Thứ Năm, 04 Tháng Hai, 2016 15:01

Lênh đênh thuyền hoa

Những ngày cuối năm, vùng sông nước Cửu Long nhộn nhịp và ngập trong sắc màu bởi những chuyến ghe chở đầy hoa trái ngược xuôi...

1.

 Từ Rạch Miễu xuôi dòng Hàm Luông về đến Rạch Cái Mơn, chúng tôi ghé làng hoa Cái Mơn vào một sáng se lạnh của ngày giáp Tết. Trên từng con lộ, những chuyến xe hối hả đưa hoa về thành thị. Nơi bến thuyền, các chủ ghe cũng tất bật chất hoa đầy khoang để chuẩn bị cho chuyến đi dài cuối cùng của năm.

Những chiếc ghe rực rỡ sắc Xuân với màu vàng tươi tắn của chậu tắc trĩu nặng, màu đỏ của những chậu mồng gà cạnh những đóa hồng tươi thắm, và cả sự e ấp của những nhành mai vàng chực bung tròn khoe sắc. Hàng chục ghe hoa san sát nhau làm khúc sông bừng sáng. Xuân về, đất trời, sông nước Cái Mơn như khoác lên một màu áo mới chào đón các thương lái. Tiếng gọi nhau, kêu hàng rôm rả làng hoa: “Bảy, lấy cho chị 10 cặp mâm xôi nữa cho đủ ghe đi cưng”, “Nè nè nhẹ tay dùm chị cái mấy cưng”. Các chủ ghe từ mọi nẻo của vùng “chín rồng” nối nhau đến Cái Mơn lấy hoa đi bán khắp miền Nam.

Chủ ghe đến đây ngoài số ít là người địa phương, còn lại đến từ Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau hay Tiền Giang. Họ theo con nước về mua hoa kiểng và một số trái cây bán Tết. Theo người buôn ngoài tỉnh, họ chọn làng hoa Công giáo này là vì nơi đây chủng loại hoa phong phú và gần các thành phố lớn như TP.HCM, Mỹ Tho... Anh Tấn Phong, một chủ ghe đang neo ở đây hào hứng: “Từ Cái Mơn lên Sài Gòn mất 11 tiếng, về thêm 11 tiếng nữa, nếu tui bán nhanh thì có thể quay đầu làm thêm một chuyến, chứ lấy hoa từ các làng khác đường đi về mất hai ba ngày, coi như chỉ đi được một bận”.

Hoa kiểng ở Cái Mơn khá phong phú, từ cúc mâm xôi, đại đóa đến thược dược, cẩm chướng, vạn thọ, hồng, dừa rũ…, và hàng trăm loại kiểng thú, kiểng lá, kiểng trái cây, được chăm chút cẩn thận bởi những người thợ làm vườn với đôi tay tài hoa, tỉ mỉ. “Nhìn chung hoa và kiểng ở đây có giá khá mềm và rất khỏe nên người tiêu dùng rất thích khi biết nguồn gốc. Ngoài ra, mai và tắc ở vùng này gần như đã thành thương hiệu hàng chục năm nay, nên cứ nói ghe từ Cái Mơn lên là bán dễ hơn”, anh Hậu, một chủ ghe đến từ Vĩnh Long cho hay.

Sáu, tên người đàn ông mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 15 năm ngược xuôi với “thuyền hoa”, vừa chuyển những chậu mai nhỏ lên mui để tận dụng tối đa diện tích khoảng 20m2 của chiếc ghe, vừa kể, mười lăm tuổi đã theo cha đi ghe bán hoa ở Vĩnh Long rồi từ đó, cuộc sống thương hồ vận vào anh cho tới hôm nay.“Vì nhà nghèo không có ruộng đất để trồng trọt, lại thêm học hành không được nhiêu nên đành phải chịu cực dong ghe ngược xuôi mọi miền để bán hoa. Anh em trong nghề ai cũng mong Tết về để buôn bán “ngon” hơn. Chuyến này, tui gom mai lên Bến Bình Đông bán, hy vọng kiếm được một khoản kha khá đặng năm sau cho tụi nhỏ đi học thêm vì là năm thi chuyển cấp”, anh tâm sự.

2.

 Vùng đất miền Tây Nam bộ chằng chịt sông ngòi, kênh rạch, thuận lợi cho việc giao thương buôn bán bằng đường thủy đã tạo nên một nét văn hóa đặc trưng. Tuy cuộc sống phát triển, nhiều nhịp cầu đã nối đôi bờ rút ngắn khoảng cách giữa các thành phố, tỉnh lỵ với nhau, nhưng không vì thế mà hình ảnh những ghe hoa bị mai một. Vậy nên cứ mỗi độ Xuân về, trên khắp các nhánh sông miền Tây, những chuyến ghe đem hoa về phố lại nối đuôi nhau như dải lụa đầy màu sắc trải dài trên sông.

Những ghe hoa đến từ Cái Mơn neo bến Trần Xuân Soạn TP HCM trong những ngày trước Tết

Có vườn ở trong sâu, cách lộ lớn cả cây số, khó vận chuyển bằng đường xe nên phải thuê ghe chở thẳng lên thành phố bán, vừa tiện lợi lại rẻ hơn xe, như nhà chị Út Mén: “Đường ở đây chỉ đủ cho hai chiếc xe máy lách nhau nên chỉ có ghe xuồng theo mấy con rạch vào lấy hoa đem bán thôi”. Ngoài ra, với giá xe tải từ Cái Mơn lên Sài Gòn khoảng 3 triệu đồng thì việc sử dụng ghe của nhà vườn là lựa chọn tối ưu vì chi phí chỉ bằng một nửa. Đó là chưa kể, như một chủ ghe tắc tiết lộ: “Ghe của tụi tui chở kiểng nhỏ thì không chất nhiều bằng xe tải nhưng kiểng lớn thì không xe nào bằng ghe. Nhờ vậy mà anh em vẫn sống khỏe với nghề”.

Trong năm, các ghe ngoài hoa, kiểng còn bán cây giống, nông sản nhưng khi giáp Tết thì trên ghe chỉ hoa là hoa. Ngay cả một số chuyên bán trái cây, rau củ, mùa này cũng chuyển qua bán hoa. Anh Tám Bảnh, ngày thường bán rau củ giải thích: “Tâm lý chung ai cũng muốn nhà mình đẹp trong mấy ngày Tết nên hoa, kiểng dễ bán hơn rau củ. Hơn nữa, mùa này bán hoa đồng lời cao hơn, lỡ có xui mà ế thì để chưng hoặc bán rẻ cho láng giềng chứ rau củ ế thì chỉ bỏ chứ Tết nhứt ai mà bán hay mua”.

Tất nhiên, theo những người làm nghề lâu năm, không phải chuyến hàng nào cũng suôn sẻ vì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đôi khi là cả vận may. Bởi ngoài chi phí bến bãi, xăng dầu, các chủ ghe còn ngại mưa và sương muối. Anh Hậu kể, có năm anh đánh mai bán Tết, lô hàng được đánh giá là chất lượng nhưng sau mấy ngày neo bến thì gặp sương muối làm hư hết một nửa. “Mưa gió thì còn lường trước chứ sương muối thì coi như thua. Đêm đó, tôi thấy trời bình thường nên không che chắn cho cây khỏe, ai ngờ… Tết đó cả nhà không ai cười nổi…”, anh nhớ lại.

Nếu trong năm, các thương thuyền không lo chuyện thời gian thì Tết đến họ cứ nơm nớp mong hết hàng để kịp về chuẩn bị nhà cửa đón Giao thừa. Nắm được tâm lý đó, nên không ít khách cứ đợi cận ngày mới mua hoa khi đã giảm giá. Chị Nguyễn Thị Bé, chủ ghe đến từ Vĩnh Long cho biết: “Thường thì neo từ 20 âm lịch nhưng phải từ 26 -27 mới có khách mua. Họ biết mình nôn về ăn Tết nên cứ đợi hạ giá. Có năm, anh em tụi tui làm cứng giữ đúng giá cuối cùng thì về đến nhà đã quá Giao thừa. Năm đó Tết nhứt mà nhà cửa cứ bừa bộn, trong nhà cũng chẳng có gì ngoài mấy đòn bánh tét mua lại của bạn thuyền”.

Thục Quỳ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm