Thứ Năm, 17 Tháng Ba, 2016 16:02

Nhớ về những ngày Lễ Lá

Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh luôn là dấu ấn khó quên trong đời sống đạo của mỗi kitô hữu, với sự chuẩn bị và các cuộc rước kiệu thánh thiêng.

LỄ LÁ VÙNG QUÊ

Chị Nguyễn Phong Linh (Giáo xứ An Định - GP Vĩnh Long): Ở giáo xứ tôi, các bà các cô thường cùng nhau thắt lá vào thứ Bảy, trước Chúa nhật Lễ Lá một ngày. Luôn có một người đảm nhiệm việc đi vào ruộng chặt búp non của cây dừa nước. Cành lá dành cho giáo dân được thắt đơn giản, riêng nhành lá của cha sở thì công phu, bắt mắt hơn với hình thánh giá, con cá, bông hoa được tết tỉ mỉ. Các bình hoa trên Cung Thánh cũng được cắm những cành lá này. Ngày lễ nhắc nhớ về sự kiện dân Do Thái xưa đã cầm nhành lá tung hô Chúa Giêsu là vua khi Người tiến vào thành Giêrusalem. Vì ý nghĩa đặc biệt đó, cũng như các lá đã được làm phép nên tôi thường đặt chúng trên bàn thờ sau khi mang về nhà chứ không vứt bỏ lung tung.

NHƯ MỘT LỜI NHẮC NHỞ

Ông Nguyễn Văn Huyền (Giáo xứ Sao Mai - TGP.TPHCM): Thường thì ở xứ tôi Ban mục vụ sẽ kết hợp với nhóm giới trẻ phụ trách chuẩn bị lá cho Chúa nhật Lễ Lá. Những nhành lá được mua về và mọi người cùng tham gia kết. Tôi còn nhớ trước kia tôi hay đi cùng các anh chị em chặt lấy lá dừa nước về tự kết. Tuy không rầm rộ nhưng cũng khá vui, để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, người nào biết làm thì chỉ cho người chưa biết những cách kết lá đơn giản nhất, còn ai thành thạo có thể kết cây thánh giá. Mỗi lần nhìn nhành lá ấy trên bàn thờ của gia đình, người giáo dân có thêm suy nghĩ về chặng đường khổ nạn và vinh quang của Đức Giêsu. Thời gian sau khi lá héo đi, tôi gởi lại cho các thầy gom lại rồi hóa tro dành cho mùa Chay năm sau.

CÔNG LAO THUỘC VỀ CÁC MẸ

Bà Têrêsa Hà Thị Chi (Giáo xứ Hà Nội - TGP.TPHCM): Tại xứ tôi, sau khi lá được mấy ông mang về thì phần còn lại được “khoán” hết cho các mẹ, các chị trong Hội các bà mẹ Công giáo lo liệu. Khi đó, mọi người cùng tập trung lại lựa lá, rửa lá, rồi mang phơi để chuẩn bị cho thánh lễ. Dù bận rộn đến mấy nhưng ngày này chị em luôn cố gắng sắp xếp để tham gia công việc, vì đó là dịp để mọi người trong hội cùng nhau tụ họp làm việc chung. Tiếng trò chuyện rôm rả, tình đoàn kết vì thế càng thêm gắn bó và thắt chặt. Riêng với bản thân tôi, mỗi dịp Lễ Lá luôn để lại những dấu ấn đáng nhớ. Vậy nên để giữ lại những kỷ niệm đó tôi hay cất lá đi bằng cách ép chúng vào một cuốn sách để lưu giữ.

LỄ LÁ VỚI NGƯỜI XA QUÊ

 


 

Anh Lê Nghĩa Hiệp (Giáo xứ Huyện Sĩ - TGP.TPHCM): Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên xa nhà lên Sài Gòn trọ học, tôi tham dự Lễ Lá ở nhà thờ Hàng Sanh. Tuy không khí thánh lễ không có gì khác biệt so với quê nhưng tôi cảm thấy nhớ nhà vô cùng bởi xung quanh toàn những người xa lạ. Học và làm việc ở đây nhiều năm, chỗ ở đã chuyển không ít lần nên cũng không sinh hoạt ở một giáo xứ nào cố định lâu dài. Mỗi năm qua đi, tôi đều để dành lá lại, chưng lên bàn như một kỷ niệm cho đến mùa Chay năm sau. Vì ở trọ không có không gian rộng nên thói quen giữ lá năm này qua năm khác như hồi ở quê không còn nữa.

MỘT TRONG NHỮNG NGÀY VUI NHẤT

Ông Vũ Văn Định (Trưởng Ban hành giáo, giáo xứ Hà Nội - GP  Xuân Lộc): Lễ Lá là một trong những ngày vui nhất vì để chuẩn bị cho kiệu, tôi tham gia vào công việc làm lá trước đó. Với tôi đó là trải nghiệm rất thú vị. Trước lễ khoảng một tuần, việc chuẩn bị đã rục rịch. Mỗi vùng lại dùng một loại lá khác nhau, cách trang trí khác nhau nhưng với xứ tôi thì lúc nào cũng là lá dừa xanh. Năm nào tôi cùng với một vài người trong giáo xứ cũng đi chặt lá dừa và cắt thành đoạn ngắn, sau đó buộc lại thành từng bó chuẩn bị phát lá cho mọi người vào ngày lễ. Riêng cây vạn tuế của cha cầm chúng tôi sẽ thắt thành nhiều hình cầu kỳ hơn. Sau khi rước lá các thành viên trong gia đình tôi đều trân trọng gìn giữ lá của mình mãi đến mùa sau.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm