Thứ Sáu, 01 Tháng Tư, 2016 10:58

Lên “net” đi chợ

Trần Chân

Mua hàng online đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Vài năm gần đây xu hướng này lại càng lan rộng. Chỉ với một chiếc máy tính, điện thoại di động có kết nối internet là người mua có thể tìm được món hàng mình muốn mà không phải di chuyển nhiều. Sau màn hình phẳng, khu chợ độc đáo mang hơi thở hiện đại đang dần nở rộ, cạnh tranh với phương thức mua bán truyền thống.

Hình thức mua bán online càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại

Độc đáo chợ online

Thay vì phải chen lấn trong các khu chợ, cửa hàng ồn ào, đông đúc, nhiều người đã chọn mua hàng một cách thoải mái và tiết kiệm thời gian qua các trang web bán hàng trực tuyến. Chỉ cần một cú điện thoại, một cái click chuột là người mua chỉ việc ngồi nhà, ung dung chờ món hàng được giao đến tận nơi. Hình thức “đi chợ trực tuyến” phổ biến trong giới văn phòng, bởi họ là những người có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy vi tính nhưng quỹ thời gian lại không có nhiều. “Ở công ty, tôi thuộc dạng ‘trùm’ mua hàng online. Vì chỉ cần chưa đến 5 phút đã an tâm mua được hàng, trong khi đợi người ta giao đến, mình có thể đi làm công việc khác. Tiết kiệm thời gian vô cùng!”, chị Lâm Thị Nguyệt (quận 3 – TPHCM) chia sẻ. Thử vào công cụ tìm kiếm Google, gõ các từ khóa liên quan đến “đi chợ online”, “mua hàng trực tuyến”, lập tức kết quả là hàng loạt những trang web bày bán hàng hóa. Sản phẩm của chợ online rất đa dạng, hầu như món gì ở chợ truyền thống có thì trên các web cũng có, từ thực phẩm tươi sống, thức ăn khô, đóng gói cho đến đồ gia dụng, các thiết bị điện tử. Ở chợ này, thông thường mỗi địa chỉ sẽ chuyên về một loại hàng, gần giống với cách phân khu ở chợ truyền thống hay các cửa hàng bán chuyên một loại sản phẩm. Nhưng điều thú vị là mua sắm trực tuyến thì chỉ cần rê chuột, lướt phím là có thể đi một vòng rộng, ngắm nghía thỏa thuê, bình luận thoải mái mà không phải nhận lại một thái độ nào từ người bán. Bạn Nguyễn Bảo Trân (sinh viên trường Đại học KHXH & NV) thổ lộ: “Mỗi lần đi mua quần áo ở chợ hay mấy cửa hàng em thường không thoải mái vì cái cảnh chủ hoặc nhân viên ở đó cứ suốt ngày kè kè đi theo mình. Coi đã rồi không mua thì cũng ngại lắm nên em thường mua đồ trên mạng cho khỏe”.

Giao diện của một trang web mua sắm trực tuyến

Giá cả hàng hóa online không khác giá thị trường là mấy, tuy nhiên chi phí “ship” (vận chuyển) lại làm cho một món hàng tăng lên vài chục ngàn. Thế nhưng người mua lại có những lý do riêng để tham gia vào hình thức trao đổi hàng hóa này. Anh Nguyễn Hoàng Vũ (Quận 5, TPHCM) hóm hỉnh: “Xách xe chạy lòng vòng ngoài đường, tiền xăng, tiền mệt, tiền kẹt xe cũng như phí ship. Thà ngồi nhà phải sướng hơn không?”. Phí vận chuyển hàng hóa được tính theo đoạn đường, trung bình nội thành giá từ 10.000đ – 20.000đ, vận chuyển ngoại thành hay liên tỉnh giá từ 25.000đ – 35.000đ. Ngoài hình thức trực tiếp nhận hàng – trả tiền, người mua còn có thể linh hoạt thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Hai mặt của mua - bán trực tuyến

Ở chợ online, nhu cầu người mua được chiều chuộng hết mực. Hàng hóa ngoài các sản phẩm tiêu dùng thường thấy còn có phong phú các món handmade lạ, độc đáo phục vụ cho việc ăn uống, làm đẹp. Đôi khi, giá của mỗi sản phẩm này rẻ hơn tiền giao hàng, tạo nên những phiên mua bán có một không hai. Chị Lê Thúy (Cần Thơ) kể lại: “Lúc trước có mua một bánh xà phòng rửa mặt trên một trang làm đẹp từ các sản phẩm thiên nhiên. Hồi đó, sản phẩm này chưa rầm rộ như bây giờ. Vì ở TP.HCM gởi về tỉnh nên bánh xà phòng nhỏ có 25ngàn mà phí vận chuyển tới 30ngàn”. Người mua trực tuyến dường như ít để ý đến món hàng có giá rẻ nhưng với các sản phẩm cao giá, họ thường lựa chọn đến tận nơi để xem xét hơn là “phó mặc” cho các dịch vụ kinh doanh online.

Món hàng được đưa đến tận tay người mua qua các dịch vụ giao hàng tận nơi

Bên cạnh những ưu điểm, chợ online cũng mang lại không ít phiền toái cho khách hàng. Chị Ông Ngọc Kiều (Bình Thạnh – TP.HCM) chia sẻ: “Tôi cũng có vài lần mua quần áo trên mạng, không trực tiếp coi nên giao về nhiều khi rộng hay chật phải đổi lại. Nhiều nơi không cho đổi, nơi cho thì thủ tục lại rườm rà quá”. Với nhiều tín đồ mua online thì rắc rối lại đến từ việc “nhầm hàng”, “đã có kinh nghiệm mua qua mạng nên tôi thường coi những bình luận, phản hồi của các khách trước nhưng cũng có vài lần hố, sản phẩm không chất lượng như giới thiệu, lúc đó thì đành “ngậm bồ hòn” chớ biết làm sao”, chị Nguyễn Tường Vy (Thủ Đức - TP.HCM) bộc bạch. Rồi thì hàng tá những bực dọc từ  việc giao hàng trễ nải, sản phẩm hư hại trên đường vận chuyển... Thế nhưng, chừng ấy khuyết điểm từ hình thức trao đổi hàng hóa này vẫn không ngăn được sự tấp nập đang diễn ra tại chợ online.

Từ việc tăng lên ngày một đông của khách, các shop online cũng mọc lên như nấm sau mưa. Trước đây, chủ kinh doanh thường xây dựng cửa hàng trên các website, blog cá nhân, opera thì nay họ lại chuộng mặt bằng facebook, có lẽ bởi tạo một tài khoản facebook thì dễ dàng hơn việc gầy dựng một trang web và nơi đây lại thu hút nhiều người đến xem hơn là blog, opera... Trên thanh tìm kiếm của facebook, nếu gõ tên một sản phẩm như nón, giày dép, thức ăn, sẽ thấy một dọc các cửa hàng với đủ tên gọi rất kêu từ tiếng Việt đến tiếng nước ngoài. Do đặc điểm kết nối rộng, facebook cho các nhà cung cấp lợi thế trong việc quảng cáo sản phẩm, tạo nên mạng lưới mua bán rộng khắp. Chị Trần Cao Thủy Loan, chủ một shop giày ở Trà Vinh cho biết: “Khách hàng của tôi không bị bó hẹp ngay trong tỉnh mà còn có cả các tỉnh thành lân cận. Tôi tận dụng các tiện ích mà facebook đem lại để quảng cáo sản phẩm của mình, hy vọng những khách hàng ở xa hơn có thể biết tới”. Các chủ cửa hàng trên facebook có rất nhiều cách thức để thu hút khách như chia sẻ trang bán hàng qua tin nhắn gởi cho nhiều người, mời bạn bè like (nút biểu tượng thích trên facebook), giảm giá đồng loạt các sản phẩm... “Để tăng số lượng người ‘để mắt’ đến gian hàng của mình, tôi thường tổ chức chơi một trò chơi nho nhỏ kèm theo hình thức like và share (chia sẻ) để nhận quà - là chính sản phẩm mình đang bày bán. Cách này tạo nên sự tương tác đáng kể, làm cho số người biết đến trang bán hàng của mình tăng lên rõ rệt”, chị Thanh Trúc hào hứng chia sẻ kinh nghiệm bán hàng qua mạng của mình.

Trong xã hội hiện đại, trao đổi hàng hóa online ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, các khu chợ truyền thống vẫn là nơi cần phải giữ gìn, để người ta có thể gặp gỡ, tương tác với nhau qua những phiên mua bán trực tiếp.

Trần Chân

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm