Mứt được xem là thực phẩm gần như không thể thiếu vào dịp Tết. Để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí, một số gia đình vẫn có thói quen tự tay làm bánh mứt trong những ngày cuối năm.
Thông thường cứ khoảng 20 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà lại tất bật cho việc chế biến và bảo quản các loại bánh mứt để ăn Tết. Mỗi thành viên cùng chung tay góp sức với nhau, người phụ bếp núc, người lo phụ liệu để tạo ra những mẻ mứt thơm ngon và hấp dẫn. Không khí trong gian bếp thật rộn ràng và ấm áp. Chính sự đoàn kết, sẻ chia công việc của các thành viên trong nhà đã tạo thêm phần thú vị cho việc làm bánh mứt ngày Tết.
![]() |
Gia đình chị Nguyễn Ái Phương (Ba Tri, Bến Tre), hằng năm ngoài việc làm mứt còn quết bánh phồng, một đặc sản cũng được xem là không thể thiếu. Vui nhất là mọi người cùng quây quần bên nhau : Ông bà phụ trách quết bánh, ba mẹ lo cán bánh, con cháu thì hăng hái phơi bánh. Nhìn khung cảnh cả nhà vừa làm vừa cười cười nói nói, thấy không khí Tết như chộn rộn hẳn. “Chính điều này mà người lớn tuổi luôn mong mỏi con cháu ở xa quê về hội tụ. Tuy cực nhưng lại rất vui, không phải thời khắc nào cũng được thú vị như thế”, chị Phương nói.
Cũng nhộn nhịp không kém với việc làm mứt Tết là gia đình chị Lê Thị Tuyết (Giồng Trôm, Bến Tre). Đại gia đình chị có một thú vui đặc biệt là cùng nhau sên mứt chùm ruột. Theo chị Tuyết, để làm mứt này ngon, phải lựa loại chùm ruột chua, màu vàng nhạt, căng mọng nước. Cánh mày râu nhà chị có nhiệm vụ hái trái, còn các bà nội trợ và những bé gái thì rửa và dùng tay làm cho trái chùm ruột mềm để bớt chất chua bên trong. Khi những mẻ mứt hoàn tất, các bé lấy một ít xâu thành từng xâu dài để ăn ngay cùng bạn bè, phần còn lại, những người lớn bỏ vào hũ để ăn dần và đãi khách ba ngày Tết.
![]() |
Chị Thái Thị Nguyệt với mẻ mứt dẻo vừa mới ra lò |
“Làm mứt không phải là việc đơn giản, không chỉ cần khéo tay mà còn phải có sự kiên nhẫn”, chị Thái Thị Nguyệt (Long An) chia sẻ trải nghiệm của mình. Theo chị, mỗi loại mứt khác nhau, sẽ có cách thực hiện khác nhau để tạo nét đặc trưng riêng của nó. Người làm ngoài biết cách chung chung đôi khi cũng phải biết thêm các mẹo để mẻ mứt được như ý. Năm nào gia đình chị Nguyệt cũng có những mẻ mứt dẻo thật ngon để ăn và dành một ít biếu người thân. Nói đến chuyện thất bại với mứt, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (Tiền Giang) đã từng có một cái Tết nhớ đời vì quên một vài thao tác quan trọng. Khi mẻ mứt vừa ra lò, không chỉ không ngon mà còn bị đóng cục, mứt và đường cứ rời ra, không dẻo và dính lại. Chưa kể vì hấp tấp trong lúc sên, cho lửa quá lớn, mẻ mứt chưa kịp chín đã bị đổi màu đen. “Lần đó tôi không để ý nên quên rằng, khi làm mứt dẻo cần phải đem phơi cho đu đủ và gừng héo lại, sau đó cho số lượng đường vừa đúng với lượng bổi (tức đu đủ, gừng và các thực phẩm khác như khóm, chuối…) rồi hong cho đường hòa tan ra, đợi khoảng một ngày, thêm ít nướt cốt chanh để mứt khi hoàn thành sẽ dẻo và có vị chua chua ngọt ngọt”, anh Tuấn chia sẻ.
![]() |
Ở thành thị, nhiều người quá bận rộn chạy đua với công việc nên phần lớn mua mứt bán sẵn tại các chợ và siêu thị. Song một số nhà cũng có thói quen làm mứt vào ngày Tết vẫn duy trì bởi cũng muốn trong nhà có không khí Xuân. Gia đình chị Nguyễn Thị Lý (quận 1, TP.HCM) có truyền thống này từ thời xa xưa. Một thời bà cố chị vẫn làm rồi truyền lại cho nội và cho mẹ, bây giờ là chị. Không làm nhiều kiểu kinh doanh nhưng Tết hằng năm, tủ nhà chị lúc nào cũng có từ năm đến bảy loại mứt khác nhau. Ngoài chuyện để cả nhà cùng lai rai, còn là để bày ra tiếp khách mấy ngày đầu năm. Khi làm mỗi loại mứt, chị Lý đều nghĩ đến ý nghĩa của nó, chẳng hạn như mứt gừng gợi sự ấm áp, mứt khế có vị thơm mang đến hương Xuân, mứt sen với ý tốt lành, mứt bí mang sự đoàn viên, ngọt ngào và mứt dẻo gắn kết những yêu thương…
*
Mứt Tết là một nét văn hóa ẩm thực ngày Xuân. Làm mứt không chỉ là dịp cả nhà bên nhau mà còn đo tài nghệ nữ công gia chánh và là cơ hội để trao truyền kinh nghiệm bếp núc của các thế hệ phụ nữ trong gia đình Việt Nam xưa và nay.
Võ Hồng Tuấn
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.