Thứ Bảy, 26 Tháng Chín, 2015 22:46

Nghĩ về Tết Trung Thu

trung Thu là tết của thiếu nhi nên các em rất thích. Đứa thì đòi mua mặt nạ, đứa đòi mua đèn ông sao, có đứa thích xem múa lân... Nhìn chung tâm lý đám đông đã góp phần lôi kéo trẻ con và cả phụ huynh vào cuộc để chuẩn bị cho con cái mình một không khí vui tươi thoải mái. Nghĩ lại thấy Trung Thu nay khác xưa nhiều quá!

Ở quê thuở trước, vào dịp này trẻ con tự làm đèn ông sao, những hạt bưởi được xâu lại với nhau để đốt vào dịp tháng Tám. Ánh trăng bao đời vẫn vậy nhưng luôn cảm thấy sáng hơn vì chưa có nhiều nhà cao tầng. Đặc biệt là bánh kẹo thì như là một thứ xa xỉ. Bởi vậy nhiều gia đình tự nấu kẹo lạc, hay làm bánh nướng để chuẩn bị cho con cái đón tết Trung Thu. Không khí vui bởi mọi người từ người lớn đến trẻ con cùng tham dự vào một không khí háo hức của tuần rằm tháng Tám.

 

Ngày nay thấy Trung Thu đã biến chuyển đi rất nhiều, dù đều là dịp vui của các cháu. Điều đó thật dễ hiểu bởi con người không thể sống mãi trong ký ức, nhưng cũng cho thấy tính thị trường đã len lỏi vào mọi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, bất kể đó là dịp lễ của trẻ con hay người lớn. Tại Hà Thành, những phố cổ như Hàng Mã, Hàng Đường... hàng hóa ngập tràn tạo một màu sắc rực rỡ, đẹp mắt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Trẻ con không phải làm đèn, cũng chẳng phải xâu hạt bưởi để đốt, chỉ cần ra đầu ngõ là những mặt hàng này vốn xuất xứ Trung Quốc đã tràn ngập. Nhiều đồ chơi chứa cả những rủi ro như các súng bắn đạn nhựa có thể gây hỏng mắt, những mặt nạ có nhựa là rác thải công nghiệp... Nói về khoản bánh kẹo thì chẳng phải bàn.

 

Riêng ở Hà Nội, bánh kẹo đã được bán trước dịp chính lễ khoảng hai tháng, chứng tỏ Trung Thu là một dịp tăng thu của nhiều công ty bánh kẹo và đã được lên kế hoạch từ đầu năm. Ngoài những hãng lớn tên tuổi, người ta thấy xuất hiện cả những hãng mới chưa nghe bao giờ. Vấn đề an toàn thực phẩm được đặt ra và được tuyên truyền rầm rộ. Ấy vậy bánh kẹo kém chất lượng vẫn ung dung tiêu dùng trong dân. Không phải không có kiểm tra, nhưng dễ thấy kiểm tra theo kiểu chớp nhoáng, “cưỡi ngựa xem hoa” thì sao kiểm soát tốt chất lượng. Lỗ hổng còn từ việc ngành chức năng không tài nào kiểm soát hết các khâu đầu vào của nguồn bánh, từ nguyên liệu đến thương hiệu sản phẩm. Suy cho cùng với các hàng sản xuất, hình như các cháu chính là một mắt xích quan trọng để kích hoạt và tiêu thụ sản phẩm nhằm kiếm lời.

 

Vì nặng tính thị trường, thiên về thương mại, nặng về biếu xén, nên khía cạnh văn hóa của dịp tết Trung Thu đã bị xem nhẹ. Tại nhiều khu phố, không ít con lân được trang trí đơn điệu, những điệu múa đã bị phai nhạt nhiều so với nguyên gốc, nhiều nhà văn hóa im lìm... Đoàn thanh niên không xin được kinh phí nhiều khi phải đến vận động từng nhà để tổ chức sự kiện cho các em, dù tích cực nhưng thấy vai trò của đoàn quá vất vả...

Làm gì để Trung Thu vừa vui tươi vừa hiện đại, vừa kích hoạt xã hội tiêu thụ, nhưng cũng mang đậm nét văn hóa? Phải chăng tự mỗi người chúng ta, đặc biệt là ngành chức năng phải ý thức và định hướng cho trẻ em cái hồn thực sự của dịp tết, chứ không phải chỉ chú trọng cổ vũ các em vào một thói quen tiêu dùng mà chẳng hề biết ý nghĩa của việc tiêu dùng đó.

Ngô Quốc Đông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm