Giáo hội luôn khuyến khích hát cộng đoàn để mọi người có thể tham gia tích cực hơn trong cử hành phụng vụ. Chính vì thế, việc này cần được nâng niu thường xuyên để ngày càng lan tỏa.
BIỂU LỘ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CA TIẾNG HÁT
![]() |
Lm. Đaminh Trần Công Hiển (Trưởng ban thánh nhạc GP Xuân Lộc): Tôi nhớ “Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ” có nói rằng: “Thật sự, không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành Phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát” do đó, thật đáng buồn khi cộng đoàn còn có nhiều người lặng im, thụ động, không chung lời ca tiếng hát. Thực tế này hiện được các giáo xứ quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp.
Để thu hút được cộng đoàn một cách hiệu quả, trước nhất phải giải thích cho mọi người hiểu sự quan trọng của việc thực hiện hát cộng đoàn. Đào tạo người ca trưởng - ca viên cũng là việc cần lưu tâm vì chính họ sẽ là chất xúc tác mạnh khi đứng ra tập hát cho cộng đoàn trước giờ lễ. Bài hát được tập ban đầu chỉ nên chọn một hoặc hai bài, đừng cố nhồi nhét một lúc nhiều bài khiến cộng đoàn nản chí hoặc không còn chú tâm. Không nên để ca đoàn đảm nhiệm hết phần hát lễ mà hãy dẫn dắt cộng đoàn vào bài hát chung. Điều nữa là quan tâm đến thiếu nhi vì các em dễ thuộc bài và có thời gian tập hát nhiều hơn. Ngoài ra, các bài hát cũng nên chọn lựa theo tiêu chí của hát cộng đoàn. Hiện nay, việc hát cộng đoàn ngày càng khả quan hơn ở rất nhiều giáo xứ nên rất hy vọng sẽ có lúc cộng đoàn đảm trách chính yếu việc hát trong thánh lễ. Cũng mong mọi thành phần giáo dân cảm nghiệm được rằng khi chung lời ca, họ được tham gia một cách trọn vẹn vào thánh lễ và được dâng lên Chúa chính lời ca tiếng hát của mình.
LỜI CẦU NGUYỆN TẬP THỂ
![]() |
Ông Đỗ Văn Kiệt (Gx Xây Dựng - TGP.TPHCM): Hát cộng đồng giúp thánh lễ trở nên sốt sắng, sinh động và thể hiện tinh thần hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa. Nói một cách khác, thánh ca cộng đồng là lời cầu nguyện tập thể tuyệt vời nhất, giúp cộng đoàn tham gia một cách trọn vẹn vào thánh lễ. Có thể viết điệp khúc hoặc câu đáp lên tấm bảng treo hoặc sử dụng máy chiếu phục vụ cho việc hát cộng đồng thuận lợi và hiệu quả. Nhờ việc hát cộng đồng mà nhiều bài hát sẽ in sâu trong tâm hồn các tín hữu, trở thành tư tưởng dẫn lối trong cuộc sống.
LIÊN KẾT CA ĐOÀN VỚI CỘNG ĐOÀN
![]() |
Ông Trần Văn Chương (GX Thạch An - GP.Xuân Lộc): Việc hát cộng đồng đôi lúc không được suôn sẻ, trôi chảy. Chẳng hạn, ca đoàn chọn các bài mới, lạ nhưng không tập hát trước cho giáo dân, hoặc có tập nhưng thời điểm đó, thường trước thánh lễ ít phút, cộng đoàn còn thưa thớt người, dẫn đến tình trạng hát loạc choạc, không đồng bộ, có nhiều “bè” khác nhau. Theo tôi, những ngày lễ trong tuần nên lựa chọn các bài quen thuộc, riêng Chúa nhật có thể đan xen bài mới với điều kiện tập qua trước đó.
TẠO THÊM ĐIỀU KIỆN HÁT CỘNG ĐOÀN
![]() |
Bà Lê Thị Tâm (GX Khiết Tâm - TGP.TPHCM): Có nhiều người, kể cả bản thân tôi, đã nhiều khi im lặng vì không thuộc bài hát trong thánh lễ. Để giải quyết tình trạng này tôi thấy có nhiều giáo xứ đã dành ra 5, 10 phút trước lễ để tập hát cho cộng đoàn. Ngoài ra, nhiều nơi cũng đã có màn hình lớn để mọi người tiện theo dõi lời bài hát hoặc giáo dân được phát những tờ giấy nhỏ in lời hát như một cách mời gọi mọi người chung lời ca. Hy vọng sẽ có thêm nhiều cách thức khác nữa để mọi người ngày càng tham gia tích cực hơn trong việc hát cộng đồng.
CA ĐOÀN GIỮ VAI TRÒ TRỢ LỰC
![]() |
Ông Nguyễn Văn Phước (Gx Tân Phú - TGP.TPHCM): Hiện nay nhiều người đã ý thức về hát cộng đồng trong thánh lễ, trong những giây phút cầu nguyện. Tuy nhiên, ca đoàn vẫn cần thiết trong việc trợ giúp cộng đoàn hát, nhất là với những bài thánh ca mới. Thực tế đã có nhiều bài với giai điệu đẹp, dễ hát giờ đây đã trở nên quen thuộc với mọi người như một số bài hát về Đức Mẹ hoặc cầu nguyện cho cha mẹ... Kho tàng thánh ca ngày càng phong phú cũng giúp cộng đoàn thêm ý cầu nguyện. Chính vì vậy, những bài thánh ca mới cần được ca đoàn và những người có trách nhiệm nghiên cứu sao cho phù hợp và dễ lan tỏa trong cộng đồng.
“Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quý hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, mỗi khi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự. Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu lộ trước nền phụng vụ thiên quốc đang được hoàn tất trong thành Giêrusalem mới, một cách rõ ràng hơn. Vì thế, các vị chủ chăn phải làm hết sức mình để đạt tới hình thức cử hành đó. Ngay cả trong những buổi cử hành không kèm theo ca hát, nhưng có giáo dân tham dự, vẫn phải phân chia các chức vụ và vai trò, như khi cử hành có kèm theo ca hát, nhất là phải liệu cho các thừa tác viên cần thiết và có khả năng, cũng như lo cho các giáo dân tham dự tích cực hơn. Phải chuẩn bị thiết thực cho mỗi buổi cử hành trong tinh thần hợp tác giữa mọi người liên hệ, dưới quyền chỉ huy của vị quản nhiệm thánh đường, về mặt nghi thức cũng như mục vụ âm nhạc (5). Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây: a/ Việc tham gia này trước hết bằng những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh, cũng như những câu xướng xen kẽ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca. b/ Nhờ một nền giáo huấn thích hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân đến chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn. c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đồng cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát phần riêng và phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát” (16). (Huấn Thị “Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ” của Thánh Bộ Lễ Nghi, ngày 5.3.1967) |
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.