Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Hai, 2015 11:27

Lòng Thương xót hối thúc dấn thân

Năm Thánh Lòng Thương Xót khai mạc ngày 8.12.2015 đã gợi mở nhiều suy nghĩ, nhiều hướng hành động trong cộng đoàn Dân Chúa.

GIÚP NHÂN LOẠI SỐNG HẠNH PHÚC

 

Linh mục Phaolô Lê Thành Đạo (Chánh xứ Bò Ót, GP Long Xuyên): Ngày nay trên thế giới, sự vô cảm và hận thù lan tràn khắp nơi, cùng những mưu toan, đố kỵ khiến cho con người ít quan tâm đến tha nhân... Tất cả gây nên nhiều hậu quả đau buồn. Đó là một trong những lý do Đức Giáo hoàng Phanxicô đề xướng “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”, theo gương Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, để nhờ đó nhân loại được sống hạnh phúc. Theo lời mời gọi của vị cha chung, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần phải thực hiện điều này một cách mạnh mẽ và sốt sắng, vì lòng thương xót sẽ tạo được sự nhiệt tình mới cho cả giáo dân và người tu sĩ trong các hoạt động mục vụ. Ngoài ra, càng quan trọng hơn nữa vì lòng thương xót đem đến cho nhân loại cuộc sống an bình và hạnh phúc vững bền, nếu không sẽ không có bình an và hạnh phúc thật sự; lòng thương xót là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho chúng ta trong giây phút phán xét chung (Mt 25, 31-46).

Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu. Theo Tin Mừng, Chúa Giêsu tỏ ra rất thương xót những người tội lỗi và người nghèo khổ bệnh tật. Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót đối với những người tội lỗi và người nghèo khổ, bệnh tật. Còn riêng tôi, Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ là nguồn động lực để tiếp tục thực thi những việc bác ái mà bản thân đang theo đuổi.

HỐI THÚC DẤN THÂN

 

  Ông Giuse Vũ Văn Kính (Thư ký HĐMV Gx. Khiết Tâm- TGP. TPHCM): Lời mời gọi mọi người hướng đến lòng thương xót trong Năm Thánh này có hai ý nghĩa. Thứ nhất là bản thân người Kitô hữu phải mở lòng ra, đón nhận “lòng thương xót Chúa” một cách tin tưởng và phó thác. Thứ hai, mỗi người phải thể hiện lòng thương xót với người khác, nhất là nâng đỡ, hỗ trợ người cùng khổ về cả vật chất lẫn tinh thần. Cũng trong cảm nghiệm của mình khi đọc qua những gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi thấy mình được hối thúc phải dấn thân, cho đi nhiều hơn bởi lòng thương xót không phải chỉ là lời nói xoa dịu.

THẾ GIỚI BỚT LẠNH LÙNG VÀ CÔNG CHÍNH HƠN

 

Ông Trần Thắng Dũng (Q. Gò Vấp-TP.HCM): Qua nhiều biến cố đã xảy đến trong cuộc đời, tôi cảm nhận rất rõ lòng thương xót Chúa dành cho chính bản thân và gia đình qua sự chở che, nâng đỡ của Ngài trong mọi gian truân của cuộc sống. Có khi tưởng chừng như bế tắc và gục ngã nhưng khi tín tác vào Chúa, mọi sự khó khăn cách mấy rồi cũng qua đi, đó là cảm nhận của tôi khi nghĩ về lòng thương xót. Tôi cũng nhớ mãi lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô và mong mọi người hiểu đúng tinh thần mà ngài muốn nhắn nhủ: “Một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới ít lạnh lùng hơn và công chính hơn”.

MANG NHIỀU Ý NGHĨA KHÁC

 

Ông Giuse Bùi Văn Nam (Nhóm Kinh thánh cầu nguyện, giáo xứ Bùi Môn, TPHCM): Khi biết thông tin Giáo hội sẽ mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi rất vui mừng, mong ngóng. Nghe đến “lòng thương xót”, nhiều người hay nghĩ tới việc đọc kinh, cầu nguyện mà cụ thể là giờ kinh nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều ở các giáo xứ. Tôi cho rằng hiểu như thế thì chỉ mới biết được cái bên ngoài và chưa đủ. Bởi lòng thương xót còn mang nhiều ý nghĩa khác. Theo gợi ý mục vụ của HĐGMVN thì mỗi người cần “làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội”“không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”. Hy vọng với chủ đề đặc biệt này, mỗi chúng ta sẽ càng cố gắng viếng thăm, giúp đỡ nhiều hơn những tha nhân ở bên lề xã hội.

LÒNG THƯƠNG XÓT KHÔNG XA LẠ

 

Ông Nguyễn Văn Đốc (Q.Tân Bình-TP.HCM): Năm Thánh 2016 là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Kitô giáo. Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót. Nhưng làm cách nào để thể hiện lòng thương xót trong xã hội? Tôi nghĩ rằng đó không phải là điều xa lạ. Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người xung quanh. Năm mục vụ này, mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ nên được khuyến khích học hỏi, thảo luận nhiều hơn và giúp nhau sống những giáo huấn này, cụ thể như thăm viếng người nghèo, neo đơn, bệnh tật hay tổ chức khám bệnh miễn phí nơi các vùng sâu, vùng quê nghèo.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm