Ngô Quốc Đông
Bản tin thời sự trên truyền hình sáng ngày 14.2.2014 cho biết trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước đã xảy ra 334 vụ tai nạn, làm 210 người chết, 331 người bị thương nặng. Như vậy, trung bình mỗi ngày nghỉ lễ, tai nạn đã cướp đi sinh mạng của gần 30 con người. Đầu Xuân, những thông tin trên thật buồn! Năm nào cũng vậy, tai họa đã ập xuống không ít gia đình vào đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Truy tìm nguyên nhân, một số khách mời trên kênh phát thanh VOV nhận định xã hội ta có quá nhiều căng thẳng, khiến con người stress, từ đó dẫn đến mất tập trung khi tham gia giao thông và gây tai nạn. Họ cũng chỉ ra giao thông là một hiện tượng xã hội mà ở đó, với sự đa dạng về phương tiện thành phần và loại hình cùng vận hành trong một không gian chật hẹp đã tạo ra những nguy cơ tai nạn.
![]() |
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì có nhiều, nhưng những vụ tai nạn thảm khốc vào dịp Tết vừa rồi phần nhiều từ chính những người điều khiển phương tiện giao thông gây ra như có nồng độ cồn quá cao, hay phóng nhanh vượt ẩu, hoặc do không đội mũ bảo hiểm vì nghĩ rằng không có lực lượng cảnh sát làm việc vào thời điểm đó. Như vậy hiểm họa còn do chính những chủ quan tắc trách của con người mà phần lớn do không làm chủ, hay không ý thức được hành vi dẫn đến tai nạn hoặc gây tại nạn cho người khác.
Sau bao năm nỗ lực, nhiều lực lượng chức năng và nhiều cơ quan liên ngành vào cuộc, tổng kết lại cũng chỉ thấy có hai hình thức áp dụng phổ biến là tuyên truyền và tăng cường lực lượng tuần tra xử phạt. Điều chúng ta quan tâm ở đây là dường như mọi cố gắng của giải pháp vẫn chỉ chạy theo thực tiễn, trong khi tai nạn giao thông được hạn chế hay gia tăng lại ở phần ý thức chủ quan của con người. Nếu các thành tích của ngành chức năng được tuyên dương theo kiểu đã xử phạt được bao nhiêu vụ, bắt giữ bao nhiêu phương tiện và thu phạt tiền..., thì xem ra mới chỉ là phần ý thức của ngành chức năng về việc tăng cường chức trách. Và như vậy tính bền vững sẽ không cao, bởi chủ thể phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa bị tác động vào chiều sâu ý thức của họ. Bởi vậy, mấu chốt của hạn chế tai nạn vào những dịp quan trọng như Tết phải làm sao để mỗi chủ phương tiện đều ý thức sâu sắc hành vi điều khiển phương tiện của mình.
![]() |
Tai nạn giao thông tăng hay giảm còn phụ thuộc vào các thiết chế văn hóa. Khi các thiết chế văn hóa còn nặng về xin cho, quen biết, biển xanh biển đỏ, rút ruột công trình..., sẽ vẫn còn kẽ hở cho những hành vi phạm luật khi tham gia giao thông hoặc gây ra các cơ sở giao thông tồi tệ.
Xem ra, vấn đề tai nạn giao thông vào mỗi dịp Tết dù là một chủ đề cũ nhưng luôn đầy ắp tính thời sự bởi nó gióng lên một hồi chuông cảnh báo không hề vô ích.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.