Những “diễn viên” khỉ luôn mang lại nhiều niềm vui bất ngờ cho khán giả bởi sự hoạt náo, lanh lợi, và cũng là những thành viên “lắm chiêu” của đoàn xiếc.
Bỏ ăn để trốn diễn
Tối cuối tuần, sân khấu xiếc của Đoàn xiếc TP.HCM tọa lạc tại công viên Gia Định nhộn nhịp người ra kẻ vào. Suất diễn duy nhất trong ngày không cháy vé nhưng cũng đủ để náo nức tiếng vỗ tay tán thưởng. Mỗi suất với hơn chục tiết mục thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Màn diễn nào cũng công phu song “đám nhoi nhoi” nhà khỉ lại làm khán giả để ý hơn cả. Những chú khỉ nhí nhố chạy ra chào khán giả với váy hoa hay áo thun, quần soọc nhìn ngồ ngộ nhưng điêu luyện với các “chiêu” trồng chuối, đứng hai chân, lộn vòng, chạy xe đạp, lắc vòng hay ném bóng... làm cả rạp cười nghiêng ngả. Không chỉ mấy bé thiếu nhi mà cả phụ huynh cũng vỗ tay bôm bốp. Chị Tuyết Lan ngồi cạnh đứa con đang reo hò cho biết: “Những chú khỉ đáng yêu thân thiết như những người bạn, thật tuyệt diệu với tâm hồn trẻ thơ nên tôi thường dẫn các con đến đây coi xiếc”. Và đó cũng là suy nghĩ của nhiều khán giả khác khi đến với xiếc.
![]() |
Cũng như các màn xiếc thú khác, phần trình diễn của những chú khỉ chỉ kéo dài chừng hơn chục phút, nhưng để có những phút giây hoàn hảo ấy, người huấn luyện phải dành hàng chục ngàn giờ uốn nắn từng động tác cho lũ khỉ. Ông Ngô Viết Hải, nhóm xiếc Bầu Trời Xanh (thuộc đoàn xiếc thành phố), gắn bó với nghề hơn 20 năm chia sẻ: “Nuôi dạy khỉ cũng như những loại thú khác đều rất cực công. Đời nghệ thuật của chúng cũng đòi hỏi sự tập luyện không ngừng, bỏ lơ vài hôm là có thể quên ngay dù tuổi diễn bình quân của khỉ từ 10-20 năm. Dày công thuần dưỡng, luyện thú nhưng nhiều tiết mục cũng có lúc trục trặc do chúng đổ bệnh hoặc trở về bản năng...”.
Tuy nhiên, những trục trặc như chuyện “diễn viên” khỉ bỗng lì không nghe lời hay chệch choạc động tác té lăn quay trên sân khấu lại khiến khán giả cảm thấy thú vị. Có lẽ đây cũng chính là đặc thù của những màn trình diễn xiếc thú và đặc biệt với họ nhà khỉ vốn linh hoạt. Vậy nên theo ông Hải: “Nuôi dạy khỉ như nuôi dạy con trẻ, chúng cũng thích chiều chuộng, hay hờn dỗi, thậm chí biết rủ nhau bỏ ăn để trốn diễn và biết giận hờn để chí chóe nhau ngay cả khi đã lên đồ bước ra”.
![]() |
Ông Lê Văn Chung, nhóm xiếc Mặt trời đỏ (đoàn xiếc thành phố) nói kinh nghiệm: “Phải thương và gắn bó thực sự mới có thể khiến chúng vui vẻ hợp tác trên sân khấu. Còn muốn thành công với nghề phải kiên trì trong cả việc tìm hiểu tính cách, thói quen lẫn sự sáng tạo trong động tác, bài diễn thì mới làm cho người xem thấy hấp dẫn, thấy hay được”. Nhắc lại những lần không hợp tác của “lũ nhóc” - cách ông Chung hay gọi - ông kể:“Bình thường chúng vui vẻ với nhau nhưng lên sân khấu thì thỉnh thoảng lại cắn nhau. Những lúc như thế, tôi làm trọng tài phân xử mới yên chuyện, mà phải xử công tâm chứ thiên vị là lôi thôi lắm”.
Theo những huấn luyện viên dày dạn, để một chú khỉ thuần thục các động tác, có thể diễn tạm ổn phải bỏ ra ít nhất 8 tháng luyện tập liên tục mỗi ngày và những tai nạn nhỏ như bị chúng cắn hay cào trúng là chuyện thường ngày. Cái khó nhất của nghề này là việc chọn thú bởi không phải chú khỉ nào cũng dễ nhớ bài hay biết vâng lời. Nhiều lúc dù bỏ ra cả năm trời rèn giũa nhưng cuối cùng phải chia tay “Ngộ Không” để tìm khỉ mới vì tính hoang dã quá trội. Để hiểu được “bạn diễn”, giữa người và khỉ phải có tình cảm thật sự. Ngoài ra, vì khỉ có thể sống trên 20 năm và chúng có thể biểu diễn tốt dù đã già nên mối dây gắn kết giữa người và vật trở nên vô cùng đặc biệt. Khi một chú khỉ trong đàn chết, họ như mất đi một người bạn, người thân. Có người thẫn thờ chẳng làm gì được cả nhiều tuần liền.
Nghiệp xiếc thú
Có dịp theo chân ông Hải cùng bầy khỉ đi... “chạy show” trên chiếc xe máy chở đầy đạo cụ như xe đạp, bàn ghế cùng đàn khỉ cưng được đặt tên Nhất - Nhị - Tam - Tứ, mới biết rằng dù ở những buổi diễn mang tính thương mại hay để phục vụ xã hội, diễn viên người và thú đều nỗ lực hết khả năng. Thế nhưng, nghề xiếc thú nói chung hay xiếc khỉ nói riêng ở các đoàn xiếc hiện nay còn nhiều vất vả. Tự học, tự làm là chính, song đất sống dành cho họ chưa đủ để người diễn viên có thể đầu tư hết mình nâng cao nghề nghiệp. Ngoài các buổi diễn của Đoàn xiếc thành phố, những diễn viên như ông Chung, ông Hải đều phải tìm thêm sô bên ngoài mới trụ nổi với nghề.
![]() |
Để có “bạn diễn”, họ phải tự bỏ tiền túi ra chọn mua khỉ, nuôi từ khi chúng còn nhỏ và thường mỗi người sở hữu khoảng 4-5 con. Như ông Chung, để gầy được một dàn “diễn viên” cho riêng mình phải bỏ ra gần trăm triệu và trở thành vú em nuôi ăn hằng ngày, làm thầy giáo huấn luyện cho từng tiết mục và kiêm luôn bác sĩ thú y mỗi khi bầy khỉ đau ốm. Quý giá và khó khăn chừng ấy nên những chú khỉ là tài sản lớn của cả đoàn xiếc chứ không chỉ với người diễn viên. Màn của chúng cũng là phần quan trọng của các chương trình bởi khán giả chính vẫn là trẻ nhỏ, mà trong con mắt của tuổi thơ, sự tinh nghịch của những con thú luôn dễ dàng chiếm trọn tình cảm. Vì vậy, chỉ cần một con trong đàn chẳng may bị bệnh là “vú nuôi” lo lắng đến mất ăn mất ngủ. “Anh em ở đây đều có chung tâm lý “cưng thú hơn cả bản thân mình”. Thú bệnh là xem như hỏng tiết mục vì mọi người không có nhiều tiền để tuyển thêm “dự bị”. So với các loại trăn, gấu, chó thì khỉ có thực đơn rẻ hơn nhưng đó cũng là một khoản chi không ít với chúng tôi”, ông Chung nhận định.
Nếu các diễn viên xiếc đến tuổi ngoài ba mươi đều phải rời sàn diễn để chọn một công việc khác thì người làm huấn luyện kiêm diễn viên xiếc thú có thể diễn cho đến ngày về hưu. Thế nhưng vì nghề vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao, lại ít có cơ hội lưu diễn quốc tế so với xiếc người (để mang thú ra ngoài nước rất tốn kém và phải làm nhiều thủ tục - PV) nên dù có mời gọi, khuyến khích đủ cách cũng không mấy người trẻ chịu theo nghề. Bên cạnh đó, nghề này cũng không có trường lớp dạy. Đa số những người đang gắn bó với xiếc thú thường vào nghề, trưởng thành do đam mê nên phải tự đào luyện, trau dồi... Do đó, việc mở rộng bộ môn này hoặc tìm người nối nghiệp đã khó càng thêm căng...
![]() |
Dẫu vậy, đối với những người đã trót yêu nghề thì họ vẫn thấy niềm tin, sự động viên vì thực tế khán giả vẫn chưa quay lưng với xiếc. Những buổi trình diễn người xem không chật như nêm như thời vàng son, nhưng mỗi dịp cuối tuần hay lễ lớn, người diễn viên cùng bầy thú cưng của mình vẫn có thể “chạy show” nuôi nghiệp. Để chuẩn bị cho Tết 2016, từ cuối năm họ đã chuẩn bị các tiết mục mới, và dĩ nhiên không thể thiếu sự xuất hiện của những chú khỉ ngộ nghĩnh, tinh nghịch đầy đáng yêu - nhân vật đinh của năm.
Minh Hải
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.