TINH THẦN TRUYỀN GIÁO
![]() |
Linh mục Giuse Phạm Văn Quy (Hội Thừa Sai Việt Nam): Là một linh mục trong Hội truyền giáo, tôi luôn cố gắng hun đúc lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng để trở thành một nhà thừa sai theo linh đạo của Hội là “Đến với muôn dân” (Ad Gentes). Tôi ý thức rằng truyền giáo không chỉ là giúp người ta nhận biết Thiên Chúa bằng cách mang họ đến nhà thờ hay cho họ lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mà còn phải làm người khác thay đổi một cái nhìn, một thái độ sống tích cực phù hợp với những giá trị Tin Mừng của Chúa hơn. Vì thế, phương tiện rao giảng không chỉ bằng lời nói nhưng quan trọng hơn là bằng chính cách sống của bản thân mình. Lời mời gọi mà Đức Phanxicô nhắc lại thật cần thiết, gợi mở nhiều suy tư. Chúng ta cũng cần can đảm “ra đi” hơn là chỉ giữ đạo theo hình thức “co cụm” hay “bảo trì”. Đáng buồn là hiện có một số tổ chức hay cá nhân chỉ nhắm đến các hoạt động hình thức mà ít nhấn mạnh nếu không muốn nói là quên mất việc làm chứng tá Tin Mừng, chưa quan tâm tìm kiếm và cổ võ những giá trị sâu xa hơn cho những người mà họ truyền giáo.
TẠI SAO KHÔNG PHẢI LÀ MÌNH?
|
Phạm Thị Huê (Hóc Môn - TP.HCM): Câu hỏi “Tại sao không phải là con?” gợi nhớ về câu trả lời của Chúa cho một thanh niên hỏi Ngài vì sao lại để nhiều người trên thế gian chịu đói nghèo, bất hạnh, thiếu thốn mà không cứu giúp trong khi Ngài có thừa quyền năng:“Thì ta đã dựng nên con đó”. Câu hỏi và câu trả lời đều mang cùng ý nghĩa là chính mỗi người phải là chứng nhân. Ba mùa Giáng sinh vừa rồi, tôi đều theo Hội Bác Ái Têrêsa Calcuta tới chia sẻ niềm vui Noel tại giáo xứ Kon Xơmluh (Kontum). Cứ chiều ngày 24.12, chúng tôi tổ chức nấu bữa ăn mừng Giáng sinh cho mấy ngàn bà con dân tộc. Dù không thể cùng gia đình mình quây quần bên cây thông, hang đá nhưng đến đây tôi cảm nhận được ý nghĩa đậm sâu về cái gọi là sống Phúc âm và câu hỏi “Tại sao không phải là mình?”.
TẬN TỤY TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ
|
Phaolô Nguyễn Ngọc Quy (Giáo xứ Bảo Lộc - Lâm Đồng): Việc truyền giáo đôi khi chỉ bằng những việc làm nhỏ. Từ cung cách sống đó, cái đẹp của đạo được truyền đi một cách sống động. Ngoài ra, trong tiếp xúc với các anh em tôn giáo bạn, cũng phải hết sức khiêm nhường, hòa đồng. Do đó, tôi cũng tự dặn mình khi phục vụ cần hết lòng tận tụy. Công việc của tôi ở văn phòng giáo xứ là giúp các việc liên quan đến hôn phối, rửa tội hay thỉnh thoảng có người mời đi làm đại diện cho đám cưới, đám tang, tôi đều nhận lời. Trong số những đôi hôn phối, có không ít đôi chỉ một bên là người Công giáo. Những lúc đó, tôi đều phục vụ tận tình để họ có thể tiến đến hôn nhân toàn vẹn. Tôi nghĩ điều này cũng góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
CẦN CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY
|
G.B. Nguyễn Chánh (GX. Quảng Đà - GP. Ban Mê Thuột): Tôi hay nghĩ đến tinh thần truyền giáo ngày nay được nhiều vị thuyết giảng nhấn mạnh: “Xã hội ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Vì thế, tôi tự nhủ phải sống yêu thương từ trong gia đình, với anh em chung quanh, nhất là đối với những người ở “vùng biên” là những người bất hạnh, bị bỏ rơi...
QUA CÁCH CHÚNG TA SỐNG
![]() |
Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quận Gò Vấp - TPHCM): Bản thân tôi từng được nghe giảng, nghe chia sẻ trong những buổi sinh hoạt chung xoay quanh câu hỏi này nên tôi có nhiều cảm nghiệm đặc biệt. Với tôi, việc truyền giáo không chỉ là việc của riêng các tu sĩ mà còn của tất cả người Công giáo thông qua những hành động, cử chỉ và lời ăn tiếng nói hằng ngày của bản thân mỗi người. Khi sống chan hòa với mọi người xung quanh, chúng ta đã trở nên chứng nhân “mến Chúa, yêu người” và giới thiệu đến bạn bè hình ảnh của Thiên Chúa.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.