Với bàn tay khéo léo và niềm đam mê, từ những thân tre thô ráp, ông Nguyễn Minh Châu (phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã biến chúng thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình.
Tre gợi hứng
Bên trong căn nhà cổ xưa trên đường Ngô Gia Tự - thị xã An Nhơn, 30 năm qua, mỗi ngày đều đặn vang lên những tiếng đục đẽo, tiếng chạy máy cưa… Trên tường nhà, dọc hai lối đi, những con tôm sống động bằng tre được treo ngay ngắn. Cha đẻ của sản phẩm này đã gần 90 tuổi nhưng ông chưa ngừng nghỉ, hằng ngày vẫn đảm nhận việc làm râu tôm - một trong những công đoạn khó nhất của nghề. Có lẽ, do quá sâu đậm với “nghiệp” nên người trong xóm hay gọi ông bằng cái tên: “Ông Châu tôm”.
|
Những con tôm bằng tre được treo khắp nhà tạo ấn tượng mạnh với khách tham quan |
Ông kể, thuở nhỏ ở quê đi đâu cũng đụng phải tre. Tre mọc sau vườn nhà, ngoài đồng ruộng, dọc các con đường làng. Ngày đó, tre là nguyên liệu để ông với mấy đứa bạn nhào nặn, tạo nên những món đồ chơi. Cây tre vì thế trở nên thân thương và ăn sâu vào trong tiềm thức ông từ lúc nào không hay.
Được trời phú cho sự khéo tay nên khi lớn lên, ngoài làm nông, ông còn làm được nhiều nghề như đắp tranh nổi hay sử dụng bông gòn làm nên những con chim để bán làm đồ lưu niệm. Một thời gian sau, những sản phẩm này không còn được đón nhận nên ông phải tìm hướng đi mới. Đang loay hoay, vào một ngày kia, ông thấy những khoanh tre ngẫu nhiên nằm cạnh nhau trông rất giống lưng của con tôm, đã gợi hứng cho ông ý tưởng làm tôm bằng tre.
Những ngày đầu, ông dành nhiều thời gian để quan sát thật kỹ những con tôm thật. Để nhập tâm, ông mua vỏ tôm về nghiên cứu rồi mới bắt tay vào làm. Tuy nhiên, những sản phẩm đầu tiên chưa làm ông ưng ý. Quyết tâm làm bằng được con tôm đẹp và có hồn, sau nhiều lần chỉnh sửa, đối chiếu, rồi lại chỉnh sửa…, cuối cùng ông Châu đã làm ra loại tôm hùm bằng tre trông y như thật. Những con đầu tiên to bằng cái nắm tay, thân tre được hơ trên lửa cho ngả vàng chứ không sơn phết màu. Năm 1987, ông mang tôm tre đi thi và đoạt giải ba tại cuộc triển lãm các đồ thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Từ đó tôm tre của nghệ nhân Nguyễn Minh Châu bắt đầu nức tiếng vang xa.
|
Anh Sơn là người con duy nhất nối nghiệp, đảm đương những khâu quan trọng nhất trong việc hoàn thành tôm tre |
Sau một thời gian, khách hàng không còn chuộng sản phẩm này. Vậy là ông lại mò mẫm, tìm tòi, cùng nắm bắt thị hiếu khách hàng, để rồi sau đó không lâu, ông biến tôm đất thành tôm hùm với kích thước to hơn, màu sắc đẹp và thành công lại đến.
Ngoài tôm, ông Châu còn làm cả những con thú khác cũng bằng tre như cua, cò, kỳ nhông..., nhưng ông chỉ làm cho vui hay khi có ai đặt hàng mới làm, bởi sản phẩm chính của gia đình vẫn là tôm hùm.
Nhất nghệ tinh
Để thành hình một con tôm, trong mỗi công đoạn, người nghệ nhân phải dồn hết khả năng và sự tỉ mỉ vào từng chi tiết nhỏ. Anh con trai cả Nguyễn Phúc Sơn, người duy nhất trong số sáu người con của ông Châu nối nghiệp cha, cho biết tôm tre được tạo nên từ nhiều chi tiết lớn nhỏ khác nhau, trong đó phần khó nhất là tạo dáng cong thật tự nhiên cho lưng tôm. “Vì khi tôm được tạo dáng đẹp sẽ giúp thoát ra khỏi cái thô kệch của thân tre và khắc dấu ấn cho sản phẩm”, anh nói. Phần thân này được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết nối nhau bằng dây thép. Đầu của tôm được chế tác bằng gỗ cây bông gòn, phủ lên lớp keo, sau đó rải thêm lớp cát mịn rồi gắn râu. Đuôi tôm là những miếng tre nhỏ, được chẻ mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra…
|
Để làm ra con tôm hoàn thiện, mỗi người phụ trách từng công đoạn khác nhau |
Để tôm tre thực sự có hồn, ngoài bàn tay tinh tế và óc sáng tạo của nghệ nhân, nguyên liệu cũng quan trọng không kém. Tre là loại cây dễ bị mối mọt nên cần phải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt và đúng quy trình. Anh Sơn kể loại tre chuyên dùng để sản xuất tôm phải được ngâm sáu tháng dưới bùn, sau đó vớt lên và phơi thật khô. Sau khi cưa ra làm nhiều đoạn nhỏ, tre được tẩm, nhuộm hóa chất để có độ bền hơn. Nhuộm xong, tất cả được đem phơi nắng, sấy và xông để chống mối mọt.
Cơ sở sản xuất tôm tre của gia đình ông Châu hiện có sáu lao động, gồm vợ chồng ông, vợ chồng anh Sơn và hai người cháu họ. Mỗi người phụ trách mỗi công đoạn khác nhau. Tôm tre làm ra được treo bán lẻ tại nhà. Nhiều mối quen cũng đến lấy với số lượng lớn về bán lại. Tôm của ông Châu cũng có mặt ở nhiều quốc gia khi nhiều người mang ra nước ngoài tiêu thụ. Mỗi tháng nơi đây xuất xưởng được khoảng 200 sản phẩm nhưng lắm khi vẫn bị cháy hàng dù giá không phải rẻ. Tùy theo kích thước, tôm hùm có giá từ 350.000 đồng đến 1.000.000 đồng/cặp (loại lớn nhất thân tôm dài khoảng 75cm, không kể phần râu). Điều này mang lại nguồn lợi kinh tế cao và ổn định.
|
Những con tôm hùm thô đang chờ mặc lớp áo mới |
Nhà ông Châu còn là một trong những điểm tham quan được nhiều người lựa chọn mỗi khi đến thị xã An Nhơn. Tôm tre vì thế trở thành món quà lưu niệm hấp dẫn nhờ sự độc đáo. “Nếu đem đối chiếu với những con tôm thật, có lẽ khó mà nhận ra được đâu là thật, đâu là giả, bởi các bộ phận được tạo nên quá hoàn hảo”, chị Bùi Thị Hồng, một khách tham quan tròn mắt kinh ngạc. Theo anh Sơn, đây là sản phẩm thủ công truyền thống nên phù hợp để trang trí trong nhà. Ngoài ra, tôm hùm còn gọi là “tôm rồng”, tượng trưng cho sự dồi dào năng lượng, mạnh mẽ nên nhiều người chọn mua.
Dù tôm tre do ông Châu làm nên hiện đã đạt sự chính xác cao, sản phẩm chưa từng bị ai phàn nàn về chất lượng cũng như mẫu mã, tuy nhiên, nối nghiệp cha, anh Sơn vẫn không ngừng mày mò hoàn thiện hơn nữa. “Tôi luôn tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm về nghề thủ công để cái sau luôn đẹp hơn, chất lượng hơn cái trước. Chỉ khi không ngừng phát triển thì mới không bị đào thải và sản phẩm truyền thống mới ngày một vang xa”, anh khẳng định.
VÕ QUỚI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.