chứng kiến nhiều trò tinh quái của những “lão Tôn” này dành cho khách tham quan trên đảo.
Nhanh mắt, lẹ tay
Qua khỏi cổng, chưa kịp vào sâu bên trong, khỉ đã túm tụm thành từng nhóm, đón người đến thăm với đủ kiểu “chào hỏi” chẳng biết bề nào mà đỡ. Chúng lại gần người không chút e dè, rồi nhanh chóng chồm lên và dùng hai chân trước bấu víu vào khách tham quan. Màn thăm hỏi dạn dĩ này của bầy khỉ ở đảo “dọa” được nhiều vị khách “yếu vía” nên đã bắt đầu nghe sôi động bởi hỗn hợp âm thanh gồm tiếng hét, tiếng cười nói cùng tiếng trêu đùa...
![]() |
Vượt “trận đồ” được dàn ở cổng, đi qua cây cầu nhỏ là chính thức bước vào lãnh thổ của khỉ Cần Giờ. Chỉ sau mấy tiếng hú dài của hướng dẫn viên, khỉ từ hai bên cánh rừng kéo ra đầy lối đi. Khỉ Cần Giờ được mệnh danh là “siêu trộm”, nhất là trộm các thứ để bỏ bụng ăn. Rất lẹ mắt, chúng thấy ngay được người nào có mang theo đồ ăn thức uống và lập tức nhào tới chộp ngay. Trẻ con do không có ý dè chừng nên thường là đối tượng hay bị mấy chú khỉ giật mất đồ nhất. Các bé đôi khi đang ôm chai nước hay gói bánh trên tay, bắt gặp bầy khỉ, chúng vừa kịp ồ lên thích thú thì đã phải mếu máo đòi “mẹ lấy lại cho con...”. Cảnh tượng đám trẻ có đứa đứng giãy khóc nằng nặc đòi lấy lại đồ, bên cạnh là tên “cướp” đang tỉnh bơ ôm khư khư chiến lợi phẩm trên tay làm cho mọi người được trận cười thích thú, pha lẫn sự ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt.
Không chỉ “cướp” trên tay mà khi du khách hớ hênh, khỉ Cần Giờ còn “địa” cả những món trong túi quần áo, túi xách. Chúng bám theo lẵng nhẵng cho đến khi nào moi được thì mới thôi. Nhiều vị khách có ý cho khỉ thức ăn, nhưng muốn trêu chúng nên đã cố đi thật nhanh, thế là đám họ Tôn kia cũng tăng tốc bắt cho kỳ kịp.
![]() |
Ngoài trò “giật dọc”, đàn khỉ còn nổi tiếng bởi miếng “võ cắn”. Chúng chọc phá người là thế nhưng đến lúc khách ghẹo lại thì có khi cũng nổi xung lên mà đớp một phát. Nhiều thanh niên nghịch ngợm, bắt chước điệu bộ của khỉ làm trò rồi lớn tiếng hù dọa chúng là được bảo vệ, hướng dẫn viên hay quản lý nhắc nhở ngay. “Bình thường khỉ ở đây chỉ nghịch vặt thôi nhưng nếu khách đùa hơi ‘lố’ thì mấy anh chị này cũng ghê lắm. Đoàn khách nào có nhiều trẻ con, chúng tôi cũng phải ra canh chừng, để tránh trường hợp chúng nổi nóng thình lình “cạp” khách. Bị khỉ cắn một cái là phải đi khâu mười mấy mũi luôn chớ đâu phải chuyện giỡn chơi. Bởi vậy để phòng hờ, trên đảo có một phòng y tế dành riêng cho việc xử lý vết thương”, một nhân viên trên đảo nửa kể nửa... hù.
Không gian đặc biệt
Sự nghịch phá, lém lỉnh của khỉ đôi khi đem lại phiền hà, nhưng chính những đặc tính đó lại tạo nên nét đáng yêu riêng của loài động vật thuộc bộ linh trưởng sống trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhiều phụ huynh vào dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ đã chọn đưa con đến đây để tham quan với ý muốn giúp trẻ gần gũi hơn với thiên nhiên, với động vật hoang dã. Chị Lâm Thùy Minh, một khách tham quan ngụ tại quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Cả tuần tụi nhỏ nhà tôi vùi đầu vào chuyện học, hở ra rảnh rỗi một chút là lên máy vi tính chơi. Tôi cố ý ‘rủ rê’ tụi nó ra vùng ngoại ô có cây có cảnh, lại có những chú khỉ tinh nghịch là để chúng hòa nhập vào vạn vật, chơi cùng với mọi người chớ suốt ngày cứ lủi thủi trong nhà cũng không hay!”.
![]() |
Ngày thường, đảo khỉ Cần Giờ trung bình đón từ 1.000 - 2.000 khách đến thăm. Dịp lễ tết, số lượng khách tới đây có thể lên tới 4.000 - 5.000 người/ngày. Dù là động vật hoang dã nhưng khỉ trên đảo đã trải qua huấn luyện nên rất dạn dĩ, thân thiện với người. Khách đến đông là thế nhưng chúng vẫn thản nhiên, có thể ngồi vệ đường bắt rận cho nhau, hoặc đứa nhảy chồm lên người khách, đứa bám theo “moi đồ”, đứa chơi đùa với người lạ, được họ cho quà bánh rồi vô tư bóc ra ăn... “Hiện khỉ trên đảo có khoảng 1.500 con. Nơi đây tập trung đông khỉ đuôi dài, bởi chúng là loài sống trải dài từ Bình Thuận đến Cà Mau và thích ăn những loại lá cây rừng, lá mắm, bầu, đước... Loài khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn tuy chỉ thấy ở vùng Nam Trung bộ, các tỉnh phía Bắc nhưng cũng có mặt ở đây, có lẽ từ những lần dân phóng sanh”, anh Nguyễn Hữu Trước, trưởng đội bảo tồn động vật của đảo cho biết. Chế độ dinh dưỡng của họ Tôn trên đảo cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng. Thức ăn chính của chúng là cơm nấu từ gạo lứt. Mỗi tháng, cả đảo tiêu thụ khoảng 2 tấn gạo.
Trung bình vòng đời của một con khỉ kéo dài 30 năm. Theo đó, tùy loài mà tuổi thọ sẽ có chênh lệch. Khỉ đuôi dài mặt đỏ và đuôi lợn có tuổi thọ cao, kháng thể mạnh, tuy nhiên được cho là không thông minh bằng loài khỉ lông vàng (có vòng đời ngắn, kháng thể yếu) sống ở vùng núi cao. Ban quản lý đảo khỉ Cần Giờ cũng chọn ra trong đàn những con nhanh nhẹn nhất để huấn luyện cho chúng làm trò, gởi đến các đoàn xiếc.
![]() |
Đảo khỉ nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, còn gọi là Rừng Sác. Bao bọc khắp nơi là trùng điệp những hàng cây nối dài có tán phủ xanh rậm. Trên lối đi, lá cây rừng tạo thành một thảm thực vật dày xốp. Rễ của cây dọc hai bên đường đi nhô cao vẽ thành những hình thù độc đáo. Đó đây trong rừng, ẩn hiện bóng dáng của những chú khỉ tinh nghịch chạy đùa, leo chuyền. Tất cả đã tạo nên nét hoang sơ, sinh động chỉ có riêng trên đảo khỉ.
Thiên Lý
Vào thế kỷ XVII, khi vùng đất mới Nam Bộ được khai khẩn, Cần Giờ có đến 42 ngàn ha rừng nguyên sinh và hơn 1/4 diện tích vùng Rừng Sác này là sông rạch. Thế giới động vật Rừng Sác thời đó vô cùng đa dạng, phong phú. Những năm 1962-1971, trong cuộc chiến, trung bình mỗi ha Rừng Sác phải hứng chịu 56 lít chất diệt cỏ. Cho đến năm 1975, gần như toàn bộ Rừng Sác ở Cần Giờ bị tàn phá. Sau 5 năm, Rừng Sác đã tái sinh trở lại nhưng lại bị khai thác, chặt phá bừa bãi, do chưa có quy hoạch.
Trong 10 năm sau đó, người ta đã trồng lại rừng ngập mặn, hàng chục ha Rừng Sác đã hồi sinh. Có đến 60 loài thực vật đã “tái sinh”, nhiều nhất là cây đước. Hàng chục loài chim nước bay về trú chân, trong đó có bồ nông, cò quắm, sếu, diệc, hồng hộc, le le... Động vật lớn hầu như không gặp, nhưng đã có đàn khỉ gần 400 con sống tự do trong Lâm Viên Cần Giờ. Năm 2001, UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, mở đầu cho kỷ nguyên phát triển loại hình du lịch sinh thái. (Theo website của Huyện Cần Giờ - TP.HCM) |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.