Lịch sử là những gì đã qua, nhưng có nên bỏ qua những gì thuộc về lịch sử, bởi người ta có thể nhìn lại vốn sống, văn hóa, đau thương, kinh nghiệm, bài học, tự hào… của một dân tộc qua lịch sử? Nhưng có lẽ vì thuộc về quá khứ, những tưởng nó không liên quan đến hiện tại, nên từ nhiều năm nay, môn sử, ngành sử, và thái độ với lịch sử đã bị lơ là. Thực trạng này trở thành một sự quan tâm, lo lắng sâu sắc của nhiều người tâm huyết với nghiệp sử. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu tâm huyết thôi, có thể vẫn chưa đủ, bởi giới trẻ ngày càng chán sử, môn lịch sử ít người chọn thi nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp, điểm 0 môn lịch sử có rất nhiều trong các mùa tuyển sinh…
![]() |
Vậy chấn hưng sử học, thay đổi cái nhìn về sử học, chỉ người tâm huyết thôi, chưa đủ, họ đang cạn dần bởi tuổi cao sức yếu; báo chí tuyên truyền nhiều cũng thành nhàm, hình như chẳng vào tai lớp trẻ nên cần phải có sự quan tâm cả phía chức trách, tức phần cơ chế. Cơ chế đang nói gì, đang làm gì và chuyển động ra sao? Có vẻ không được như đòi hỏi của những người tâm huyết! Gần đây nghe nói dự thảo ghép môn lịch sử vào môn học mới liên quan nhiều đến định hướng chính trị cho lớp trẻ là môn đạo đức, công dân với Tổ quốc... Ý định này có nhiều phản ứng trái chiều, trong đó một số người có cảm giác cái sự học môn lịch sử ngày càng nhạt nhòa trong bối cảnh xã hội hiện đại, có quá nhiều môn học ưu trội, cấp tiến và thức thời.
|
Lịch sử phải chăng đang được đưa lên bàn cân, cần phải mổ xẻ, đong đếm làm sao để nó hiệu quả. Ý định thì tốt nhưng liệu cách làm đã được sự đồng thuận của xã hội, có phát huy tác dụng tích cực với giới trẻ? Điều dễ nhận thấy là nếu chúng ta chỉ chăm chăm cải tổ phương tiện để mong chuyển đổi nhận thức về việc dạy và học môn lịch sử, thì có vẻ còn ở quá xa những câu chuyện gốc rễ của vấn đề chán sử. Trong xã hội đa phương tiện truyền thông và các nguồn thông tin như hiện nay, giới trẻ có quá nhiều mối quan tâm hơn sử học. Chưa bàn nó bổ ích hay nguy hại, nhưng những mối quan tâm đó thể hiện tâm lý thị hiếu lứa tuổi và sở thích, trong khi các bài giảng, giáo trình, cách nghĩ, cách làm sử, và cả cánh cửa cơ chế bao năm vẫn cũ như thuở nào, hỏi sao cuốn hút họ?
Rõ ràng vấn đề dạy sử cần một cách thức cải tiến, một cách nghĩ về vị trí “chính-phụ” trong môn học, cần phải cải tổ và có một cơ chế đặc thù hơn với những người tâm huyết với sử. Nếu không, một ngày nào đó chính con cháu của chúng ta lại mất đi căn tính cội nguồn, rất dễ rơi vào khủng hoảng giá trị.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.