Thứ Năm, 04 Tháng Hai, 2016 22:37

Nhớ Tết xưa

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều nét đẹp trong văn hóa cũng dần mất đi, nhất là những dấu ấn ngày Tết cũ đang ngày càng lùi vào ký ức.

‘‘Đụng lợn” trong Tết quê

Bà Phạm Thị Tuyết (52 tuổi - Ninh Bình): Ngày trước cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ở vùng quê tôi lại rôm rả chuyện “đụng lợn”. Một con lợn cỡ hai, ba chục cân, được 4 đến 8 nhà chung nhau mổ. Cách chia phần thịt được gọi theo góc, tức ¼ con lợn. Mỗi nhà một góc, hay nửa góc. Lợn được xẻ thịt trước Tết độ hai ngày để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả, nấu đông… Lúc đó, không khí Tết mới thật là rộn ràng. Cả chục người nói cười rôm rả. Cánh đàn ông người đun nước, người cạo lông, người làm lòng… Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, rổ rá, lá chuối đựng phần. Sự quây quần, đông vui khi “đụng lợn” vì thế như khúc nhạc dạo đầu cho Tết, không khí tưng bừng và háo hức. Tôi thấy đó là một nét văn hóa làng xã đặc trưng của người Việt. Ấm lòng và tình nghĩa vô cùng. Ngày nay chuyện chung nhau chia thịt một con lợn đã trở nên hiếm hoi vì đời sống kinh tế khá giả hơn, người ta có nhiều lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn ngày Tết, nên không còn thiết tha nhiều với miếng thịt mỡ như ngày nào. Và có lẽ cũng vì bận rộn hơn nên cũng chẳng còn mấy ai thiết tha với chuyện rủ rê, chung đụng nhau miếng thịt… Tết quê với tôi vì vậy mà có phần nuối tiếc.

Xa rồi tiếng pháo

Bà Đinh Thị Oanh (60 tuổi - TPHCM): Ngày đó, như tâm lý chung của bao đứa trẻ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, lòng tôi lại rộn lên cảm giác nôn nao vì được có quần áo mới, nhận lì xì và… nghỉ học đến mấy hôm. Tôi nhớ cái không khí xôm tụ, tất bật trong gia đình khi sửa soạn đón năm mới như sơn nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ, bày biện hoa quả, bánh mứt... rồi ba chị em chúng tôi cùng nhau tới nhà thờ tham gia hội chợ Xuân. Hình ảnh đọng lại rõ nét và tôi hằng thích thú là được xem đốt pháo. Âm thanh rộn rã, giòn tan phát ra cùng những tia sáng chớp nhoáng khiến đứa nào đứa nấy mê tít, vừa bịt tai vừa khoái chí hò hét. Tiếc là theo thời gian, tục lệ này không còn được khuyến khích vì ô nhiễm môi trường và dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Dầu sao đi nữa thì với tuổi thơ tôi, đó mãi là hồi ức đẹp, thân thương.

Những cái tết đong đầy cảm xúc

Ông Nguyễn Văn Tân (74 tuổi - Gx Vĩnh Phước - GP Vinh): Ký ức về những cái Tết hơn 40 năm trước luôn đọng lại trong tôi dư vị ngọt ngào, thân thương và gần gũi. Ngày đó còn nghèo, thiếu thốn đủ thứ nên nhớ nhất cứ mỗi lần Tết sắp về là ai nấy đều rộn ràng chuẩn bị. Cả năm trời ăn uống kham khổ, năm mới là dịp để người ta “tự thưởng” cho mình đôi ba ngày “thức ăn dư dả”. Nhà nào cũng đem hết nếp trong nhà ra gói một mẻ bánh chưng, bánh giò to đùng rồi sau đó để ăn dần. Những ngày Tết, khuôn viên nhà thờ trở thành điểm vui chơi cho mọi người, vì nơi đây rộng rãi, thoáng mát. Người già rủ nhau kê bàn đánh cờ, trẻ thì chọi gà, xóc dĩa... Người ta chơi cốt chỉ để cho vui và hưởng chút không khí náo nhiệt của mùa Xuân, nên đặt vào cái gì, dù ăn hay thua, sau đó đều trả lại… Còn giờ đây, xã hội ngày một phát triển, cái Tết dường như bị mất đi không khí rộn ràng, trẻ con có cảm giác không còn hào hứng như tụi tôi hồi trước, bánh thì vẫn được gói nhưng chỉ làm một vài cái lấy hương vị. Tệ nhất là nạn bài bạc, rượu chè khiến ngày Tết không còn được lành mạnh như xưa.

Nét đẹp truyền thống dần phai

Bà Phạm Thị Minh Đức (54 tuổi - TP.Vinh - Nghệ An): Tết xưa và nay vui vẻ hay buồn tẻ là trong cách cảm nhận của mỗi người. Với những người bắt đầu có tuổi như tôi, đó có thể là một sự nuối tiếc vì những truyền thống văn hóa đậm chất Việt Nam đang bị mai một. Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất ở Tết, tôi sẽ nói ngay nhớ những phong tục xưa. Tôi nhớ sân nhà đầy những xác pháo hồng, bóng bay, vỏ kẹo nhưng mẹ không cho quét vì kiêng. Tôi cũng nhớ tới những ngày 23 Tết nhà nhà mua cá chép làm lễ tiễn ông táo, nhớ những nồi bánh chưng to trong ngày cuối Đông và cả những bức tranh Đông Hồ được thay mới mỗi năm… Tiếc thay, những nét đẹp truyền thống từng làm nên hồn cho Tết cổ truyền đã mất dần. Dẫu Tết ngày nay đủ đầy hơn nhưng tôi vẫn ghi nhớ trong tâm khảm hoài phong vị Tết ngày xưa cũ.

Xuân nay đã khác…

ông Hoàng Hữu Hoan (58 tuổi - TPHCM): Cách đây hơn 20 năm, vào khoảng 23 Âm lịch đưa ông Táo về trời là người ta đã bắt đầu lai rai đốt pháo cho đến đêm Giao thừa, không khí rất rộn ràng. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi nhưng còn là thời gian gia đình sum họp, quây quần bên nhau, nhất là Giao thừa chẳng có ai ra khỏi nhà đi chơi. Thời nay, Giao thừa người ta đã bớt dần thói quen về bên gia đình. Sài Gòn ngày đó rất ít dân nhập cư nên những ngày Tết không cảm thấy trống vắng và hiu quạnh như bây giờ. Tết nay tẻ nhạt hơn nhiều vì con cháu cứ bỏ cha mẹ ông bà đi du lịch khắp nơi, một phần nữa người nhập cư về quê ăn Tết, thế là ba ngày Tết Sài thành như “ngủ yên”, khác hẳn mọi hôm. Một năm làm ăn chỉ mong vài ngày được ở cùng con cháu nhưng chúng cứ như cánh chim bay đi muôn hướng, không còn thời gian để ông bà cha mẹ dạy bảo cho những phong tục ngày Tết truyền thống.

Không khí Tết rất rõ nét

Bà Nguyễn Thị Cúc (62 tuổi - Trà Vinh): Tết ngày xưa rất có không khí bởi sự tất bật chuẩn bị từ những ngày giáp Tết, có khi đó lại còn là sự chuẩn bị từ nửa năm trước đó. Ở quê, hầu như nhà nào cũng nuôi dự trữ một con heo và mấy cặp gà. Heo nhà vườn nuôi bằng rau củ, thức ăn thừa nên phải 6, 7 tháng sau mới có thịt ăn. Sắp Tết, từng nhà chộn rộn xẻ thịt heo, bà con lân cận cũng xách rổ, rá đến cùng chia thịt tạo thêm không khí chộn rộn. Người ta lấy thịt heo kho với trứng, gói bánh tét ăn dần. Miền Trung, miền Bắc có bánh chưng thì người Nam ăn Tết bằng bánh Tét. Cứ đến 28, 29 là nhà nào cũng gói, thêm nữa là bánh ít, bánh tổ. Con nít được sai ra vườn rọc lá chuối, tước dây trúc thủy (một loại dây dùng để cột đòn bánh tét) và làm những việc lặt vặt khác. Chúng không cảm thấy cực nhọc như ngày thường mà ngược lại luôn vui vẻ, hớn hở chạy đi làm, góp phần vào việc chuẩn bị đồ ăn thức uống cho mấy ngày Tết. Phụ nữ lớn trong nhà thì cứ họp chợ Tết là xách giỏ đi sắm sửa đủ thứ, nào dưa hấu, nào là cải muối dưa... Mấy thức ấy được để vào bồ lúa (người miền Nam xưa thường trữ một bồ lúa ở nhà) để dành ăn dần. Trẻ con ngày Tết cũng được sắm một bộ đồ “vía”. Nhà nào đông con, ba má thường mua xấp vải to rồi chia ra may, thành ra anh chị em trong những gia đình thường đến Tết là có “đồng phục” để mặc. Đúng là vui như Tết.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm